Quyết liệt các giải pháp cấp bách, trọng tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hải sản khai thác

22:04 04/07/2024

Sau gần 7 năm (từ 10/2017 - 6/2024) nỗ lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với hải sản khai thác, bên cạnh những kết quả đạt được, một số nhiệm vụ chống khai thác IUU của Việt Nam còn chuyển biến chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Thực tế này đặt trong bối cảnh cạnh trạnh xuất khẩu thủy sản giữa Việt Nam với các nước bạn sang EU thì nhiệm vụ gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của nước ta càng thêm “gian nan”…

Chuyển biến tích cực

Tính đến thời điểm hiện tại, cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá được các địa phương chú trọng tăng cường đã tạo ra sự chuyển biến tích cực. Hiện cả nước có 86.820 tàu cá.

Số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt  98,25%

Công tác theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá được lực lượng chức năng cả nước tổ chức trực ban 24/24h. Số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 28.584/29.095 tàu (đạt 98,25%). Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay đã được các địa phương thực hiện chặt chẽ hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước chưa phát hiện các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu vi phạm khai thác IUU. Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU đã được tăng cường hơn trước.

Các địa phương đã tiến hành khởi tố 4 vụ việc liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; trong đó đã truy tố, xét xử 2 vụ án tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Công tác xác minh, xử lý các hành vi khai thác IUU có sự chuyển biến hơn trước…

Chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC

Các lực lượng chức năng Hải Phòng thảo luận trình tự hướng dẫn chủ tàu cá thực hiện các thủ tục hành chính đối với tàu cá “3 không” tại xã An Lư, Thuỷ Nguyên

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai có một số nhiệm vụ chống khai thác IUU của Việt Nam còn chuyển biến chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của EC.

Trước hết, cần phải đề cập đến tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến nay, cả nước chưa hoàn thành được việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) và xử lý dứt điểm tàu cá “03 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không cấp phép).

Hiện, cả nước còn trên 17.000 tàu cá “03 không”. Tình trạng tàu cá mua bán, sang tên đổi chủ giữa các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhất là tại các tỉnh như: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Các tỉnh có số lượng nhiều tàu chưa lắp đặt thiết bị VMS cần phải kể đến là: Quảng Ngãi (128 tàu), Bà rịa Vũng tàu (73 tàu), Tiền Giang (62 tàu), Quảng Bình (36 tàu)…

Trong khi đó, công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá và tại cảng vẫn chưa tuân thủ đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ số lượng tàu cá có kết nối trung bình hàng ngày qua hệ thống giám sát tàu cá hiện nay mới đạt khoảng 60%.

Từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến tháng 5/2024, tình trạng tàu cá từ 15m trở lên ngắt kết nối VMS tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 50% hoạt động của tàu cá.

Đã vậy, công tác truy xuất nguồn gốc vẫn tồn tại hạn chế nhất định, chưa đảm bảo chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của sản phẩm thủy sản khai thác.

Tại một số địa phương như: Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt là Thái Bình, việc kiểm soát chất lượng nhật ký khai thác phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn chưa đảm bảo theo quy định. Trong khi đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi, kiểm soát công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước chưa được triển khai thống nhất, đồng bộ.

Trước thực trạng một bộ phận tàu cá không cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác nhưng nhiều địa phương chưa có giải pháp hiệu quả đảm bảo kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc.

Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU vẫn còn thiếu quyết liệt, thống nhất và chưa đồng đều giữa các địa phương. Công tác điều tra, xử phạt hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài còn rất hạn chế, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.

Đã vậy, tỷ lệ xử phạt hành vi vi phạm ngắt kết nối VMS khi hoạt động trên biển cũng rất thấp so với tổng số các vụ việc vi phạm. Đơn cử, tính từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay, cả nước mới xử phạt được 17/172 lượt tàu có chiều dài từ 24m trở lên vi phạm mất kết nối trên 10 ngày không quay về bờ (đạt 9,8%).

Trong số đó, phải kể đến một số tỉnh có số lượng tàu mất kết nối nhiều nhưng tỷ lệ xử phạt rất thấp như: Quảng Ngãi (1/39 lượt), Nghệ An (1/41 lượt),  Thanh Hoá (0/18 lượt), Bến Tre (1/10 lượt), Kiên Giang (6/20 lượt). Nhóm tàu từ 15m đến dưới 24m, tỷ lệ xử phạt cũng mới đạt khoảng 10%...

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên là do người đứng đầu tại một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Vì lợi ích kinh tế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân chưa cao.

Trong khi đó, việc thực thi công vụ, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU của các tổ chức, cá nhân chưa quyết liệt.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại địa phương trong việc theo dõi, kiểm soát, ngăn chặn ngay từ trong bờ, giám sát chặt chẽ tàu cá khi xuất nhập bến, hoạt động trên biển, cũng như công tác điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử của các lực lượng chức năng đối với các vụ việc vi phạm chưa kịp thời, nhất là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài đã tồn tại nhiều năm qua.

Đồng bộ các giải pháp

Thực trạng trên đặt trong bối cảnh cạnh trạnh xuất khẩu thủy sản giữa Việt Nam với các nước bạn sang EU thì nhiệm vụ gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của nước ta càng trở nên khó khăn gấp bội.      

Để đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC (dự kiến vào tháng 10/2024), quyết tâm thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, các ban, bộ, ngành, địa phương đã, đang gấp rút khắc phục các tồn tại, hạn chế vấp phải.

Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng” của EC là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, tập trung chỉ đạo và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến tháng 9/2024; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, phát động đợt cao điểm về chống khai thác IUU, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động, đồng thời theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý đội tàu, xử lý dứt điểm tàu cá “03 không”; kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài để tăng sức răn đe, phòng ngừa chung…

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông