Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

09:24 06/10/2019

3/4 quãng đường của năm 2019 đã qua đi nhưng tiến độ giải ngân đầu tư công trên cả nước chưa đạt nửa kế hoạch. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung. Do đó việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2019 và năm 2020 của tất cả các bộ ngành, địa phương trong cả nước…

Tiến độ chậm

Tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của năm 2019, theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch đầu tư, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách năm 2019 là 429.300 tỷ đồng, đã giao kế hoạch đạt hơn 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng hơn 33.600 tỷ đồng, gồm vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách trung ương và vốn nước ngoài (ODA).

Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 50,93% kế hoạch Quốc hội giao và 52,46% kế hoạch Thủ tướng giao). Trong đó giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp. Có 7 bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%; 4 bộ ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Tuy nhiên vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%...

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công được chỉ ra bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có vướng mắc do thể chế, quy định pháp luật; công tác chuẩn bị dự án mất nhiều thời gian; công tác lập kế hoạch chưa sát thực tế; quy trình giao kế hoạch còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án; khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng; mưa lũ thiên tai diễn biến phức tạp…Do đặc thù của hoạt động đầu tư đòi hỏi có quá trình thực hiện, nên xu hướng giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm thường thấp và tăng mạnh những tháng cuối năm; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán.

Hải Phòngnằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao

Trong quá trình triển khai, việc giải ngân đầu tư công của Hải Phòng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ như: Một số dự án mới được giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2019. Cụ thể Bộ Kế hoạch – đầu tư giao bổ sung ODA 259.538 tỷ đồng ngày 21/6/2019 (UBND TP Hải Phòng nhận quyết định ngày 1/7/2019); UBND TP giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 số tiền 1.155.000 triệu đồng ngày 4/9/2019. Nếu chỉ tính số vốn giao kế hoạch từ đầu năm (không tính số vốn bổ sung trong năm), thì số vốn đã giải ngân đến ngày 16/9/2019 là 5.086.889 triệu đồng, bằng 81,2% kế hoạch vốn trung ương giao, bằng 56,1% kế hoạch vốn thành phố giao.

Ngoài ra, những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của thành phố còn do việc sắp xếp, tổ chức lại các ban quản lý dự án; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; các dự án khởi công mới trong năm 2019 cần nhiều thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, đấu thầu lựa chọn tư vấn lập thiết kế và dự toán sau đó mới lập và trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán…

Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù tiến độ giải ngân đầu tư công trên cả nước diễn tiến chậm chạp và phải đối mặt với không ít khó khăn vướng mắc nhưng Hải Phòng vẫn được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện kế hoạch giải ngân khá khả quan.

Cụ thể, theo thống kê về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công, trong số 117 bộ ngành và địa phương trên toàn quốc, Hải Phòng đứng thứ 25/117, thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao.  Năm 2019, Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và đầu tư giao kế hoạch vốn đầu tư công gồm 2 đợt với tổng số vốn là 6.524,068 tỷ đồng. Căn cứ điều kiện thực tế và dự toán ngân sách thành phố năm 2019, UBND TP đã giao kế hoạch chi tiết các nguồn vốn đầu tư công năm 2019 với tổng số tiền là 10.047,421 tỷ đồng (so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch – đầu tư, vốn ngân sách trung ương giữ nguyên, vốn ngân sách địa phương tăng 3.952,353 tỷ đồng). Tính đến ngày 16/9, vốn đầu tư công đã giải ngân được 5.177,042 tỷ đồng, bằng 79,4% kế hoạch vốn trung ương giao, bằng 49,4% kế hoạch vốn thành phố giao.

Quyết liệt nhiều giải pháp những tháng cuối năm

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2019, ngoài các nhóm giải pháp Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất, các bộ, ngành trung ương và các địa phương đề nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tạo thuận lợi cho thực hiện các dự án đầu tư công; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn về đầu tư công; có lộ trình siết chặt việc bố trí vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay; đề nghị hạn chế việc giao vốn bổ sung.

Bày tỏ sự sốt ruột trước tiến độ giải ngân đầu tư công 9 tháng qua còn chậm chạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương thống nhất cao với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2019 và năm 2020. Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm toàn diện trước chính phủ, từ đó thực hiện tốt việc phối hợp để thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được giao trong năm 2019, đảm bảo số lượng và chất lượng, đồng thời, tiếp tục thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư xã hội trong nước và nước ngoài cho phát triển.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ hàng tháng. Trên cơ sở đó có phương án tăng cường kiểm tra; đề xuất phương án trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

Đối với Bộ Tài chính, cần rà soát, đơn giản hóa thủ tục giải ngân nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư thanh, quyết toán vốn đầu tư công; tăng cường theo dõi, giám sát, cập nhật thông tin giải ngân đối với các chương trình, dự án của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, bảo đảm thông tin về số liệu giải ngân đầy đủ, kịp thời, chính xác; khẩn trương rà soát, đề xuất các giải pháp xử lý vướng mắc trong quản lý nợ công các dự án sử dụng vốn ODA; chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán vốn kịp thời cho các dự án đã đủ điều kiện, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh nhằm rút ngắn thời gian kiểm soát chi; xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các đơn vị vi phạm về quy định thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng; cắt giảm các thủ tục không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện thông báo và giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; rà soát tiến độ, tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đối với từng dự án được giao quản lý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/9, làm cơ sở để tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp...

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông