Phát triển đô thị tại Quảng Ninh đồng bộ, hiện đại: Tập trung nguồn lực, phát triển theo quy hoạch

08:23 06/04/2018

Nhằm tạo động lực đột phá trong phát triển đô thị, Quảng Ninh đã tập trung triển khai việc quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ... Trong thời gian ngắn, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh tăng từ 50,3% (đầu năm 2011) đến nay đạt trên 64% và là một trong 3 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương)...

Quảng Ninh hôm nay đang trên đà phát triển với dáng dấp đô thị hiện đại, văn minh

Quy hoạch luôn đi trước một bước

Những năm qua, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đã luôn được tỉnh chú trọng. Các đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện, quy hoạch chung đô thị sau khi phê duyệt đều được thực hiện công bố công khai quy hoạch tại các hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, của địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin.

Bên cạnh đó, các đồ án quy hoạch chi tiết sau khi được phê duyệt đều được các địa phương thực hiện công bố, công khai theo quy định tại địa phương; Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế và các địa phương thường xuyên cung cấp thông tin theo yêu cầu cụ thể. Hồ sơ các đồ án quy hoạch cơ bản được tổ chức lưu giữ tại các cơ quan quản lý theo quy định.

Sau khi quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được phê duyệt, Sở Xây dựng triển khai việc lập các đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành xây dựng theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; hướng dẫn các địa phương triển khai lập mới, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung các thành phố, thị xã, thị trấn...

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh tập trung cải thiện môi trường đầu tư lành mạnh, khuyến khích mạnh mẽ người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư; đồng thời, bố trí theo thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư cho phù hợp, ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm để làm động lực cho đô thị phát triển; đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở xã hội và đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp để làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; khuyến khích xã hội hóa trong các hoạt động dịch vụ công như: giáo dục, y tế, cấp nước, vận chuyển, thu gom xử lý chất thải huy động nguồn vốn trong dân để tăng nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.

Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực trọng điểm đã được xác định; tập trung kêu gọi nguồn hỗ trợ phát triển chính thức vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cần vốn lớn như: các dự án đường giao thông, dự án thoát nước quan trọng, phát triển mạng lưới cấp nước sạch, hệ thống xử lý chất thải rắn. Tỉnh tiếp tục linh hoạt, đẩy mạnh kêu gọi các hình thức đầu tư như: xây dựng - chuyển giao; xây dựng - kinh doanh - chuyển giao; xây dựng - chuyển giao - kinh doanh; hợp tác công tư; tạo vốn đầu tư thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất...

 Phát triển đô thị văn minh, hiện đại

Xác định mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020, tỉnh chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế về thương mại, du lịch, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, cải tạo và làm mới hệ thống giao thông đô thị. Lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Ninh thông tin tại Cổng thông tin điện tử tỉnh cho hay, toàn tỉnh có 15 đô thị gồm 4 thành phố, trong đó Hạ Long là thành phố đô thị loại I, Uông Bí và Cẩm Phả là đô thị loại II, Móng Cái là đô thị loại III.

Đặc biệt, sau khi quy hoạch chung các địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đô thị và các quy hoạch khu chức năng đặc thù… đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, như: Cao tốc nối TP Hạ Long với TP Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cải tạo nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; cải tạo nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Uông Bí, Uông Bí - Đông Triều; đường vào KCN Việt Hưng, KCN Hải Hà; sân bay Vân Đồn...

Không chỉ tạo kết nối giao thông đồng bộ mà các dự án hạ tầng dịch vụ du lịch, thương mại cũng được liên tục triển khai như: Khu du lịch đảo Tuần Châu, cảng tầu Tuần Châu; Vinpearl Ha Long Bay Resort; các trung tâm thương mại Vincom, Big C, Mega Market; sân golf Ngôi sao Hạ Long...

Cùng với đó, các dự án hạ tầng văn hóa, thể thao như: Bảo tàng, thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ, Triển lãm và Văn hóa tỉnh; nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ; công viên hoa Hạ Long; cùng các dự án khu đô thị ven biển Cột 5, Cột 8, khu đô thị dịch vụ cao cấp Bến Đoan, khu đô thị hiện đại phía đông hòn Cặp Bè, khu trung tâm thương mại và nhà ở kết hợp mua sắm tại phường Bạch Đằng, khu đô thị Hùng Thắng - Cái Dăm... cũng được đầu tư, đã tạo diện mạo mới cho đô thị, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với thế và lực mới, Quảng Ninh hôm nay đang trên đà phát triển với dáng dấp đô thị hiện đại, văn minh, gắn kết chặt chẽ và hài hòa với các đô thị của các tỉnh khác của cả nước; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế để thu hút đầu tư, phát huy nội lực để xây dựng Quảng Ninh trở thành đô thị có tầm ảnh hưởng và vị trí xứng đáng của 1 trong 3 cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc Việt Nam.

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông