12:49 29/09/2023 Nhận thức sâu sắc tính nghiêm trọng, hậu quả khôn lường mà hiểm hoạ cháy nổ có thể gây ra đối với đời sống xã hội bất kể lúc nào, thời gian qua, quận Kiến An đã chú trọng, nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC, CNCH). Qua đó, góp phần kiềm chế tối đa về số vụ cháy nổ phát sinh và giảm thiếu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra trên địa bàn quận, bảo vệ an toàn về tài sản, sức khoẻ, tính mạng cho Nhân dân.
Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập
Là quận duy nhất của Hải Phòng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho sự đa dạng về địa hình, có cả đồng bằng, lẫn rừng núi, sông, rất thuận lợi cho đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thương mại, du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, quận còn có trên 180 ha rừng phòng hộ thuộc hai dải núi Thiên Văn và Cột Cờ nằm giữa trung tâm quận.
Cùng với đó là Làng nghề mộc truyền thống Kha Lâm, phường Nam Sơn (với khoảng 40 cơ sở, hộ gia đình tham gia); khoảng 100 cơ sở, hộ gia đình thu gom, tái chế phế liệu nằm xen kẽ trong khu dân cư tại phường Tràng Minh và các khu chung cư, nhà tập thể cao tầng, chợ, các cơ sở kinh doanh, tồn chứa sản phẩm dầu mỏ, cơ sở kinh doanh khí đốt hóa lỏng; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, khách sạn, nhà nghỉ; cơ sở giáo dục và nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp có chứa nhiều mặt hàng nguy hiểm về cháy, nổ…, đã khiến cho Kiến An trở thành địa phương luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy nổ rất cao trên địa bàn thành phố, nhất là vào những tháng cao điểm mùa hanh, khô.
Xây dựng, nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng
Trước thực trạng trên, được sự tham mưu đắc lực của Công an quận và Phòng kinh tế quận, UBND quận Kiến An đã ban hành hàng loạt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC, CNCH. Theo đó, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” được địa phương chú trọng đẩy mạnh.
Và để làm được điều đó, công tác tuyên truyền, vận động, huấn luyện và xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” được địa phương ưu tiên đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, quận Kiến An đã tổ chức in, phát 28.600 tờ rơi tuyên truyền về PCCC, CNCH đến từng hộ gia đình; tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC cho đại diện các hộ gia đình, phấn đấu hết năm 2023, mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC. Lực lượng dân phòng được chú trọng củng cố, phát triển.
Hiện, toàn quận có 85 đội dân phòng được thành lập trên địa bàn 10 phường với 85 tổ dân phố đặt dưới sự quản lý của UBND và Công an phường. Là lực lượng trực tiếp triển khai công tác PCCC tại các tổ dân phố nên công tác huấn luyện, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho lực lượng dân phòng được địa phương đặc biệt chú trọng.
Vừa qua, quận Kiến An đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH cho 725 thành viên của lực lượng dân phòng. Và vui nhất là quận đã được UBND TP công nhận 15 tổ dân phố, 1 khu chung cư an toàn PCCC, 1 chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC và 2 điển hình tiên tiến về PCCC. 9 tháng qua, trên địa bàn quận xảy ra 9 vụ cháy nhưng không có vụ cháy lớn, nghiêm trọng.
Đáng chú ý, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới (Chỉ thị 01), được sự tham mưu trúng, đúng của lực lượng Công an, UBND các phường trên địa bàn quận Kiến An đã tiến hành rà soát, vận động xây dựng và đưa vào hoạt động 122 “Tổ liên gia an toàn PCCC” với sự tham gia của 610 hộ dân; trong đó, có 593 hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh; 119 điểm chữa cháy công cộng. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ năng PCCC, CNCH cho 22.850 người, đạt tỷ lệ 82,42%; vận động 21.902 nhà ở gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay, đạt tỷ lệ 79,09%; 27.447 nhà ở gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mở lối thoát nạn thứ 2, đạt tỷ lệ 99%.
Hiện, trên địa bàn quận có 1.706 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Trong đó, có gần 350 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Công an quận; gần 1.360 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp phường. Thực hiện nghiêm Kế hoạch 513 của Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC trên địa bàn toàn quốc, thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Kiến An đã chú trọng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hiện, toàn quận có 31 cơ sở bị đình chỉ hoạt động do hành vi không thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, không đảm bảo lối thoát nạn, ngăn cháy theo quy định.
Đồng bộ các giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai công tác PCCC cũng như Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, quận Kiến An còn vấp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định.
Tại hội nghị nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác PCCC&CNCH, triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện Công điện 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trên địa bàn quận của Thường trực Quận uỷ Kiến An vào sáng 20-9 vừa qua, khi phân tích, đánh giá, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra một trong những nguyên nhân chính dẫn đến công tác PCCC, CNCH trên địa bàn quận chưa đạt được hiệu quả như mong muốn là do nhiều phường còn thiếu quan tâm đến công tác PCCC; chưa nhận thức và thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định của Luật PCCC và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính Phủ, còn ỷ nại, phó mặc cho lực lượng Công an trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị…
Để khắc phục tồn tại trên, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bí thư Quận uỷ Phạm Văn Khanh và Chủ tịch UBND quận Nguyễn Trường Sơn tại hội nghị này, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn quận Kiến An đang nỗ lực triển khai linh hoạt, đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCCC trong thời gian tới.
Cụ thể, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND quận, Công an quận, các phòng chức năng, các phường tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; rà soát, xử lý, vận động các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh tháo dỡ “chuồng cọp”, tạo lối thoát hiểm, mua sắm trang thiết bị PCCC theo quy định, lên phương án hỗ trợ đối với các trường hợp khó khăn.
Tăng cường công tác quản lý, cấp phép xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao như: chợ, khu chung cư, nhà cao tầng, làng nghề, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT…, thì thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm nếu có.
Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền công tác PCCC; kiểm tra các dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực PCCC. Quan tâm phân bổ nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa các bể nước chữa cháy đã có và xây dựng bổ sung các bể nước chữa cháy trên đồi Thiên Văn, đồi Cột Cờ; lắp đặt đường cấp nước chữa cháy vào các bể để đảm bảo duy trì lượng nước thường xuyên phục vụ chữa cháy rừng khi có sự cố cháy xảy ra. Đồng thời, chú trọng xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng…
Khánh Chi