Quản lý, sử dụng mạng xã hội trong sinh viên, học sinh: Cần lắm những “bức tường lửa” ngăn chặn tệ nạn xã hội

18:17 27/05/2020

Trong thời đại công nghiệp 4.0, mạng xã hội quả thực là công cụ đắc lực giúp học sinh, sinh viên tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, mang lại hiệu quả lớn trong học tập. Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ thông tin tuyệt vời này cũng lại mang đến nhiều tiêu cực mà giới trẻ cần hết sức cảnh giác lựa chọn các vấn đề, nội dung cần truy cập.

 

Việc sử dụng mạng xã hội đã tác động không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý của nhiều sinh viên, học sinh trong môi trường hiện đại ngày nay (ảnh minh họa)

 Kể cả trong tình huống chủ động lẫn bị đông, vì mong được nhiều người quan tâm đến những gì mình bày tỏ, chia sẻ, không ít em đã rơi vào trạng thái sống ảo, dẫn đến lẫn lộn giữa đời sống thực và mạng. Không chỉ vậy, sự ngập tràn các trang web độc hại dễ lôi kéo một số học sinh, sinh viên rơi vào bẫy tệ nạn xã hội như: mại dâm, đánh bạc và bạo lực học đường...

Nhằm tạo nên những “bức tường lửa” giúp học sinh, sinh viên có nhận thức đúng khi sử dụng mạng xã hội, không bị nhiễm độc bởi mặt trái nói trên từ internet, thời gian gần đây, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” trên lĩnh vực học đường đã có nhiều mô hình tốt, cách làm hay cần được duy trì, khuyến khích và nhân rộng.

Điển hình như mô hình “Quản lý sinh viên trên các trang mạng xã hội” của trường Đại học Hải Phòng. Trước một số diễn biến phức tạp về tư tưởng, nhận thức, hành vi của một bộ phận sinh viên trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook, tháng 3-2017, Trường Đại học Hải Phòng đã triển khai mô hình trên. Sau 3 năm, đến nay, Trường đã có 3 fanpage chính thức gồm: Đại học Hải Phòng với hơn 49.000 lượt theo dõi, Sinh viên Trường đại học Hải Phòng với gần 10.000 lượt theo dõi và THP Confestions với khoảng 30.000 lượt theo dõi.

Đây được xem là những nỗ lực rất hữu hiệu để chuyển tải thông tin hai chiều về những hoạt động của nhà trường, những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, đời sống muôn mặt mang cách nhìn tích cực, trung thực nhất đến các thế hệ sinh viên; phù hợp với quản lý người học trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Mô hình được lãnh đạo CATP đánh giá cao và chỉ đạo triển khai thành mô hình điểm để nhân rộng ra các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh các fanpage chính thức của trường, 100% các khoa, viện chuyên môn của nhà trường đều đã có những fanpage riêng, phục vụ trực tiếp cho quá trình cung cấp thông tin, định hướng dư luận do đơn vị phụ trách. Riêng trang Facebook “Sinh viên Trường Đại học Hải Phòng” đã trở thành diễn đàn quan trọng, cung cấp cho sinh viên nhiều tin chính thống về đào tạo, các kỹ năng, nghề nghiệp cho sinh viên… Nhờ đó, rất nhiều sinh viên đã tìm được việc làm phù hợp ngay khi vừa ra trường.

Rồi nữa là mô hình “Bảo đảm TTATGT và sử dụng mạng xã hội thông minh” của Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện An Dương, nhằm giúp học sinh nhận thức đúng, sử dụng mạng xã hội một cách nghiêm túc, hiệu quả nhất. Ngay khi được triển khai, Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trãi đã phân công các cán bộ quản trị cổng/ trang thông tin, fanpage của nhà trường.

Việc kiểm duyệt và đăng tải thông tin được nhà trường kiểm soát chặt chẽ. Các liên kết, thông tin không rõ nguồn gốc xuất xứ, nội quy, quy định của nhà trường đều không được đăng tải. Các bình luận với lời lẽ thô tục, kích động, bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của người khác bị xóa bỏ…

Đồng thời, nhà trường cũng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh các quy định của pháp luật về an ninh mạng; giáo dục chính trị tư tưởng làm cho học sinh luôn cảnh giác thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là các hành vi tiêu cực, các nội dung xấu liên quan đến tệ nạn xã hội và những tác động do âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn phản động, giúp các em tránh vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống đối và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên không gian mạng.

Một mô hình hiệu quả khác liên quan đến quản lý, sử dụng mạng xã hội trong sinh viên, học sinh phải kể đến là mô hình “4 nên - 4 không” khi sử dụng mạng xã hội của học sinh trường THPT Thái Phiên. Được triển khai từ tháng 4-2019, mô hình đã tạo bước chuyển biến về công tác bảo đảm ANTT, TTATGT và sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Ngoài ra, còn phải kể đến mô hình “Quản lí học sinh trên các trang mạng xã hội” do Trường THPT Trần Nguyên Hãn xây dựng và triển khai. Thông qua mô hình, văn hóa trong sử dụng mạng xã hội, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh của trường được hình thành, kịp thời ngăn ngừa tệ nạn xã hội, tội phạm ngay từ khi vừa manh nha xuất hiện.

Có thể nói, việc xây dựng các trang mạng xã hội, diễn đàn chính thống do nhà trường quản lý đã giúp các em học sinh, sinh viên nhanh chóng cập nhật các nguồn tin chính xác, lành mạnh. Qua đó, góp phần thay đổi thái độ sống, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của học sinh, sinh viên trong việc sử dụng mạng xã hội, internet như hiện nay.

Hải Ngân

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông