Quy hoạch GTVT đường bộ: Đáp ứng yêu cầu TP Cảng xanh-văn minh-hiện đại

17:05 05/12/2014

 

 

Ông Mai Xuân Phương trả lời phỏng vấn
Ông Mai Xuân Phương trả lời phỏng vấn

Tại kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố, một nội dung quan trọng được xem xét, thông qua là đề án về quy hoạch giao thông vận tải đường bộ thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến 2030. Xung quanh đề án này, phóng viên Báo ANHP đã có cuộc trao đổi với ông Mai Xuân Phương, đại biểu HĐND TP - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (đơn vị chủ trì đề án).

PV: Xin ông cho biết những nội dung chính của đề án?

Ông Mai Xuân Phương: Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến 2030 gồm 3 nội dung chính là quy hoạch phát triển vận tải và phương tiện vận tải đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và quy hoạch đảm bảo kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.

Theo đó, quy hoạch phát triển vận tải sẽ hình thành 3 hành lang vận tải chủ yếu gồm: Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai; Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái; Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình. Về quy hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường, từng bước hạn chế sự gia tăng xe máy và kiểm soát lượng ô tô cá nhân.

Đối với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm các quy hoạch chính là: tuyến đường bộ, cầu đường bộ lớn, các nút giao, cầu vượt bộ hành và bến bãi đỗ xe. Đáng chú ý, quy hoạch tuyến đường bộ giai đoạn đến năm 2020, hoàn thành xây dựng 2 tuyến đường bộ cao tốc (Hà Nội - Hải Phòng; Quảng Ninh - Hải Phòng); giai đoạn 2021-2030, xây dựng tiếp đoạn cao tốc Hải Phòng - Ninh Bình, thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đồng thời, đề án cũng xây dựng quy hoạch đối với 4 tuyến quốc lộ (quốc lộ 5, 10, 37, đường bộ ven biển); đường đối ngoại và tuyến kết nối chính; các tuyến vành đai trục và trục chính đô thị; 18 tuyến đường tỉnh; giao thông nông thôn. Riêng quy hoạch bến, bãi đỗ xe giai đoạn đến năm 2020, thành phố quy hoạch mới 5 bến xe liên tỉnh thay thế 4 bến xe hiện tại trong nội thành, tiếp tục sử dụng và mở rộng bến xe Vĩnh Bảo. Giai đoạn 2021-2030, quy hoạch mới 2 bến xe liên tỉnh (bến xe Tây Bắc, bến xe phía Tây 2), phù hợp với lộ trình xây dựng của các tuyến cao tốc và tuyến đường sắt xuyên quốc gia…

Về vấn đề quy hoạch đảm bảo kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác, trước hết, Hải Phòng hội tụ đầy đủ 5 loại hình giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, hàng không), do đó đề án hết sức chú trọng đảm bảo tính kết nối của giao thông đường bộ với các loại hình giao thông khác cũng như việc tính toán cơ cấu hợp lý.

PV: Trong tình hình hiện nay, đề án sẽ đáp ứng các yêu cầu phát triển hệ thống giao thông của thành phố như thế nào thưa ông?

Ông Mai Xuân Phương: Đề án đặt ra mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường bộ thành phố theo hướng đồng bộ, hiện đại để xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị loại đặc biệt là “thành phố Cảng xanh”, văn minh, hiện đại. Đồng thời, phát huy lợi thế của thành phố là trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính hướng ra biển của các địa phương phía Bắc và trên hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Mặt khác, việc tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hợp lý là hết sức quan trọng, đảm bảo liên thông với mạng giao thông vùng, quốc gia; tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác, đa dạng hóa các loại hình vận tải và phương tiện vận tải đường bộ nhằm thỏa mãn nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách với chất lượng ngày càng cao.

Cũng cần nói thêm rằng, từ năm 2009, thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông đường bộ - đường sắt. Tuy nhiên, đến nay qua 5 năm triển khai thực hiện đã có nhiều thay đổi, yêu cầu này cần sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo mục tiêu phát triển của thành phố theo Kết luận số 72 của Bộ Chính trị.

PV: Xung quanh đề án, một số cử tri băn khoăn về nhu cầu quỹ đất và hiện vấn đề giao thông tĩnh của thành phố đang bộc lộ nhiều bất cập trong khi theo mục tiêu đề án, tỷ lệ đất giao thông bến, bãi đỗ xe đến năm 2020 đạt 1%, năm 2030 đạt 3% đất xây dựng đô thị. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ông Mai Xuân Phương: Trước hết, nhu cầu quỹ đất của thành phố để phát triển giao thông đường bộ như trên đối với khu vực đô thị lõi phải có diện tích đất dành cho giao thông tối thiểu là 375ha, tương ứng 10% diện tích đất xây dựng, các khu vực đô thị xây dựng mới là 6.740ha, tương ứng 23% diện tích đất xây dựng. Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ đất giao thông bến, bãi đỗ xe đạt 1% và 3% đến năm 2030. Dự báo đến năm 2020, tổng nhu cầu đỗ xe của toàn thành phố là 131,8ha; trong đó bãi đỗ xe con, xe khách, xe máy là 86,5ha; bãi đỗ xe tải là 45,3ha.

Giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu đỗ xe là 268ha. Đây là những con số đã được xem xét, tính toán kỹ trên cơ sở tình hình thực tế diện tích đất của thành phố dành cho giao thông và nhu cầu trong thời gian tới. Riêng vấn đề giao thông tĩnh trong khu vực nội đô, quy hoạch tính toán bố trí các điểm đỗ, dừng xe hợp lý và cả xu hướng bãi đỗ xe trong các tòa nhà cao tầng…

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

ĐỖ HIẾU thực hiện


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông