“Quà tặng” cho nước hồ Hạnh Phúc

10:48 31/07/2017

Sau thời gian khảo sát một số hồ trên địa bàn thành phố Hải Phòng, các chuyên gia của Tập đoàn Seibu Steel - Nhật Bản và Công ty CP cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đã quyết định chọn hồ Hạnh Phúc nằm ở trung tâm quận Kiến An là nơi thí điểm thực hiện xử lý ô nhiễm nước hồ bằng công nghệ Bakture.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT JVE thì tại thời điểm khảo sát, mới vào đầu mùa hè song nước hồ Hạnh Phúc xanh đục, đóng váng, bốc mùi hôi, tanh. Đặc biệt, rất ít loài cá, tôm, ốc… có thể sống được trong môi trường nước đã có dấu hiệu ô nhiễm. Trong khi đó, có rất nhiều hoạt động cộng đồng diễn ra xung quanh khu vực hồ như hội chợ thương mại, biểu diễn nghệ thuật… thu hút khá đông người dân của quận và huyện lân cận tham gia như An Lão, An Dương…

Hồ Hạnh Phúc

Trước tình hình trên, nhóm chuyên gia của Tập đoàn và Công ty đã bắt tay ngay vào việc lấy mẫu nước hồ, phân tích mức độ ô nhiễm. Kết quả quan trắc của Viện Tài nguyên - Môi trường biển cho thấy: Các thông số về tổng chất rắn lơ lửng, ô xy ở trong nước, nhu cầu ô xy sinh hoá đều thấp hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, nhất là độ trong của nước hồ là rất thấp.

Theo ông Yamamura Tadashi - Chủ tịch Tổ chức các-bon thấp Nhật Bản, chuyên gia Liên hợp quốc về xử lý môi trường cho biết: Bakture là chữ viết tắt của cụm từ “back to the nature” có nghĩa là trở về với tự nhiên. Bởi vậy, đúng như tên gọi, bột Bakture là sản phẩm chỉ sử dụng nguyên liệu thiên nhiên với thành phần chủ yếu là đá núi lửa dạng tổ ong, xốp.

Được sản xuất dựa trên kỹ thuật riêng biệt, trong môi trường nước, bột Bakture kích thích các sinh vật có lợi sẵn có sinh sôi, nảy nở, thúc đẩy quá trình tự làm sạch của môi trường, phát huy tối đa khả năng phân giải chất bẩn, độc hại…Tính ưu việt của bột Bakture hơn các phương pháp xử lý ô nhiễm đã sử dụng, đó là không sử dụng nhiều chất hoá học, xử lý triệt để và không để lại “tác dụng phụ”, tức là không làm phương hại đến các sinh vật, động vật trong môi trường đất, nước.

Cũng qua thử nghiệm tại nhiều quốc gia trong các điều kiện tự nhiên, nhiệt độ khác nhau thì chất xúc tác Bakture chỉ gặp hạn chế trong thời tiết giá lạnh của nước Nga. Còn lại kể cả tại vùng đất sa mạc khô cằn, Bakture vẫn phát huy tác dụng và phát huy tối đa trong thời tiết nhiệt đới gió mùa ẩm, nơi nguồn nước có sự trao đổi như sông, biển. Chính vì điều này nên để phát huy tối đa tác dụng của bột Bakture trong hồ Hạnh Phúc, các chuyên gia đã sử dụng máy bơm nước để trao đổi nước trong hồ.

Sau gần 2 tháng tiến hành phun bột Bakture vào hồ Hạnh Phúc, quan trắc, phân tích mẫu nước nhiều đợt, kết quả cho thấy, chất lượng nước hồ đã được cải thiện đáng kể.

Cụ thể, Tiến sĩ Đinh Văn Huy - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường biển đánh giá: Các thông số môi trường đã hầu như đạt yêu cầu theo cột B2 (tức là nguồn nước sử dụng cho mục đích giao thông và chất lượng thấp) và đang tiến tới cột B1 của quy chuẩn Việt Nam (tức là nước dùng cho mục đích tưới tiêu thuỷ lợi, có chất lượng nước yêu cầu cao hơn B2).

Đặc biệt, các thông số  chất rắn lơ lửng, ni-tơ tổng, phốt-pho đã gần đạt đến cột A2 (tức là nước dành cho mục đích sinh hoạt). Như vậy, mức độ ô nhiễm đã giảm rõ rệt, nhất là độ trong của nước đã tăng gấp gần 6 lần so với ngày chưa xử lý. Nước trong hồ đã không còn bốc mùi hôi, khó chịu.

Bác Hứa Kết Đoàn, 72 tuổi, trú tại tổ dân phố số 5, phường Bắc Sơn cho biết: Người dân chúng tôi rất phấn khởi vì mùa hè nóng nực, sáng sớm hoặc chiều tối có thể đi dạo quanh hồ, các cháu nhỏ thì nô đùa. Mấy hôm nay tôi lại có thể vừa thư giãn, vừa ngồi câu cá vài tiếng ở hồ rồi.

Cảm kích trước sự nhiệt tình, không quản khó khăn, đi lại vất vả của nhóm chuyên gia Nhật Bản và Công ty JVE, ông Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Hải Phòng đã xem “bột Bakture” như là món quà tặng đầy ý nghĩa đối với hồ Hạnh Phúc, với nhân dân quận Kiến An. Ông cũng đã kiến nghị chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như nghiêm cấm các hành vi vứt rác, nhất là xác động vật chết xuống lòng hồ; xả thải; kích điện tận diệt tôm, cá trong hồ, từ đó bảo vệ chất lượng nước cũng như môi trường sinh thái xung quanh khu vực hồ. 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông