Quảng Ninh - Hình thành lối sống văn hóa ngay từ Bộ quy tắc ứng xử

16:12 09/08/2019

Với mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh năng động - sáng tạo - hào sảng - văn minh - thân thiện; tỉnh Quảng Ninh với những đặc trưng: Hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - nhân dân hạnh phúc, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được UBND tỉnh thông qua, đang hoàn thiện để ra quyết định ban hành triển khai trong tháng 8 này…

Các mối quan hệ tại khu công cộng cũng nằm trong phạm trù quy định của Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: CTV

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh theo Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Mục tiêu cụ thể là xây dựng con người Quảng Ninh năng động - sáng tạo - hào sảng - văn minh - thân thiện; tỉnh Quảng Ninh với những đặc trưng: Hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - nhân dân hạnh phúc. Được biết, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được UBND tỉnh thông qua, đang hoàn thiện để ra quyết định ban hành triển khai trong tháng 8 này.

So với các bộ quy tắc đã và đang có, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang được hoàn thiện sẽ có tính toàn diện từ đối tượng cho đến nội dung thực hiện. Cụ thể, đối tượng thực hiện bao gồm các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương... Nội dung thực hiện là cộng đồng xã hội và mạng xã hội, trong đó, cộng đồng xã hội được tính theo cộng đồng huyết tộc (gia đình, dòng họ...), cộng đồng địa vực (nơi cư trú, nơi công cộng...).

Với Bộ quy tắc ứng xử này, lần đầu tiên các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được đề cập một cách tổng thể và trực diện. Đây là nét mới, một thể chế mềm, bổ sung cho khung pháp lý cứng, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ 4.0, nơi ranh giới giữa không gian mạng ảo với cuộc sống đời thực ngày càng thu hẹp.

Trong đó, các quy tắc ứng xử được hiểu là khế ước của người tham gia và tương tác trên mạng xã hội, nhằm xây dựng môi trường mạng lành mạnh, mang lại lợi ích cho con người và xã hội. Từ những quy tắc ấy, cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội biết cách tạo dựng uy tín của mình trên mạng xã hội, bảo vệ mình trên mạng xã hội và ứng xử đúng mực trước những vấn đề nảy sinh trong quá trình tham gia mạng xã hội.

Theo khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung: Nói xấu, phỉ báng (61,7%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (37,01%), kỳ thị giới tính (29,03%), kỳ thị khuyết tật (21,76%), kỳ thị tôn giáo (15,09%). Cũng theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát này, nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm.

Đồng thời, việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý đối với các nền tảng mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là cần thiết với tình hình hiện nay

Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đồng thời cũng nhằm cung cấp cho các cá nhân, tập thể đến với Quảng Ninh những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử trên địa bàn tỉnh, qua đó khuyến khích những hành vi tốt đẹp. Bởi vậy, sau khi được ban hành, để bộ quy tắc này triển khai hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương, cần phải hành động một cách quyết liệt, thiết thực. Trong đó, bằng nhiều cách tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân, để người dân thấm nhuần những nguyên tắc ứng xử và ý nghĩa của nó. Đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất, bởi chỉ khi nào người dân hiểu và thực hiện thì bộ quy tắc mới sống và phát huy tác dụng của nó.

Trước khi có Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị chức năng đã xây dựng và thực hiện nhiều bộ quy tắc ứng xử, nhằm hình thành và duy trì lối ứng xử có văn hóa trong các mối quan hệ xã hội trên địa bàn Quảng Ninh. Tuy nhiên, đa số các bộ quy tắc ứng xử đều gói gọn trong khuôn khổ ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc doanh nghiệp. Tiêu biểu nhất là Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” được UBND tỉnh ban hành năm 2015 và thực hiện từ đó đến nay. Đây là bộ quy tắc được triển khai khá đồng bộ, được nhiều ngành, địa phương tham gia hưởng ứng tích cực.

Riêng tại TP Hạ Long, bộ quy tắc đã và đang tác động tích cực trong đời sống của các tầng lớp nhân dân. “Nụ cười Hạ Long” đã góp phần tạo thương hiệu về mảnh đất và con người Hạ Long - Quảng Ninh mến khách, thân thiện, tiến tới mục tiêu mỗi người dân trên địa bàn là một đại sứ du lịch. Dẫu vậy, trong quá trình triển khai bộ quy tắc cũng cho thấy tính khu biệt, vùng miền của nó, do đó, chỉ phù hợp với TP Hạ Long và lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Đây chính là lý do Sở Văn hóa và Thể thao đầu tư xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

NHẬT LAM

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông