18:54 05/12/2019 Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 11 HĐND TP khóa XV đã dành trọn buổi sáng cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Đã có 3 lãnh đạo sở, ngành trực tiếp trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan đến những vấn đề “nóng”, đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm như: quản lý đầu tư xây dựng, vi phạm pháp luật đất đai, môi trường... Phó chủ tịch HĐND TP Bùi Đức Quang điều hành phiên chất vấn.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Trần Việt Tuấn trả lời chất vấn
Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên là ông Trần Việt Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư. Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Hữu Thư vì sao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 tụt giảm 7 bậc so với năm 2017, trong khi 5 năm qua, thành phố luôn chọn chủ đề năm là “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”.
Ông Tuấn cho biết chỉ số PCI do nghiên cứu của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam xây dựng nhằm đánh giá môi trường, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố. Chỉ số này gồm 10 chỉ số thành phần cộng lại.
Từ năm 2014 đến năm 2017, điểm số và thứ hạng PCI của thành phố đều có sự thay đổi theo chiều hướng tốt. Đỉnh điểm là năm 2017 xếp hạng 9/63, với tổng điểm đạt 65,15 điểm, lần đầu tiên Hải Phòng lọt vào top 10 của cả nước.
Tuy nhiên, năm 2018, chỉ số PCI của thành phố chỉ đạt 64,48 điểm (giảm 0,67 điểm so với năm 2017), đứng vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành phố, giảm 7 bậc so với năm 2017. Theo ông Tuấn, trong 10 chỉ số thành phần, thành phố có 6 chỉ số tăng điểm, 4 chỉ số giảm điểm (gồm Gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động).
Riêng chỉ số thành phần bị giảm điểm nhiều nhất là chỉ số chi phí không chính thức, chỉ đạt 5,18 điểm (giảm 0,84 điểm so với năm 2017), đứng thứ 55/63 (so với vị trí 18/63 của năm 2017).
Đại biểu HĐND TP chất vấn tại hội trường
Phản ánh của đại biểu Nhâm Thị Thanh Hằng, tình trạng nhiều doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh song thực chất không hoạt động, thậm chí không tìm thấy trụ sở. Ông Tuấn cho hay, tính đến hết tháng 10-2019, tổng số doanh nghiệp đã đăng ký trên địa bàn thành phố Hải Phòng là 40.053 doanh nghiệp. Sau khi trừ đi các doanh nghiệp đã giải thể, bị thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN hoặc đã hợp nhất, sáp nhập với doanh nghiệp khác, thành phố còn lại 33.457 doanh nghiệp vẫn tồn tại, được Sở theo dõi trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trong số những doanh nghiệp nêu trên, có không ít các doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động kinh doanh thì rơi vào trạng thái “ngủ đông” ngừng hoạt động, không còn tham gia vào thị trường. Qua nắm bắt tình hình, thu thập thông tin từ nhiều đơn vị khác nhau, Sở tạm thống kê những nguyên nhân, lý do ngừng hoạt động như: thành lập với mục đích không để kinh doanh, lựa chọn chưa phù hợp với ngành nghề, mục đích trục lợi để thực hiện các hoạt động bất chính (như mua bán hóa đơn VAT)...
Tuy nhiên theo ông Tuấn, không phải tất cả doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động kinh doanh mà có thể, những doanh nghiệp đó sau khi tìm kiếm được cơ hội kinh doanh, khắc phục được khó khăn, vướng mắc, triển khai phương án kinh doanh mới sẽ quay trở lại kinh doanh bình thường. Trong 10 tháng đầu năm 2019, thành phố có 994 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trước chất vấn về tình trạng một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm gây mất mỹ quan đô thị, làm lãng phí nguồn lực. Điển hình trong đó là công trình Tòa nhà 25 tầng Vipco Tower của Công ty cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO trên đường Phan Bội Châu (tòa nhà ngay khu vực trung tâm thành phố, sát phía Tây Nhà hát lớn).
Công trình này mới xây dựng xong phần thô, đã dừng thi công từ năm 2014, trong khi tiến độ thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư cấp là đến tháng 1-2011 phải hoàn thành. Ông Tuấn thừa nhận trách nhiệm trong việc chưa đưa dự án này vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra những năm trước đây, chưa đôn đốc sát sao nhà đầu tư do số lượng dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước tương đối lớn trong khi lực lượng nhân sự thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm đầu tư của Sở còn mỏng.
Về giải pháp khắc phục, ông Tuấn đề xuất, Sở sẽ sớm tham mưu cho UBND thành phố chấm dứt thực hiện dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Trường hợp hết thời gian bán tài sản theo quy định của Luật Đất đai mà Công ty VIPCO không thực hiện được việc bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác thì thành phố sẽ thu hồi đất mà không bồi hoàn về đất và tài sản gắn liền với đất, sau đó sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án tại khu đất nêu trên.
Cũng liên quan trách nhiệm quản lý đầu tư xây dựng là dự án khu chung cư Grand Pacific, khu đô thị Sở Dầu, Hồng Bàng chậm tiến độ. Ông Trần Việt Tuấn cho hay: từ tháng 1-2019 đến nay, nhà đầu tư đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến xây dựng, quy hoạch, sử dụng đất và môi trường, phòng cháy chữa cháy để đảm bảo việc tái khởi công dự án được triển khai đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Văn Phương trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Sinh về tình trạng dự án chậm triển khai, sử dụng sai mục đích, vi phạm Luật đất đai, ông Trần Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: sau khi Nghị quyết số 06 của HĐND TP ban hành, Sở đã rà soát được 253 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai, với tổng diện tích 5.461,22 ha.
Trong đó đã thu hồi 19 trường hợp vi phạm, với tổng diện tích 295,62 ha. Ngoài ra, UBND TP đã ban hành văn bản dừng thực hiện đối với 45 trường hợp với tổng diện tích 684,97 ha do vướng mắc về công tác GPMB, hoặc chủ đầu tư không còn khả năng tiếp tục thực hiện; 15 trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng; 20 dự án doanh nghiệp đã chủ động khắc phục vi phạm.
Hiện ngành đã hoàn thiện hồ sơ xử lý 151 trường hợp với tổng diện tích: 4.136,71 ha (gồm 67 dự án chậm đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ thực hiện dự án; 55 trường hợp nợ đọng nghĩa vụ tài chính; 29 trường hợp còn lại là các hành vi vi phạm khác).
Ông Phương thừa nhận, để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm thuộc về cả hai phía: cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư. Trong đó, việc thẩm định dự án đầu tư, địa điểm, quy hoạch, xây dựng và nhu cầu sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xử lý việc quản lý, sử dụng đất chưa thường xuyên. Công tác giám sát việc quản lý, sử dụng đất tại địa bàn các quận, huyện chưa kịp thời, hiệu quả.
Về câu hỏi các dự án đã có quyết định giao đất nhưng chưa tính tiền sử dụng đất, gây thất thoát ngân sách, người đứng đầu ngành Tài nguyên và môi trường thành phố phân tích có 3 nhóm. Nhóm 1 là các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc tính thiếu tiền sử dụng đất (11 dự án, ước thu hơn 2.500 tỷ đồng).
Nhóm 2 là dự án đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã bàn giao đất cho doanh nghiệp nhưng chưa tính tiền hoặc đã tính tiền nhưng chủ đầu tư chưa nộp. Và nhóm 3 là dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chưa tính tiền giao đất, cho thuê đất nhưng doanh nghiệp đã sử dụng đất.
Theo ông Phương, hiện UBND TP đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát việc cho thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các quận, huyện: Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến Thụy. “Thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các quận, huyện còn lại (trừ huyện Bạch Long Vĩ)...”, ông Phương nói.
Tiếp đó, đại biểu Lưu Xuân Cải nêu vấn đề bức xúc của nhiều cử tri về tình trạng vi phạm về quản lý đất đai ở một số địa phương. Ông Trần Văn Phương thừa nhận có tình trạng trên. Điển hình tại quận Hải An có tình trạng chiếm dụng đất đai, xây dựng trái phép, vi phạm trật tự xây dựng đô thị khu vực dọc 2 bên tuyến đường Bắc Sơn - Nam Hải (đường World Bank).
Tháng 2-2019, tình trạng trên cũng đã xuất hiện tại các xã: Đồng Thái, Hồng Thái, huyện An Dương nơi có trục đường đi qua. UBND huyện An Dương đã trực tiếp kiểm tra và xác định có 12 trường hợp vi phạm.
Ngoài ra trên địa bàn các quận, huyện, nhất là các địa phương ven đô còn có tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư thành đất ở, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp.
Về giải pháp, ông Phương cho rằng, UBND cấp huyện, cấp xã phải nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai tại địa phương, tổ chức thực hiện nghiêm việc quản lý nhà nước về đất đai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. “Thời gian tới, Sở sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ ngành tài nguyên cấp huyện, xã, qua đó sẽ hạn chế được vi phạm...”, ông Phương nêu rõ.
Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Văn Thanh trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đào Khánh Hà về tiến độ xây dựng 2 tòa nhà chung cư HH3-HH4 phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền), ông Phùng Văn Thanh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, dự án cơ bản đảm bảo tiến độ. Theo dự kiến đến tháng 3 -2020, dự án sẽ bàn giao đưa vào sử dụng; dự kiến tháng 4 năm 2020 sẽ bố trí đưa các hộ dân quay trở lại khu chung cư mới xây dựng.
Về phương án bố trí, sắp xếp, theo ông Thanh, sẽ bố trí cho 1.162 hộ đã tạm cư bằng tiền hoặc bằng nhà theo phương án đã được UBND quận Ngô Quyền phê duyệt tại chung cư từ Đ1 đến Đ27 Đồng Quốc Bình và ngõ 47 Lê Lai; bố trí tái thuê tương đối đồng nhất diện tích và số tầng căn hộ thông qua hình thức bốc thăm. Diện tích căn hộ mới bố trí tương ứng theo nhóm diện tích căn hộ cũ, đảm bảo diện tích mới lớn hơn hoặc bằng với diện tích nhà ở cũ.
Đại biểu Đào Khánh Hà nêu vấn đề chất vấn
Trước việc xuất hiện hiện tượng mua bán, chuyển nhượng suất tái định cư của những hộ dân có nhà tập thể tại Đồng Quốc Bình, ông Thanh xác nhận có thực tế đã xảy ra. Đây được coi là giao dịch dân sự về nhà ở, tuy nhiên việc mua bán, chuyển nhượng này chưa thực hiện theo các quy định của nhà nước. Cụ thể: Việc chuyển quyền thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Ông Thanh cho biết, hiện nay Công ty TNHH MTV và Kinh doanh nhà và Sở Xây dựng chưa xác nhận bất cứ hồ sơ đề nghị chuyển quyền thuê nhà nào tại khu vực này.
“Khu chung cư HH3-HH4 Đồng Quốc Bình là quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước được xây dựng, cải tạo lại nhằm cải thiện điều kiện sống, cải thiện về nhà ở cho các hộ gia đình đang sinh sống tại chung cư cũ. Do đó đối tượng được bố trí sử dụng là các hộ hiện đang thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước và những hộ đã được thanh lý hoặc đã có giấy tờ sở hữu về nhà ở. Sở Xây dựng đã có văn bản gửi Công ty TNHH MTV và Kinh doanh nhà và UBND quận Ngô Quyền, không xem xét bố trí nhà ở tại chung cư mới xây dựng đối với những trường hợp chuyển quyền thuê nhà ở không hợp pháp...”, ông Thanh khẳng định.
THỦY NGUYÊN
21:44 24/12/2024
21:20 24/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế