00:13 02/06/2022 Tiếp tục Chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 15, ngày 1- 6, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên thảo luận
Nhanh chóng phục hồi, phát triển KTXH
Một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành triển khai còn chậm, các chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng bất lợi đến nước ta và phục hồi chậm chạp sau đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành kịp thời, đề xuất với Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, để giải quyết nhanh những vấn đề của nền kinh tế, đời sống của nhân dân. Do đó, tình hình kinh tế xã hội đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, theo đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên), giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch theo Nghị quyết số 43có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng quá chậm. "Quốc hội thảo luận thông qua Nghị quyết này một cách khẩn trương nhất, nhanh nhất nhưng đến nay có vẻ như chưa qua được "vòng thủ tục", tiến độ rất chậm dù đã có cơ chế đặc thù nên khó có thể nói đến hiệu quả như đã được thiết kế trong đề án, chương trình”.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu
Cùng chung quan điểm này, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), các ngành cũng đã vào cuộc song vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khiến cho các chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được thụ hưởng ưu đãi về vốn, về thuế mà chương trình mong muốn mang lại.
Để các Nghị quyết phục hồi phát triển kinh tế của Quốc hội được đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh, việc hỗ trợ lãi suất 2% năm cần khẩn trương hơn.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai, cải cách thủ tục hành chính; nội dung nào đúng thẩm quyền thì phải quyết định ngay, tránh mọi việc dồn lên Chính phủ và Thủ tướng hoặc xin ý kiến lòng vòng giữa các đơn vị.
Theo đại biểu, đến nay, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349 tỷ đồng cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình). Có một sự “sốt ruột không hề nhỏ” khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được mặc dù nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, rất cấp bách. Nếu không có các giải pháp phù hợp thì tiến độ 2 năm của Chương trình là rất khó khả thi.
Sớm ổn định thị trường chứng khoán, bất động sản
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng kiến nghị cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn của nước ta là rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động, can thiệp.
Do đó cần theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin. Xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu xử đến đó; rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến các kênh dẫn vốn của nền kinh tế, đồng thời cũng để không sảy ra “quả bom” trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn (từ nửa đầu tháng 4 đến nay thị trường chứng khoán đã bốc hơi hơn 75 tỷ USD).
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu
Cùng với đó cần có công cụ để điều tiết thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản và kiểm soát việc tăng giá bất động sản bất thường ở mọi vùng, mọi nơi, tránh lại tiếp tục xảy ra “bong bóng bất động sản” thời gian tới.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên), có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế,… do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin. Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý thì lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành các lĩnh vực đó. Cử tri rất thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng như thế trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Theo nhiều đại biểu, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ: số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.
Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85%, nhiều bộ ngành đạt dưới 20% đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý, theo đó làm phát sinh khoản chi NSNN không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả.
Quốc hội thảo luận về phát triển KTXH và xử lý nợ xấu
Theo đại biểu, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay, phải chịu lãi suất, phí quản lý… Vấn đề giải ngân chậm, tiến độ chậm sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn. Do đó, việc tăng cường kiểm soát, chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ này là cần thiết, để các quyết sách của Nhà nước được thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được mong đợi của người dân.
Đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, với một quốc gia đông dân, gần 100 triệu dân, mà các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô - metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tuyến cao tốc trục ngang liên vùng, nhất là ở đồng bằng Sông Cửu Long, trung du miền núi phía Bắc.
Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, mà nếu không bắt tay vào ngay thì sẽ không biết đến bao giờ chúng ta mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển. Theo đại biểu, phải rất khẩn trương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thiết kế, dự kiến cân đối các nguồn lực nhà nước trong trung, dài hạn và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia.
Không thể vì “quả bom Việt Á” mà hệ thống y tế tê liệt, không dám mua sắm trang thiết bị
Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, có cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế chủ động, tự tin mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nhận định, hiện dịch COVID-19 đã bước sang giai đoạn thoái trào. Trong cơ sở điều trị COVID-19 tại Hoàng Mai chỉ còn hơn 10 bệnh nhân, tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện nay gần như bằng không. Tuy nhiên, hiện nay dịch COVID-19 vẫn chưa chuyển sang nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B – tức bệnh nhân sẽ phải thanh toán chi phí điều trị như những loại bệnh khác.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, ngay cả khi coi COVID-19 là bệnh chuyên khoa, không đồng nghĩa với việc hạ thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh này. Song đã đến lúc cần trở lại trạng thái “bình thường cũ” để hướng đến mục tiêu phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19 và tránh quá tải hệ thống y tế.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu
Đại biểu nhấn mạnh thêm, dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là y tế, có những sai lầm đã phải trả giá nghiêm minh. Vấn đề là sau cơn bão, cần phục hồi, phát triển tốt hơn ngành trụ cột này như thế nào. Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả hệ thống tê liệt, những khó khăn về mua sắm thiết bị vật tư, y tế không những không được cải thiện mà càng tệ hơn bao giờ hết. Không thể vì “quả bom Việt Á” mà hệ thống y tế tê liệt, không dám mua sắm trang thiết bị .
Nếu thăm các bệnh viện tại địa phương, sẽ thấy những khó khăn của các bệnh viện. Vướng mắc kéo dài và ngày càng nhiều, việc mua sắm trang thiết bị y tế là nỗi lo lớn của các bệnh viện cả công và tư. Nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay càng thiếu hơn vì lương không tăng mà có xu hướng giảm. Các bệnh viện không đủ cơ sở vật chất hiện đại khiến các bác sĩ dù giỏi cũng đành bó tay.
Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần sớm cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Khám chữa bệnh trong kỳ này và thông qua trong kỳ họp tiếp theo; sớm ban hành các Nghị định, Thông tư giải quyết các vướng mắc của ngành y tế, khuyến nghị giảm cấp độ dịch COVID-19, quyết toán chi phí phòng chống dịch, chi trả bảo hiểm y tế cho các đối tượng cụ thể. Đồng thời có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói thầy cho y tế tuyến cơ sở đầu tư mua trang thiết bị, có chính sách thu hút nhân tài.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, không được chủ quan, đề phòng với những biến chủng mới có thể xuất hiện. Tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và các bệnh viện công lập; có cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế chủ động, tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực.
“Mặc dù hệ thống y tế đang bị rung động bởi “quả bom Việt Á” nhưng việc chống dịch, chữa bệnh, cứu người, vì sức khỏe nhân dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu”- đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Chấn chỉnh ngay tình trạng thắng thầu bỏ cọc, "thổi" giá đất
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ rõ, thời gian qua, việc thắng thầu bỏ cọc không còn xa lạ, không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chiêu trò để thắng với mức giá cao chót vót sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số.
Dẫn chứng vụ việc ở Thủ Thiêm, ngay sau khi trúng giá đất, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng giá trúng thầu thực chất là giá ảo để té nước theo mưa, đẩy giá đất, giá nhà tại TP.HCM lên cao để kịp thời bán ra lượng lớn nhà đất mà họ đã mua vào trước đó.
Có những nhà đầu tư lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu, trái phiếu của mình. Nguy hiểm hơn, có những người còn lợi dụng để đánh võng giá trị đảm bảo ở ngân hàng để thực hiện các khoản vay ngân hàng và có thể rút ruột các ngân hàng”, bà Thủy nêu rõ, đồng thời cho rằng, giá đất bị đẩy lên cùng giá ảo sẽ khiến giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, trên thực tế còn có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” dìm giá, bắt tay nhau để dìm giá, mua rẻ của nhà nước diễn ra tại nhiều phiên đấu giá.
“Việc thông đồng có thể diễn ra giữa những người tham gia đấu giá với nhau để lót đường cho 1 nhà đầu tư đã chỉ định sẵn với giá rẻ. Ngoài ra, việc dìm giá đất còn có thủ đoạn dùng xã hội đen để đe dọa những người tham gia đấu giá để cho họ sợ hãi, bỏ cọc, rút hồ sơ. Khi đó, cuộc đấu giá chỉ còn 1 người tham gia, 1 mình 1 chợ, giá của những lô đất này là do đối tượng này thao túng và gần như đã được định sẵn là thấp hơn nhiều so với giá thị trường, cao hơn giá khởi điểm không đáng kể. Những thủ đoạn này đã gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước chứ không chỉ là những vi phạm về đấu giá, đấu thầu”, đại biểu nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng cho biết, theo phản ánh của giới kinh doanh bất động sản, sẽ không thể đấu giá nếu không có tay trong. Ở mức độ đơn giản cũng phải có tay trong cung cấp thông tin, tiết lộ thông tin mới có thể “quây thầu, vây thầu” với giá rẻ. Ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn thì có sự cấu kết của những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích “rút ruột” của nhà nước từ các phiên đấu giá.
Dẫn chứng ví dụ gần đây ở Hà Nội, các đối tượng đã bắt tay với những người có trách nhiệm để điều chỉnh giá đất rẻ hơn gần một nửa so với ban đầu, từ 500 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng, nếu vụ này trót lọt, nhà nước sẽ mất gần một nửa tiền.
Bức xúc trước tình trạng móc ngoặc trong quản lý giá, đại biểu cho rằng, thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong định giá đất, tuy nhiên, hiện pháp luật đã trao cho các tổ chức này chức năng quá lớn trong khi cơ chế kiểm soát lỏng lẻo, dẫn tới nhiều sai phạm trong thẩm định giá nói chung, thẩm định giá đất nói riêng trong thời gian vừa qua. Khẳng định những chiêu trò “quân xanh, quân đỏ”, thắng thầu bỏ cọc, đánh võng giá đất, thổi giá đất đã gây ra những hệ lụy rất lớn cho kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, cần phải đẩy nhanh xử lý các hành vi này.
Chính phủ cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất gây nhiều dư luận thời gian vừa qua để tạo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị.
Hiến kế" hạ nhiệt giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát
Nhiều đại biểu Quốc hội nêu rõ, giá một số mặt hàng phục vụ sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng gia tăng liên tục ở nhiều lĩnh vực đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Đặc biệt, giá vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp, nhất là phân bón, giá xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều tăng làm ảnh hưởng đến triển khai nhiều công trình lớn, ảnh hưởng đến hoạt động nhiều doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá để đẩy mạnh phát triển sản xuất, khôi phục nền kinh tế sau đại dịch góp phần nâng cao mức sống của người dân.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) thẳng thắn chỉ ra giá cả hàng hóa làm tăng tín hiệu lạm phát đang rõ nét. Mặc dù 4 tháng đầu năm chỉ số CPI chỉ tăng 2,1%, tuy nhiên, xu hướng từ nay tới cuối năm tình hình giá cả nhiều mặt hàng, trong đó có nhóm mặt hàng tiêu dùng sản xuất nguyên vật liệu, năng lượng có thể tăng cao hơn. Theo tính toán, giá nhiên liệu cứ tăng 1%, cộng với chi phí nguyên vật liệu sẽ khiến giá sản phẩm đầu ra tăng 2,6 %, làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) phát biểu
Do đó, đại biểu Trần Anh Tuấn đề xuất cần có chính sách ổn định giá cả trong thời gian tới, chính sách nên được thiết kế theo hướng giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính sách tài khóa nên tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế, đặc biệt cần xem xét, giảm thêm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất, kể cả một số mặt hàng tiêu dùng mà nguồn cung trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng vì nền kinh tế nước ta có độ mở khá cao.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương cần tập trung tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao bất hợp lý, đồng thời kiểm soát hạ giá các dịch vụ công như xăng dầu, điện nước, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.
Do đó, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng về lâu dài. Cần tính toán để giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài. Khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm phụ thuộc nhập khẩu, chủ động hơn về nguyên liệu đầu vào; hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, các gói tín dụng cũng như cam kết duy trì ổn định đầu ra. Cùng với đó, cần nêu cao trách nhiệm để doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, như vậy việc kiểm soát lạm phát mới hiệu quả trong bối cảnh bất ổn như hiện nay.
Kiến nghị một số giải pháp giảm giá hàng hóa tiêu dùng, kiểm soát lạm phát, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ, từ ngắn hạn trung hạn và dài hạn thích ứng với 2 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, lưu ý đến hai biến số quan trọng đó là giá xăng dầu và giá lương thực.
Cụ thể, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiện tượng domino tăng giá các mặt hàng hóa khác. Đồng thời hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát giá chống đầu cơ, chống các hành vi “té nước theo mưa” và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Khắc phục một số bất cập trong giáo dục
Đánh giá về lĩnh vực giáo dục trong năm qua, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, một xã hội sẽ không phát triển nếu không có nhận thức và nền giáo dục tốt, nhưng nếu giáo dục không có giá trị chân thực thì cải cách mấy cũng bằng thừa.
Đại biểu đặt câu hỏi, tại sao lại tăng kinh phí, học phí đào tạo và các khoản phí khác, hay siết chặt đầu vào mà buông lỏng đầu ra? Đại biểu cho rằng, các bậc tiểu học, trung học cơ sở hay phổ thông trung học cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất để học sinh được đến trường, phát triển toàn diện. Nếu tăng có thể xem xét ở các cấp học cao hơn như đại học và sau đại học, lúc này các em đã có thể tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, đi làm thêm để trang trải học phí.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Hải Dương cũng cho rằng, trong công tác tuyển sinh và đào tạo, thông thường các nước trên thế giới sẽ thu hút đầu vào và siết chặt đầu ra, nhưng Việt Nam lại theo chiều hướng ngược lại, siết chặt đầu vào buông lỏng đầu ra, khiến chất lượng giáo dục còn nhiều vấn đề bất cập.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) phát biểu
Dẫn chứng về những vụ học sinh tự tử do trầm cảm, áp lực học tập xảy ra gần đây, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung lo ngại chính áp lực học tập, điểm số từ gia đình và nhà trường đang là nguyên nhân hàng đầu khiến học sinh trầm cảm hay gặp phải nhiều vấn đề khác về tâm lý dẫn đến những hệ lụy xót xa trong xã hội.
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng, thời gian qua, tự chủ đại học đã thể hiện là một chủ trương đúng đắn với nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi và phát triển nhanh chóng các trường đại học nhưng vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần được xem xét một cách tổng thể và kịp thời tháo gỡ.
Theo đại biểu, trong thời gian tới, cần có khung pháp lý rõ ràng về vai trò chỉ đạo, quản trị và điều hành giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu nhà trường để tránh sự chồng chéo và tạo ra xung đột không đáng có, đồng thời quy định rõ trách nhiệm giải trình.
Đại biểu khẳng định, "tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình" là hai mặt không thể tách rời, thiếu trách nhiệm giải trình sẽ dễ biến tự chủ thành tự trị.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động tự chủ đại học, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến hoạt động Hội đồng trường, trong đó có vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, việc phối kết hợp hoạt động giữa Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng, Ban Giám hiệu; việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của Hội đồng, Ban giám hiệu; một số công việc tổ chức cán bộ, luân chuyển cán bộ sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xử lý.
Thu nhập của CBCC, viên chức còn thấp
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nêu thực tế trong thời gian qua xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng kẽ hở để “đục nước béo cò”. Biểu hiện rõ qua các vụ việc buôn lậu xăng dầu, hàng giả, hàng lậu, thao túng thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vật tư y tế; tuyên truyền xuyên tạc gây tâm tâm lý hoang mang, nhiễu loạn thị trường.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) phát biểu
Đề cập giải pháp, đại biểu đề nghị đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, trong đó có vai trò người đứng đầu. “Còn tình trạng đùn đẩy, ngại khó, ngại khổ, mưu cầu lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân và che đậy tinh vi hơn ở một bộ phận cán bộ quản lý” – ông nói. Bên cạnh đó cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống và tổ chức đấu tranh hiệu quả tham nhũng, lành mạnh hóa bộ máy nhà nước và doanh nghiệp, cả khu vực công và tư.
Đại biểu đoàn Tây Ninh cho rằng, một trong những biện pháp là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Đại dịch vừa qua có nhiều cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động bị ảnh hưởng, khó khăn trong cuộc sống nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng.
"Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp đã và đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức. Tôi kiến nghị nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động khu vực này. Đây là khoản đầu tư cho nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng, làm động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội ở nước ta"- đại biểu nói.
Kéo dài thực hiện nghị quyết 42
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Đại biểu phân tích những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên, trong đó một phần đáng kể của dòng tiền dễ dãi đã và đang tìm tới các kênh đầu tư và các nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích. Một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và nhiều tài sản tài chính khác ít hay nhiều, nhẹ hay nặng chắc chắn đã xuất hiện.
Đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) phát biểu
Đại biểu đặt câu hỏi liệu có tình trạng dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản tài chính nói chung. Trong khi đó, khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp, đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng, hoạt động thế nào, liệu nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng như thế nào trong thời gian tới?
Theo đại biểu, thu ngân sách Nhà nước từ các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản tăng đột biến, bù đắp rất đáng kể cho những khoản hụt thu từ nhiều lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách Nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch. Những hệ lụy dễ thấy, dễ hiểu và toàn thị trường tài chính tiền tệ và tổng thể nền kinh tế đã bị bóp méo và đang gia tăng và tích tụ rủi ro, làm tăng tính dễ tổn thương cho hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam.
Vì vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.
Theo đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên), việc gia hạn lại toàn bộ nội dung Nghị quyết không giải quyết được toàn bộ mục tiêu đặt ra ban đầu của Nghị quyết mà chỉ mang tính xử lý tức thời trong thời gian Chính phủ chưa kịp tham mưu để trình Quốc hội các quy định phù hợp với thực tiễn để đảm bảo sửa đổi kịp thời nội dung không còn phù hợp, đảm bảo sự kế thừa liên tục, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát sinh.
Đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị cần xem xét, bổ sung đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu mới phát sinh từ sau thời hiệu của Nghị quyết số 42. Đề nghị bổ sung các quy định về xử lý đối với các khoản nợ xấu không còn tài sản đảm bảo.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phát biểu
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị Quốc hội tiếp tục xem xét gia hạn kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Bởi qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, hệ thống ngân hàng đã xử lý được trên 380.000 tỷ đồng, trong đó có gần 40% là do khách hàng khách hàng vay vốn chủ động trả nợ. “Điều đó khẳng định Nghị quyết 42 là rất cần thiết và nên tiếp tục gia hạn thêm một thời gian, để chúng ta đảm bảo được an toàn hệ thống ngân hàng”./.
Hồng Thanh
23:41 23/12/2024
22:16 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết