17:08 12/12/2023 Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Một số định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa qua, TS. Nguyễn Kim Pha, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, việc đổi mới sáng tạo, năng lực sáng tạo công nghệ đang là nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của đất nước. Trong đó, Hải Phòng cần nhanh chóng bắt nhịp để phát triển nhanh và bền vững.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng bày tỏ, khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các đột phá chiến lược. Đây là nhân tố góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu và trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khẳng định rõ vai trò là đầu tàu kinh tế, là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ chính ra Biển Đông của khu vực Bắc Bộ, kết nối quốc tế.
Đặc biệt, gần đây nhất ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ", trong đó tiếp tục khẳng định quyết tâm phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; là trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Nghị quyết cũng xác định mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đối với Hải Phòng trên 3 trụ cột chủ yếu là: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Cùng với đó, thành phố chú trọng đầu tư phát triển khoa học, công nghệ với các chương trình chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ.
Có thể khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững là hướng đi đang được Hải Phòng hiện thực hóa bằng những kết quả nổi bật trên con đường phát triển, phấn đấu đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Vẫn theo PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Hải Phòng cần đổi mới và thực hiện một số đột phá sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, trọng tâm giải quyết một số nội dung: tăng cường thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tao; hình thành thị trường dịch vụ khoa học và công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa, xã hội hóa việc ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ hình thành các tổ chức đánh giá, thẩm định, định giá công nghệ, tư vấn lựa chọn công nghệ, môi giới công nghệ và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động của sàn giao dịch công nghệ, thiết bị; huy động mọi nguồn lực dể phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.
Thứ hai, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là cơ sở để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố.
Thứ ba, gắn kết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng; thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới trong các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai, bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu
Cũng tại hội thảo, một quan điểm nữa của Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đưa ra được các đại biểu hết sức đồng nhất. Đó là với vị trí của một thành phố cửa chính ra biển, kề Vịnh Bắc Bộ, hội tụ đầy đủ các lĩnh vực của kinh tế biển từ khai thác nuôi trồng, chế biến, đến khai thác năng lượng biển, Hải Phòng đã có nhiều thành tựu, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị biển, khai thác biển, làm chủ biển.
Để đến năm 2045, Hải Phòng là thành phố bền vững tầm cỡ khu vực châu Á, cần phải định vị lại tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Trong đó, phải thay đổi về tư duy trong nhận thức từ cán bộ, đảng viên đến từng người, từng người dân về khoa học, công nghệ; đặc biệt phải chủ động đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu về khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo; quá trình đào tạo phải gắn kết với bản sắc đặc sắc của địa phương...
CẨM TÚ
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết