17:11 04/08/2021 Hàng giả, hàng nhái xưa nay vốn là một vấn nạn đối với nền kinh tế. Để giải quyết vấn nạn này, các cấp các ngành đã vào cuộc, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực cố gắng; công tác phòng chống sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố được triển khai đồng bộ, bài bản, nhưng cuộc chiến chống hàng giả vẫn còn hết sức cam go, đầy khó khăn và thách thức. 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, gây nhiều ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đất nước và thành phố, nạn hàng giả vẫn có chiều hướng gia tăng, bởi vậy cần phải có những giải pháp hết sức quyết liệt, song hành với công cuộc chống dịch Covid-19.
Phần nổi của “tảng băng trôi”
Đồng chí Trần Thành Vin, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp.
Thống kê cho thấy, lực lượng Quản lý thị trường thành phố đã phát hiện, xử lý 7 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, phạt tiền 88,7 triệu đồng. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của “tảng băng trôi”.
Mới đây nhất, ngày 15-5-2021, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP kiểm tra cơ sở sản xuất đóng bao của Cty CP Hương Giang (địa chỉ tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng) phát hiện một số công nhân đang thực hiện việc sang bao, đóng gói tinh bột sắn mang nhãn hiệu BMC – Made in Lao (ghi 50kg/bao trên nhãn) đổ trực tiếp sang bao bì mới mang nhãn hiệu tinh bột sắn mác Kim Liên của Công ty TNHH sản xuất TM XNK Kim Yến (có địa chỉ tại Ấp 6, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), ghi nhãn 50kg/bao.
Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành tạm giữ 970 bao tinh bột sắn mang nhãn hiệu BMC – Made in Lao và 1.057 bao tinh bột sắn đã sang bao bì mới mang nhãn mác của Công ty TNHH sản xuất TM XNK Kim Yến để xác minh, làm rõ vụ việc.
Cục Quản lý thị trường thành phố cũng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý 28 vụ vi phạm pháp luật về thị trường, thu nộp ngân sách nhà nước trên 4,7 tỷ đồng.
Cục QLTT thành phố kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường
Nhiều doanh nghiệp lao đao vì hàng giả. Trong bối cảnh phải gồng mình chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới hay khi bùng phát dịch, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động, doanh nghiệp còn hết sức khốn khổ vì nạn hàng giả. Công ty CP Nhựa thiếu niên Tiền phong là một ví dụ.
Nhiều năm qua, Công ty đã phải đối mặt với tình trạng sản phẩm ống nhựa sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng, bị làm giả, làm nhái nhãn hiệu “Tiền Phong” rất phổ biến tại thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thủ đoạn hết sức tinh vi
Qua các vụ việc cho thấy, các đối tượng tiến hành đa dạng, tổ chức tinh vi từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, đặc biệt nhiều mặt hàng được lưu thông dưới dạng núp bóng các cuộc hội thảo giới thiệu sản phẩm, kinh doanh đa cấp biến tướng… gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Thủ đoạn thường gặp của các đối tượng là tranh thủ lợi dụng những bất cập từ chính sách ưu đãi để thực hiện hành vi vi phạm không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; giả mạo nhãn mác, xuất xứ… cũng như triệt để khai thác lỗ hổng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Cục QLTT thành phố kết hợp với lực lượng Cảnh sát kinh tế - CATP kiểm tra kho hàng hóa tại quận Hải An
Lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ buôn, vận chuyển trái phép khoáng sản (than); xăng, dầu; hàng hóa (đồ điện tử đã qua sử dụng), thậm chí là ma túy, pháo nổ… tại các cửa khẩu, khu vực biên giới. Riêng trong thị trường hàng nội địa, hành vi gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ diễn ra khá phổ biến nhất là các loại hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Dư luận thành phố hẳn chưa quên vụ sản xuất thuốc ung thư giả bằng “bột than tre” của Công ty Vinaca, xảy ra trên địa bàn quận Kiến An năm 2019 mà nhiều đối tượng tham gia đã phải hầu tòa, lĩnh án. Thủ đoạn của các đối tượng này cũng hết sức tinh vi.
Một cán bộ thuộc Bộ phận chống hàng giả của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong cho biết, các đối tượng làm giả hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn che giấu nên hầu như doanh nghiệp phải chủ động xác minh, theo dõi hoạt động của các đối tượng sản xuất, kinh doanh mặt hàng ống nhựa giả nhãn hiệu “Nhựa Tiền Phong” để tự bảo vệ mình. Có nhiều vụ, cán bộ chống hàng giả của công ty không quản đến sự an toàn của bản thân đã phải kiên trì đeo bám, theo dõi các đối tượng trong thời gian nhiều tháng, ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau.
Cùng với đó, việc trao đổi thông tin, phối hợp xử lý của doanh nghiệp với các đơn vị chức năng đôi lúc còn chưa kịp thời, cộng với thời gian xử lý kéo dài, số vụ đưa ra xét xử hình sự chưa nhiều, dẫn đến hình phạt chưa đủ sức răn đe, làm chùn tay đối tượng làm hàng giả…
Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt
6 tháng đầu năm 2021, Cục Quản lý thị trường thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND thành phố và Ban chỉ đạo 389 thành phố về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, buôn bán, lưu thông các loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng như việc vận chuyển, giết mổ thịt lợn qua biên giới, kinh doanh hàng hóa là thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc lá, rượu; việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc nổ, đèn trời và thương mại điện tử trên địa bàn thành phố, góp phần bình ổn giá cả thị trường, chống hiện tượng đầu cơ, găm hàng, gây rối loạn thị trường, đặc biệt là các hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu trong phòng, chữa bệnh…
Cục Quản lý thị trường thành phố yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác kết hợp giữa các lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh chóng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và không bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá cả, góp phần ổn định thị trường.
Tuy nhiên, thực tế diễn biến của tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, mà kết quả xử lý của các lực lượng chức năng chỉ là phần nổi của “tảng băng trôi”. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường vẫn là nạn nhân của việc sản xuất, buôn bán sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu, gây thiệt hại không ít về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp và thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian gần đây đã khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm có nhiều thay đổi, việc mua bán online trên mạng trở thành xu hướng phổ biến, giao dịch chủ yếu dựa trên “niềm tin” giữa người mua và người bán cũng găp phần tạo môi trường để hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ có thể trà trộn mà lực lượng chức năng khó kiểm soát, phát hiện và xử lý.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, UBND thành phố, Ban chỉ đạo 389 thành phố đã luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các kế hoạch về phòng chống hàng giả của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Nhưng cùng với đó, các cơ quan, ban ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, tổ chức ký cam kết với các tổ chức, hộ kinh doanh không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Một yếu tố quan trọng khác là sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp tuyên truyền cách nhận biết hàng thật, hàng giả để tự bảo vệ doanh nghiệp, cần thiết có đội ngũ luật sư để bảo vệ quyền lợi của Công ty khi có vụ việc xảy ra. Chính người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, phát hiện, tố giác, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần hạn chế vi phạm, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Là các cơ quan tuyên truyền, báo chí càng phải vào cuộc quyết liệt, chung tay cùng doanh nghiệp, cơ quan quản lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xuất phát từ thực tế này, từ năm 2018, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong chủ động phối hợp với Báo An ninh Hải Phòng (nay là Chuyên đề An ninh Hải Phòng) tổ chức xây dựng và thực hiện Chuyên mục “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” trên Báo An ninh Hải Phòng.
Đây chính là một diễn đàn để các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng phát biểu ý kiến, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả; kiến nghị, đề xuất các giải pháp, qua đó bảo vệ trật tự quản lý kinh tế nhà nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đồng hành cùng diễn đàn là các cơ quan chức năng thành phố như: Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan Hải Phòng, Chi cuc Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (Sở Khoa học và công nghệ thành phố), Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố, Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP, các cơ quan bảo vệ pháp luật: Tòa án, Viện kiểm sát, các Ngân hàng, Văn phòng luật sư và cộng đồng doanh nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, Báo An ninh Hải Phòng (nay là Chuyên đề An ninh Hải Phòng) đã đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh, ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, về công tác chống hàng giả.
Qua đây, Chuyên đề An ninh Hải Phòng đề nghị người dân khi phát hiện vụ việc liên quan hàng giả thì thông tin ngay đến Chuyên đề An ninh Hải Phòng qua điện thoại đường dây nóng: 02253842262 hoặc cơ quan công an, quản lý thị trường...
Để góp phần đấu tranh quyết liệt với hàng giả, sau bài viết này, Chuyên đề An ninh Hải Phòng tiếp tục thực hiện loạt bài xung quanh cuộc chiến chống hàng giả, lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, nhà quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng… Kính mời độc giả đón đọc trên các số Chuyên đề An ninh Hải Phòng tiếp theo trong tháng 8 và trên trang điện tử anhp.vn.
NGUYỄN VĂN
20:40 23/12/2024
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế