14:25 23/11/2023 Sáng 23- 11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là dự luật nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân.
Làm rõ tiêu chí mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng, việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố đóng BHXH cho thấy dự thảo luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28 của Trung ương. Đó là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Tuy nhiên, hiện nay phụ cấp hàng tháng cấp cho các đối tượng này rất thấp mà phải trích nộp bảo hiểm xã hội thì phần thực nhận của họ còn thấp hơn, trong khi số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về khả năng đảm bảo ngân sách cho các đối tượng này.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành việc mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như tại điểm a khoản 1 là khá bao trùm, các đối tượng và rất là rộng. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần có những chế tài để đảm bảo tính khả thi về quy định này. Vì thực tế đối tượng lao động này rất rộng, họ làm tất cả các việc và thường xuyên di chuyển trong khi hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về lao động, cho nên không thể nắm hết được đối tượng lao động này. Do dó, cần có chế tài để đảm bảo tính khả thi cho đối tượng này.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng 5 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Đại biểu phân tích, việc bổ sung các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thể hiện sự định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động. Do đó cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các nhóm đối tượng này; tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.
Bên cạnh đó, theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong sách trong dự án luật, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố, chưa kể ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể. Thực tiễn vừa qua cho thấy, tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo luật cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện nghiêm xử lý xử phạt nghiêm minh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định…
Quản lý quỹ BHXH công khai, minh bạch
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho biết, tại khoản 4, Điều 6 quy định nguyên tắc “Quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định”.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy chưa quy định cụ thể để Quỹ được công khai, minh bạch, như trách nhiệm của cơ quan BHXH trong hoạt động bảo toàn quỹ. Nguồn hình thành Quỹ BHXH chủ yếu từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, nhưng hai đối tượng này lại được nắm bắt rất ít thông tin về tình hình hoạt động của Quỹ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ BHXH thực sự đi vào cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, dự thảo chưa quy định rõ cơ chế để Quỹ được công khai, minh bạch và trách nhiệm của cơ quan BHXH trong khi Quỹ BHXH chủ yếu từ nguồn thu nộp của người sử dụng lao động và người lao động. Hai đối tượng này nắm bắt rất ít thông tin về nguồn Quỹ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ BHXH ngay trong luật này.
Bổ sung chế tài để hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phản ánh, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: khấu trừ tiền nợ bảo hiểm xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Đồng thời khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội, mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động đều có quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, số doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016-2022 khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng/ năm. Riêng số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198 nghìn doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH.
Về những hệ lụy mà người lao động phải gánh chịu, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người và trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng.
Góp ý về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH tại điểm c, khoản 2 Điều 36, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Đại biểu lo lắng nếu như quy định như dự thảo thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng, do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng BHXH.
Về hoãn xuất cảnh tại Điều 37, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần quy định rõ hơn về vấn đề này để không mâu thuẫn đối với việc hoãn xuất cảnh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cùng với việc sửa Điều 13 của Luật BHXH, kiến nghị với Quốc hội trong lần này sẽ đưa vào Điều 135 của dự thảo Luật sửa đồng thời Bộ luật Tố tụng dân sự và sửa Luật Công đoàn. Theo đó, đề nghị giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi khiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của người lao động.
Hạn chế rút BHXH một lần
Về BHXH một lần quy định tại Điều 70, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu BHXH một lần. Đại biểu bày tỏ băn khoăn là tại sao một chính sách nhân văn như vậy nhưng lại không được người lao động đồng tình. Vì vậy, đề nghị cần tiếp tục làm rõ, nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về mối quan hệ giữa lý luận khoa học pháp lý với tính thực tiễn về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống.
Về các phương án, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa. Đồng thời nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần và khi đó người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, nếu chọn phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Bởi một trong những lý do chính khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt.
Quy định như Phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp. Do vậy, việc rút bảo hiểm xã hội một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ. Như vậy, vô hình dung sẽ không tạo động lực để người lao động trẻ, lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội, không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của Bảo hiểm xã hội như quan điểm xây dựng luật đã nêu, khiến cho mục tiêu ý nghĩa của chính sách về bảo hiểm xã hội không đạt được như Nghị quyết 28 của Trung ương đề ra.
Nếu chọn phương án 2, người lao động vẫn có thể rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng là tiền của người lao động. Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống.
Đặc biệt hơn khi người lao động giúp bảo hiểm xã hội một lần lại là phụ nữ thì việc sử dụng những khoản tiền này chủ yếu dành cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình. Phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của những người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Chính sách cũng không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng gia tăng quyền lợi ích tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Vì các lý do nêu trên, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đại biểu ủng hộ phương án người lao động vẫn được rút bảo hiểm xã hội một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể. Ngoài ra, cần có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu quan điểm, Nhà nước làm luật thì nên đặt mình vào cương vị của người lao động. Đại biểu cho rằng, các nội dung cơ bản của Nghị quyết 93 năm 2015 cần được tiếp tục gìn giữ nhưng cần gia cố thêm những chính sách để giữ chân người lao động, quan điểm là Nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động bằng các lợi ích chứ không nên đặt ra bằng các hạn chế.
Do đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất giải pháp theo hướng: Nên cho phép người lao động rút BHXH một lần nhưng cần có phương án trung gian. Đó là khi người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng. Chi phí đó thì người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh, thực tế cho thấy, mặc dù các cơ quan, tổ chức đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến nhưng trong những năm qua, việc rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn chưa có xu hướng giảm.
Đây là một vấn đề lớn, có tác động sâu sắc đến người dân, đặc biệt những trường hợp cần rút bảo hiểm xã hội một lần đều là những trường hợp thường có khó khăn về kinh tế, vì vậy sẽ rất dễ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các quy định cần siết chặt theo 2 khía cạnh khác nhau. Thứ nhất, đó là trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội
Thứ hai, đó là quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút bảo hiểm xã hội một lần. Từ việc hạn chế, siết chặt bằng các quy định sau đó mới có thể tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đại biểu đề nghị tiếp tục lấy ý kiến từ các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó nghiên cứu đưa ra những phương án, lộ trình phù hợp nhất để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân.
Rõ khái niệm và quy định hưu trí xã hội
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) quan tâm tới quy định về trợ cấp hưu trí xã hội và bày tỏ băn khoăn việc đưa đối tượng người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Lý giải quan điểm trên, đại biểu cho biết, trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, nếu không thực hiện và mang sang luật này thì Luật Người cao tuổi và Nghị định 20 quy định về chính sách xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội vẫn đang được thực hiện, nếu không bổ sung nhóm đối tượng này vào Luật Bảo hiểm xã hội thì người cao tuổi vẫn hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định.
Chính sách về bảo hiểm xã hội là thực hiện theo nguyên tắc “đóng hưởng”, trong khi trợ cấp cho nhóm đối tượng này hoàn toàn do ngân sách nhà nước chi trả, vậy liệu quy định vào dự thảo Luật có phù hợp hay không? Mặc khác, về tên gọi “trợ cấp hưu trí xã hội”, cho nhóm đối tượng không phải hưu trí từ “công chức, viên chức, người lao động” và chưa từng tham gia đóng bảo hiểm xã hội, vậy liệu có phù hợp khi được quy định trong trường hợp này hay không?...
Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng. Nhưng dự thảo Luật lại quy định trợ cấp hưu trí xã hội cho tất cả công dân từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Đại biểu đặt vấn đề, quy định như vậy sẽ bỏ Điều 17 trong luật Người Cao tuổi năm 2009 hay giữ nguyên Điều 17. Đại biểu cho rằng, nếu bỏ thì chế độ bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng những người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ giải quyết như thế nào?
Từ những boăn khoăn nêu trên, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn quy định này về đối tượng, độ tuổi, tên gọi, mức trợ cấp, các chính sách có liên quan, nguồn lực thực hiện và tính liên thông, tính đa tầng với các quy định khác nhằm bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc đã nêu trong dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho biết, khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi quy định người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Dự thảo Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Đại biểu nhận thấy đây là một quy định hết sức nhân văn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri, nhất là người cao tuổi rất phấn khởi với quy định trên.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) thấy cần thiết với quy định giảm độ tuổi từ 80 xuống 75 thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Tuy nhiên, về kỹ thuật thì nên đưa vào Luật này hay chỉnh sửa trong Luật Người cao tuổi để cần tiếp tục cân nhắc thêm để sao cho phù hợp và đồng bộ.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, các phương án trong dự án Luật trình trước Quốc hội là góp phần thể chế hóa nguyên tắc tiến tới là bảo hiểm xã hội đa tầng và bảo hiểm xã hội toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ đây là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là cao tuổi và không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội hàng tháng và để có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này có mức lương hưu cao hơn.
Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội trước mắt, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75 và với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước. Điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão