17:45 02/03/2023 Bài 2: Động lực mới, niềm tin mới cho sự phát triển của Hải Phòng
Phát biểu tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 30 của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định rõ quyết tâm phát huy vai trò động lực phát triển của Hải Phòng đối với vả vùng và cả nước. Đây cũng chính là nguồn lực, là động lực, thể hiện sự tự tin, bản lĩnh, ý chí vươn lên để thực hiện bằng được những khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố.
Sớm hiện thực hóa các chương trình, đề án
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nêu rõ, thời gian qua, Hải Phòng đã tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng, phát huy mạnh mẽ nguồn nội lực để tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông để kết nối vùng, như cải tạo sân bay quốc tế Cát Bi; xây dựng tuyến đường bộ ven biển; cải tạo các nút giao thông trong nội đô…
Đặc biệt là xây dựng nhiều cây cầu vượt sông để kết nối với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Thái Bình. Tỉnh Quảng Ninh đầu tư và đưa cầu Bạch Đằng vào hoạt động nhiều năm nay. Cùng với đó, Trung ương đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; cầu Tân Vũ- Lạch Huyện và hạ tầng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, được xếp trong nhóm 21 Cảng biển lớn nhất thế giới; 2 bến cảng nước sâu đã vượt công suất, hiện đang đầu tư xây dựng 4 bến cảng tiếp theo. Với sự quan tâm của Trung ương và các địa phương nên thành phố Hải Phòng đã có hệ thống giao thông kết nối vùng tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Phòng là trung tâm của khu vực.
Để đạt được mục tiêu: Hải Phòng là trung tâm đô thị, dịch vụ, du lịch kết nối với khu vực và thế giới, trong những năm tới, Hải Phòng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng. Trong đó, sẽ sử dụng ngân sách của địa phương xây dựng tuyến cao tốc ven biển đoạn qua Hải Phòng; cải tạo mở rộng quốc lộ 10 các đoạn còn lại; cải tạo các tuyến đường thủy trên địa bàn; đầu tư xây dựng và hoàn thiện các bến cảng còn lại tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; khởi động xây dựng cảng biển quốc tế nam Đồ Sơn.
Đồng thời, đầu tư mở rộng Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải; xây dựng và hoàn thiện nhiều khu công nghiệp để kêu gọi các nhà đầu tư về logictisc và các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao; phát triển và mở rộng không gian đô thị theo 3 hướng mà nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ. Đó là phát triển đô thị hướng biển và di chuyển Trung tâm Chính trị Hành chính của thành phố về phía bắc sông Cấm, phấn đấu Hải Phòng là thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Hải Phòng cũng sẽ ưu tiên và tâp trung đầu tư hạ tầng các khu du lịch tại đảo Cát Bà và Đồ Sơn để trở thành trọng điểm du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn về phát triển điện gió tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ, tiến tới hạn chế hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Quan trọng nhất là tập trung cao độ cho việc hoàn thành đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng vì đây đang là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của thành phố… Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định, với quyết tâm thực hiện các chủ trương nêu trên, thành phố Hải Phòng sẽ sớm trở thành động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước.
Sự hỗ trợ, đồng hành của Trung ương và các địa phương trong vùng
Để Hải Phòng có thể thực hiện được các mục tiêu đề ra, xứng đáng với tiềm năng, vị thế và nhiệm vụ “đầu tàu, động lực” phát triển của cả vùng, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của thành phố, Hải Phòng luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Trung ương và các địa phương trong vùng.
Điều đó được thể hiện khi các đề xuất, kiến nghị của Hải Phòng để thực hiện NQ 30 của Bộ Chính trị hầu hết đã được cụ thể hóa trong Chương trình hành động của Chính phủ. Đó là các cơ chế, chính sách phù hợp với các địa phương giữ vai trò là “đầu tàu”; cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng trọng điểm Bắc bộ gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra; chủ trương đầu tư tuyến đường sắt duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ra Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (bao gồm nhánh rẽ ra Cảng Đình Vũ); xây dựng các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện...
Càng vui hơn khi lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đều khẳng định nhiều chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để phát triển Vùng, đặc biệt là các địa phương đầu tàu như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trong số 20 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng thực hiện tới năm 2030, có 7 dự án lớn liên quan trực tiếp tới sự phát triển của Hải Phòng.
Tiêu biểu là dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình- Hải Phòng đoạn trên địa bàn thành phố Hải Phòng; nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn; tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng, đoạn Hà Nội- Hải Phòng; tuyến đường sắt Nam Định- Thái Bình- Hải Phòng- Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn nam Hải Phòng- Hạ Long dài 37km); cải tạo các tuyến đường thủy nội địa từ Hải Phòng, Quảng Ninh đi Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; đầu tư các bến cảng mới tại cảng biển Hải Phòng (các bến số 3,4,5,6,7,8 khu bến cảng Lạch Huyện); hoàn thành đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại thành phố Hải Phòng...
Chính bởi thế, tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Hải Phòng chỉ có thêm một số kiến nghị, đề xuất. Cụ thể, Hải Phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có quy hoạch nhà máy điện rác, điện gió tại thành phố Hải Phòng làm cơ sở triển khai các dự án sử dụng năng lượng tái tạo của thành phố.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường biển bảo đảm khả thi, đồng bộ và theo hướng phát triển bền vững, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế biển; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động lấn biển; phê duyệt Quy hoạch Không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ quốc gia...
Có thể nói, Hải Phòng giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tất cả các nội dung của nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; nghị quyết 14 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 30. Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng đồng thời là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao.
Ngay sau hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ, Hải Phòng đã giao các cấp, ngành nhanh chóng triển khai, sớm ban hành Chương trình hành động của thành phố với tư duy tự lực cánh sinh là chính, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển. Hải Phòng đã sẵn sàng tâm thế và quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra, xứng đáng với vai trò động lực, đầu tàu phát triển của cả Vùng, cả nước./.
Hồng Thanh
10:28 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết