10:19 13/05/2019 Trẻ em lứa tuổi đến trường vốn hiếu động, thích khám phá nhưng chưa ý thức được các mối nguy hiểm có thể xảy ra. Tai nạn thương tích thậm chí dẫn đến tử vong thường gặp ở trẻ em Việt Nam, gồm: đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngã, bỏng, điện giật, động vật cắn… Trong đó, trẻ gặp tai nạn và dẫn đến tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao. Tuy vậy, bài toán đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất trong trường phổ thông vẫn còn gặp khó...
Vẫn còn tai nạn đuối nước thương tâm
Theo một báo cáo của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm, tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu, có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Những ngày hè ở các vùng nông thôn không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ em đùa nghịch thỏa thích dưới sông. Có em đứng trên những mô đất cao 2m - 3m nhảy xuống dòng nước. Có em còn nhào lộn trên không trước khi tiếp nước, rất nhiều nguy hiểm, nếu trượt chân hoặc tiếp nước sai tư thế có thể dẫn đến tai nạn.
Điều đáng nói, đa phần các em đều không biết bơi nhưng do lén rủ nhau đi tắm sông nên các bậc phụ huynh cũng không biết con mình đang rơi vào nguy hiểm. Nhiều gia đình cũng chủ quan cho rằng sông không sâu, trẻ con “biết sợ” sẽ chỉ chơi ở gần bờ, không ra xa. Chính thái độ chủ quan của người lớn và sự vô tư của các em nhỏ là nguyên nhân của những vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Khu vực ven sông tuy có thể là chỗ chơi lý tưởng cho các cháu những ngày hè, nhưng với tâm lý hiếu động, thích nô đùa nên nhiều cháu rủ nhau ra xa tắm gặp chỗ nước sâu, hoặc bị cuốn vào có những vũng xoáy là nguyên nhân chính dẫn tới trẻ bị đuối nước...
Cuối chiều 6-5, gia đình 7 em học sinh đang theo học tại trường THCS Vĩnh Ninh tá hỏa khi không thấy các con mình trở về nhà. Sau đó mới biết, khoảng 15h cùng ngày, nhóm học sinh này đã rủ nhau ra sông Mã tắm. Đoạn sông các em đến tắm chảy qua địa bàn thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh, có vùng nước sâu, xoáy đã cuốn 6 học sinh vào khu vực nguy hiểm.Một em trong nhóm này do biết bơi đã cứu được hai bạn. Khi quay trở ra thì bốn người bạn còn lại đã chìm xuống sông, mất tích. Nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, cùng người dân địa phương tìm kiếm tung tích các nạn nhân. Đến 18h cùng ngày, thi thể bốn học sinh đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình đưa về mai táng…
Trước đó, chiều 21-3, một vụ tai nạn thương tâm khác đã xảy ra tại đoạn sông Đà thuộc địa phận phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) khiến 8 cháu bé tử vong do đuối nước. Một nhóm học sinh cấp 2 từ lớp 6 đến lớp 9 đã ra khu vực sông Đà picnic, ăn uống… rồi xuống sông tắm. Khoảng 15h, một số em bị đuối nước nên 2 em còn lại chạy lên bờ báo người lớn. Lập tức, lực lượng công an có mặt và gọi hỗ trợ từ những người dân chài trên sông để tìm kiếm các em. Hơn 17h cùng ngày, lực lượng chức năng đã vớt được thi thể của 8 em đồng thời tiến hành nhận dạng…
Đưa bơi vào môn Giáo dục thể chất
Đuối nước ở Việt Nam vẫn đang là vấn nạn khi cướp đi hàng ngàn sinh mạng mỗi năm. Trong đó, đa số vụ đuối nước thương tâm xảy ra đối với trẻ em. Những vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh như các vụ việc xảy ra gần đây nói trên khiến cả nước bàng hoàng, đau xót, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em.
Việc đưa môn bơi vào chương trình giáo dục phổ thông là cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai còn căn cứ và phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy môn học tại từng trường còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Áp lực lớn nhất là hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn thành phố hiện nay còn chưa đủ diện tích để xây dựng các công trình giáo dục thể chất như: bơi, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…- những môn thể thao tạo hứng thú và bổ ích đối với học sinh; hoặc có diện tích thì cũng chưa có kinh phí để xây bể bơi trong nhà trường. Ở một phía khác thì lực lượng giáo viên dạy bơi cũng khó khăn.
Hiện nay, ngành GD-ĐT khuyến khích các sở giáo dục và các trường tích cực chủ động đưa bơi vào dạy trong trường học bằng hình thức phù hợp với địa phương. Để mỗi trường đều có đầy đủ bể bơi cho môn học không phải là một bài toán đơn giản và gấp rút, mà cần cả một tiến trình thực hiện từng bước một, năm nay tạo điều kiện trang bị cho một số trường nhất định rồi năm sau sẽ trang bị dần dần đến các trường khác…
Nhiều hiệu trưởng của thành phố Hải Phòng cho rằng, với điều kiện thực tế như hiện nay, trường chưa có bể bơi riêng, nếu bắt học sinh phải di chuyển quá xa để học bơi thì không khả thi. Hiện tại, mỗi ngày, học sinh đã kín lịch học, nếu xếp mỗi tuần hai tiết học bơi, mà phải di chuyển quá xa, có thể mất khoảng 30 phút mới đến nơi thì quá bất tiện và khó thực hiện. Do vậy, nhiều nhà trường đã sáng kiến dành chương trình môn học này vào dịp hè, hoặc tổ chức các cuộc thi bơi thiếu nhi cấp trường, cấp quận để biểu dương các học sinh đã được phụ huynh đưa đi học bơi tại các trung tâm, các bể bơi có giáo viên của ngành thể thao…
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng tăng cường giáo dục các kỹ năng cơ bản cho học sinh, cảnh báo để học sinh nhận ra vùng nguy hiểm, tránh chơi đùa tại những nơi có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí phải có những kỹ năng ứng biến, không phải là cứ biết bơi mà thấy các bạn đuối nước là nhảy xuống cứu được…
HẢI HẬU
09:15 15/01/2025
22:44 09/01/2025
08:23 09/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh