09:48 11/10/2017 Thành phố thông minh (smart city) đang là xu thế thời đại, một cuộc cách mạng trong quản lý đô thị. Tại Việt Nam, đã có ít nhất 10 địa phương khởi động hành trình để trở thành đô thị thông minh với các mức độ khác nhau. Là một địa phương đi tiên phong trong tiến trình này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, tập trung cao nguồn lực để xây dựng Quảng Ninh sớm trở thành một đô thị thông minh trong tương lai gần...
Đồng chí Nguyễn Đức Long dẫn đầu đoàn công tác tìm hiểu, học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc. Ảnh: Việt Phương.
Nghiên cứu hướng đi mới
Quá trình đô thị hoá ở Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng diễn ra nhanh chóng, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế và các điểm nghẽn phát triển. Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ công bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải; ô nhiễm môi trường gia tăng cùng với nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Với mong muốn mang lại tiện ích cho người dân, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, từ cách đây khá lâu, Quảng Ninh đã có chủ trương xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, đây vẫn là khái niệm mới mẻ với phần lớn người dân, và ngay cả đối với hệ thống quản lý. Để triển khai mô hình này một cách khả thi và đảm bảo hiệu quả, tỉnh đã có những bước đi rất cẩn thận, cụ thể, trên cơ sở đánh giá rõ thực trạng cũng như tiềm năng, lợi thế, nhu cầu đáp ứng của địa phương.
Trên quan điểm phát triển trở thành thành phố thông minh cần có sự tham gia của đủ các thành phần, như các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, cuối năm 2016, UBND tỉnh phối hợp với Công ty CP tiến bộ quốc tế (AIC) tổ chức hội thảo về xây dựng thành phố thông minh, để tìm kiếm những giải pháp xây dựng đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và áp dụng mô hình thành phố thông minh tại Quảng Ninh.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra những giải pháp tổng thể về xây dựng thành phố thông minh để đóng góp cho Quảng Ninh thực hiện và vận dụng hợp lý khi triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh; cụ thể như: đối với giao thông thông minh, các nhóm chuyên gia kiến nghị tỉnh cần tập trung nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu giao thông; đầu tư các camera giám sát; sử dụng công nghệ thông tin để quản lý và điều khiển giao thông; phổ biến các thông tin giao thông công cộng nhằm giảm thiểu ùn tắc.
Về xây dựng bệnh viện thông minh, các giải pháp mà chuyên gia hướng đến là xây dựng các bệnh viện hiện đại, đồng bộ, công năng thuận tiện với không gian ấm áp; phòng bệnh thân thiện, thoải mái, an toàn; thiết bị hiện đại, phương pháp điều trị và thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong quản lý môi trường, các chuyên gia đề nghị tỉnh cần thành lập các trung tâm điều hành chung; nghiên cứu, áp dụng hệ thống giám sát chất lượng ven biển, hệ thống quan trắc chất lượng môi trường ven biển; triển khai các mạng lưới trao đổi thông tin quốc gia...
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định, Quảng Ninh xác định mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp xu hướng chung của thế giới. Ông yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh, đặc biệt tại các thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái.
Trên cơ sở ý kiến tham gia đóng góp của các chuyên gia, đồng thời nghiên cứu thực tiễn địa phương, cũng như học tập kinh nghiệm của các quốc gia, tháng 5-2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai mô hình này ở giai đoạn 2017-2020.
TP Hạ Long đang là địa phương tiên phong của tỉnh xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: CTV
Hiện thực hóa cấu trúc một thành phố thông minh
Theo "Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020” được tỉnh phê duyệt đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch thông minh của Việt Nam; đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành một thành phố thông minh (TPTM) hiện đại đứng trong top đầu các TPTM của khu vực ASEAN. Để thực hiện những mục tiêu đề ra, Quảng Ninh đang tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với trọng tâm là chính quyền điện tử và chú trọng các tiêu chí về y tế, giáo dục, giao thông, môi trường.
Khởi động hành trình xây dựng mô hình thành phố thông minh, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung cao cho việc xây dựng chính quyền điện tử, mà cụ thể là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính nhà nước như: hệ thống thư điện tử (@quangninh.gov.vn) đã được triển khai đồng bộ tại 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và hầu hết UBND cấp xã. Đến nay, hơn 12.000 hộp thư điện tử công vụ đã được cấp cho các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã triển khai tại 230 cơ quan hành chính nhà nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, giám sát chất lượng thực thi nhiệm vụ đến từng bộ phận.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hệ thống quản lý tác nghiệp liên thông (một cửa) tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, các trung tâm hành chính công cấp huyện và 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đây là công cụ quan trọng giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng để người dân tham gia giám sát hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, các ngành như giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, du lịch… cũng đã ứng dụng CNTT trong công tác quản lý bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Việc xây dựng mô hình thành phố thông minh được triển khai giai đoạn 1 tại thành phố Hạ Long, tập trung ở các lĩnh vực: chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, du lịch, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, an ninh an toàn, xây dựng vườn ươm khởi nghiệp. Nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở các lĩnh vực cũng được tập trung xây dựng, như: sẽ hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2017-2020; hoàn thành cơ sở hạ tầng đám mây TPTM phục vụ nhu cầu toàn tỉnh; xây dựng CSDL tổng hợp, CSDL lớn (big data) để cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các cấp; triển khai hệ thống trung tâm điều hành (IOC) cho các ngành các cấp; triển khai đồng bộ các ứng dụng thông minh (môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ...) trên phạm vi toàn tỉnh để hướng đến phục vụ người dân tốt hơn, quản lý điều hành đô thị thông minh.
Cấu trúc của một thành phố thông minh được tượng hình với ba đối tượng chính: chính quyền điện tử được xây dựng với nền móng về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động. Các cư dân thông minh sẽ được tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tăng cường các tiện ích phục vụ cho người dân. Một môi trường minh bạch, thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác và thu hút đầu tư cho thành phố.
Ðồng thời, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn dữ liệu mở để phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp nhằm xây dựng ngày càng nhiều các dịch vụ tiện ích cùng chung tay với chính quyền củng cố, phát huy và xây dựng đô thị thông minh ngày càng bền vững.
HẢI HẬU
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh