10:46 30/05/2024 Ngày 29- 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Tập trung cao cho phục hồi, phát triển công nghiệp
Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cũng cho rằng, tình hình năm 2023 và 4 tháng 2024 còn một số tồn tại như: tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistics trong nông nghiệp, tiêu thụ xuất khẩu nông sản còn nhiều khó khăn…
Từ đó, đại biểu đề xuất, cần có cơ chế chính sách nhằm tạo sự phát triển đột phá trong ngành chế biến, chế tạo. Bởi lẽ, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành quyết định chủ yếu đến sự phát triển của toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho khu vực công nghiệp và là một động lực chính để tăng trưởng kinh tế của đất nước ta trong nhiều năm qua.
Đại biểu cũng đề nghị, nên nghiên cứu thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng mới cho tăng trưởng kinh tế của đất nước; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, có tính nền tảng và công nghiệp phụ trợ; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như: sản xuất chip, chất bán dẫn, khai thác, chế biến khoáng sản… Cùng với đó, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển “kinh tế xanh”.
Chú trọng phát triển ngành đóng tàu
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) quan tâm tới phát triển kinh tế biển và ngành đóng tàu. Theo đại biểu, mặc dù kinh tế biển đã đạt được một số thành tựu, tuy nhiên chưa đáp ứng với tiềm năng, lợi thế của một quốc gia có hơn 3 nghìn km bờ biển. Trong đó, một số ngành như vận tải biển, đóng mới và sửa chữa các đội tàu biển còn yếu và thiếu, rất nhiều nhà máy, công xưởng đóng tàu đã được nhà nước đầu tư rất lớn hiện đang dừng hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Theo đại biểu, ngành đóng tàu có cơ hội phục hồi rất lớn. Theo số liệu nghiên cứu, tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính khoảng 200 tỷ USD/năm.
Để phát huy được lợi thế và hạn chế sự lãng phí nguồn lực của ngành đóng tàu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 36 của Trung ương, đại biểu đề nghị cần có một cách nhìn mới về ngành đóng tàu, phải coi đây là ngành công nghiệp xương sống để tạo điều kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác như luyện kim, cơ khí, kinh tế biển..cùng phát triển.
Từ đó, kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ về tài chính như: vay ưu đãi, hỗ trợ bảo lãnh không chỉ với đóng tàu mà còn các ngành phụ trợ khác, giảm thuế đất cho các nhà máy đóng tàu. Đồng thời, đầu tư, hỗ trợ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực đang làm đóng tàu, khuyến khích/hỗ trợ di chuyển nhân lực, khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học liên quan đến công nghiệp đóng tàu cũng như công nghệ phụ trợ …
Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư kết hợp với phát triển và hiện đại hóa đội tàu biển Việt Nam, gắn việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, cùng với tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trên biển.
Đại biểu Lã Thanh Tân cũng đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu; ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số tại các cảng biển; quy hoạch phát triển và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cảng biển trọng điểm, cảng biển thông minh, hiện đại tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam để tăng năng lực cạnh tranh với các cảng biển quốc tế (hạn chế việc quy hoạch, đầu tư, phát triển dàn trải các cảng biển).
Hỗ trợ doanh nghiệp thực chất, hiệu quả
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng, còn một số hạn chế cần tập trung có giải pháp quyết liệt để thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cho rằng đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng phản ánh tình trạng tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Từ đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ đang trình Quốc hội, nếu được thông qua giảm thuế 2% thì quy mô giảm khoảng 24.000 tỷ đồng và cả năm có thể giảm, miễn giảm khoảng 190.000 tỷ đồng, trong đó gia hạn khoảng 92.000 tỷ đồng và miễn, giảm khoảng 98.000 tỷ đồng.
Về chính sách nhà ở xã hội, các đại biểu cho rằng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện tính nhân văn sâu sắc, nhưng đến nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ việc tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn vay từ gói 120 nghìn tỷ đồng. Từ đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai thuận lợi hơn, đẩy mạnh để nhà đầu tư, người mua có nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng; bố trí thêm từ nguồn lực để đầu tư nhà ở xã hội ở những nơi khó thu hút nhà đầu tư; đa dạng hóa các hình thức nhà ở xã hội, các hình thức thuê, thuê mua để phù hợp với nhu cầu, điều kiện, khả năng của người lao động.
Sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, theo quy định Luật Thuế thu nhập cá nhân thì mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu/tháng. Theo đại biểu, mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu mỗi tháng là quá lạc hậu; cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm mà không nên chờ đến 2 năm nữa, tức là 2026 mới được thông qua như dự kiến.
Theo đại biểu, nhiều cử tri chia sẻ, nếu như gia đình có con nhỏ phải thuê người trông thì riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay cũng không dưới 5 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Nếu gia đình có con cái đi học thì chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn chi tiêu của các gia đình. Nếu như gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc thì không chỉ là chi phí ăn uống, sinh hoạt mà còn là chi phí y tế, thuốc men. Do đó, mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế hiện nay.
Vì vậy, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới thông qua việc sửa đổi quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân như đề xuất sẽ có rất nhiều người dân phải "thắt lưng buộc bụng" nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Cũng theo đại biểu, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phù hợp với điều kiện của quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam. Vì quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp cho nên phần lớn thu nhập của người dân dành cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Ví dụ thu nhập 10 triệu, chi cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu mất 70%.
Khảo sát của các chuyên gia của trường Đại học kinh tế quốc dân cho thấy, đối với những quốc gia người dân có thu nhập cao tương đương 100 triệu đồng/tháng thì chi cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu chỉ 30% - 40%. Do đó, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến chi cho nhu cầu thiết yếu của người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, lương tăng nhưng thuế thu nhập và giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời thì dẫn đến bất cập. Theo kế hoạch từ 1-7 tới, thực hiện chế độ tiền lương mới. Dự kiến mức lương của cán bộ, công chức viên chức tăng khá nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, lương tăng nhưng mức thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh không điều chỉnh kịp thời thì gây âu lo cho người lao động vì lương tăng thì thu nhập tính thuế cũng tăng. Chính vì vậy, việc không điều chỉnh kịp thời này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của cải cách tiền lương.
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm nay và thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2025, để đúng như chỉ đạo của Thủ tướng với phương châm “5 quyết tâm”, “5 đẩy mạnh” và “5 bảo đảm”.
Phát biểu giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 2009, khi đó mức giảm trừ với người nộp thuế 4 triệu đồng và mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng.
Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2013 nâng mức giảm trừ lên 9 triệu đồng, có nghĩa là 108 triệu đồng/năm và với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Luật cũng quy định là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Ngày 2-6-2020, Quốc hội có Nghị quyết 954, nâng mức giảm trừ lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng. Như vậy, hiện nay người lao động có 1 người phụ thuộc thì thu nhập 17 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế, còn có 2 người phụ thuộc thì thu nhập trên 22 triệu đồng mới nộp thuế, chưa kể trừ bảo hiểm bắt buộc.
Trước băn khoăn của đại biểu về việc lâu nay chưa trình xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết luật quy định CPI phải trên 20% mới trình điều chỉnh, trong khi đó, trên thực tế mức CPI từ 2020 đến 2023 chỉ 11,47%.
Hơn nữa, mức phải nộp thuế đang là 11 triệu đồng, cao hơn 2,2 lần thu nhập bình quân (4,96 triệu đồng), trong khi thế giới chỉ cao hơn dưới 1 lần. Bộ trưởng cho rằng, Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật.
Về thời điểm trình sửa luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào tháng 10-2025 và xem xét thông qua luật vào tháng 5-2026. Tuy nhiên, nếu UBTVQH quyết định đưa dự án luật vào chương trình để xem xét ngay kỳ họp cuối năm nay thì Bộ sẽ chấp hành. Khi đó sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân và bộ ngành để đưa ra quy định phù hợp, trong đó có việc có nên quy định mức CPI trên 20% hay không.
Có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) đề cập tới tình trạng ngại ra các quyết định trong thẩm quyền, đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết các khiếu nại, ách tắc của người dân và của doanh nghiệp.Tình hình trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, gây ra tình trạng đình đốn trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành thông tư liên bộ của Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra Chính phủ và có thể cả Bộ tư pháp để hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 73 ngày 29-9-2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp; tích cực hơn nữa trong phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng…
Sẽ có cơ chế khuyến khích mua bán điện mặt trời
Liên quan đến mua, bán điện trực tiếp đối với khách hàng lớn, tập trung cho năng lượng tái tạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trong tháng 5 phải ban hành được nghị định về vấn đề liên quan đến điện áp mái.
“Với tinh thần là khuyến khích người dân tham gia để có đóng góp bổ sung cho nguồn điện và đồng thời xác định đối với các hộ sử dụng điện áp mái trong các khu công nghiệp không đưa điện này lên dây mà hoàn toàn mua, bán điện trực tiếp thì chúng ta ủng hộ khuyến khích phi thương mại để từ đấy sẽ hình thành một nghị định quan trọng, đó là cơ chế mua, bán điện trực tiếp, mà đây chính là tiền đề để chúng ta hướng đến thị trường điện cạnh tranh với các nguồn điện”- Phó thủ tướng cho biết.
Giá thu hồi đất sẽ sát giá thị trường
Liên quan đến Luật Đất đai và vấn đề thu hồi đất, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, những vấn đề các đại biểu phát biểu hôm nay có thể chiếm đến 60% những hạn chế tồn tại yếu kém, đùn đẩy, sợ trách nhiệm liên quan đến thủ tục hành chính và đều liên quan đến 3 bộ luật, đó là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cá nhân Phó thủ tướng dành thời gian làm việc trực tuyến với tất cả 63 tỉnh, thành phố, với tất cả các hiệp hội và từng doanh nghiệp ở các địa phương để xem các dự thảo luật đã được đi vào cuộc sống chưa, đã phản ánh đầy đủ và triển khai được cụ thể luật hay chưa.
Theo Phó thủ tướng, nếu được Quốc hội cho phép thì kể cả ngày 1-7 Chính phủ cũng quyết tâm sẽ làm đầy đủ, tức là sẽ liên quan đến là 14 Nghị định, cỡ khoảng trên 10 thông tư. Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các địa phương xây dựng các quyết định và các bộ, ngành sẽ cùng tham gia để đảm bảo sự liên thông và thống nhất về pháp luật.
Về ý kiến định giá đất là nguyên nhân của mọi nguyên nhân liên quan đến thất thoát và nguyên nhân khó khăn, đùn đẩy, Phó thủ tướng cho rằng đây là khó khăn trước khi có Luật Đất đai 2024. Còn sau khi có Luật 2024 thì các địa phương làm rõ ràng, cụ thể, minh bạch và có thể triển khai được.
Theo Phó thủ tướng, Chính phủ cũng đã lấy ý kiến của địa phương, trong đó làm rõ trách nhiệm cơ quan tư vấn, làm rõ trách nhiệm của HĐND, làm rõ trách nhiệm của người quyết định và tất cả mọi quy trình này đều triển khai một cách minh bạch và đặc biệt là trong luật đã giải quyết một vấn đề hết sức khó khăn, đó là giá đất phù hợp, sát giá thị trường.
“Thực chất là chúng ta áp dụng nguyên tắc thị trường, tức là chúng ta áp dụng 4 phương pháp mà hiện nay thế giới đang tính toán để áp dụng. Khi chúng ta có dữ liệu về đất đai, khi đó phương pháp là định giá đất hàng loạt theo vùng giá trị. Chúng ta sẽ có dữ liệu của từng thửa đất và dữ liệu của từng thời điểm, lúc đó vấn đề định giá đất sẽ không gặp khó khăn. Hiện nay đang ở giai đoạn chuyển tiếp và chúng ta đang khẳng định 4 phương pháp này sẽ làm được, không có khó khăn”- Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hồng Thanh
15:50 22/12/2024
14:00 21/12/2024
13:59 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết