13:41 26/10/2023 Sáng 26-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình, đánh giá cao Ban soạn thảo đã có sự tiếp thu ý kiến và bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật. Đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến vào dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (Trà Vinh) cho rằng dự thảo Luật cần nhấn mạnh quyền, nghĩa vụ của người dân; xem xét, có hướng dẫn cụ thể để đánh giá, tránh chồng chéo với Luật Bảo vệ môi trường và các pháp luật liên quan liên quan đến xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) cũng cho rằng cần phải huy động sức mạnh toàn dân vào công cuộc bảo vệ tài nguyên nước. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước. Theo đại biểu, dự thảo Luật mới quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước mà chưa có quy định về khuyến khích người dân tham gia bảo vệ tài nguyên nước.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của đời sống. Đại biểu nhận thấy, từ Điều 41 đến Điều 43 quy định rõ trách nhiệm nhưng chưa làm rõ đảm bảo quyền của công dân đối với nhu cầu sử dụng nước cũng như các tổ chức, cá nhân có quyền khai thác trong điều kiện vi phạm pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung quyền này của công dân và các tổ chức, cá nhân.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị bổ sung quy định đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức pháp nhân đối với hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Vì quyền tiếp cận thông tin đối với cơ sở dữ liệu tài nguyên nước rất quan trọng để đảm bảo cá nhân pháp nhân và tổ chức thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.
Tại Điều 24, đại biểu đề nghị phải đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích bình đẳng giữa các đối tượng khai thác và sử dụng nước, giữa các địa phương, thượng lưu, hạ lưu, thượng du, hạ du…
Rà soát, bổ sung một số hành vi bị cấm
Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung cấm 2 hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước và hành vi ảnh hưởng chất lượng của nguồn nước sinh hoạt, đồng thời cần có lộ trình đối với các hành vi để khắc phục các hành vi vi phạm trước đó. Nếu không có quy định nghiêm cấm 2 hành vi phổ biến này thì sẽ gây thiệt hai ngày càng nghiêm trọng.
Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) nêu: tại Điều 8, khoản 2 quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất, quy định như vậy còn bất cập bởi hiện nay khu vực nông thôn chưa có công trình thu gom xử lý nước thải; quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất là khó khả thi. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành và bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.Đại biểu cũng đề cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm nội dung đưa các loài sinh vật thủy sinh ngoại lai nhập khẩu từ nước ngoài, các loài sinh vật mới chưa được cấp có thẩm quyền cho phép vào nuôi trồng ở các sông suối hồ kênh rạch vào các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật có liên quan vào nội dung các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8.
Quy định rõ phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt và cho rằng công trình cấp nước sinh hoạt phải có phương án bảo vệ bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 45 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt phải thông báo, cảnh báo về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phải kiểm soát, theo dõi, giám sát và thực hiện quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước…
Đại biểu cho biết, hiện nay các nội dung này thực hiện theo quy định của Thông tư 17 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, qua giám sát cuả Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa qua cho thấy có nhiều khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện, cần rà soát quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa trong các điều luật liên quan, đồng thời, cần giao cho Chính phủ các quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho biết, hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân đang bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông chết. Do vậy, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này...
Đại biểu thấy rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm hướng tới việc bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Theo đại biểu, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân. Trước tiên phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông. Đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các dòng sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đồng tình với quy định hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tôn giáo, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước. Đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện, việc quản lý, sử dụng đất trong phạm vi hành lang cũng cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng và quy định rõ ràng.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các quy định thể chế hóa 4 nhóm chính sách lớn về: bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước, kinh tế bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác…
Để tránh chồng chéo và khó áp dụng trong thực tế, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm lãm rõ khoản 5 Điều 22 về việc phân vùng chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch sông liên tỉnh, quy hoạch tỉnh và nguồn nước nội tỉnh, đề nghị bổ sung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng và chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo luật. Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng của nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác, cần quy định sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo về mặt thẩm quyền.
Đại biểu lấy ví dụ tại điểm 3 Điều 43 chưa phân định rõ thẩm quyền của hai cơ quan là Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; cũng như chưa rõ về cơ chế phối hợp để rà soát và việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt. Do đó, đại biểu đề nghị cần tách riêng thẩm quyền của hai cơ quan để tránh chồng chéo trong quản lý./.
Hồng Thanh
20:38 22/12/2024
15:50 22/12/2024
14:00 21/12/2024
13:59 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết