Quy định các trường hợp không có tính khả thi, mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi hủy hoại đất trên địa bàn Hải Phòng

11:40 13/02/2025

UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 05/2025/QĐ-UBND, ngày 4/2/2025 về việc Ban hành Quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi huỷ hoại đất trên địa bàn hành phố Hải Phòng.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/2/2025, thay thế Quyết định số 33/2023/QĐ-UBND ngày 29/9/2023 của UBND thành phố quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với từng loại vi phạm về đất đai trên địa bàn thành phố Hải Phòng. UBND thành phố giao Chánh Văn phòng UBND thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện và thành phố Thủy Nguyên; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Cụ thể, quy định này quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi hủy hoại đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 4/10/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đối tượng áp dụng là các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp không có tính khả thi trên thực địa để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm là những hành vi vi phạm mà trên thực tế không thể áp dụng được các biện pháp kỹ thuật để đưa diện tích đất bị vi phạm trở lại có chất lượng đất và mục đích sử dụng như ban đầu hoặc tương đương với ban đầu trước khi vi phạm và người vi phạm đã sử dụng ổn định vào mục đích nông nghiệp.

Các trường hợp này bao gồm các hành vi: làm suy giảm chất lượng đất, thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu có tính chất kết dính, không thể bóc tách khỏi lớp đất mặt hoặc bằng chất thải lỏng hoặc chất thải rắn có thể hòa tan và ngấm vào đất; làm biến dạng địa hình, san lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ hồ thủy lợi) có diện tích từ 500 m2 trở lên.

Về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đổi với hành vi huỷ hoại đất quy định tại Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP bao gồm 2 trường hợp sau: Làm suy giảm chất lượng đất không thuộc trường hợp đã quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy định này, đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; làm biến dạng địa hình không thuộc trường hợp đã quy định tại khoản 2 Điều 3 Quy định này, đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản ánh bằng văn bản, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường đề tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông