19:52 09/03/2018 Vừa qua, Hội đồng cấp thành phố đã thông báo kết quả xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 9 – năm 2018 do các Hội đồng cấp cơ sở gửi lên. Trong số ấy, có đến hơn nửa là các nghệ sĩ nữ. Các chị là những bông hoa nghệ thuật của thành phố Cảng, đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật với niềm đam mê và sự hi sinh không hề nhỏ. Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, thay lời tôn vinh của khán giả yêu nghệ thuật thành phố gửi đến những người nghệ sĩ, báo ANHP xin giới thiệu với bạn đọc 6 nữ nghệ sĩ được bình xét danh hiệu NSƯT trong lần này.
Nghệ sĩ của trẻ thơ
Với nghệ sĩ Tuyết Lan của Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng, được gắn bó với nghệ thuật múa rối trong suốt 23 năm qua là những niềm vui khó diễn tả hết. Đứng sau con rối ngộ nghĩnh, dễ thương, cảm nhận được sự thích thú của khán giả nhí qua nụ cười vô tư, trong sáng… bấy nhiêu đủ cho các nghệ sĩ như chị nuôi dưỡng niềm say mê với nghiệp diễn viên múa rối.Tình yêu trẻ thơ, yêu nghề đã thổi thêm lửa đam mê để chị cống hiến và gặt hái được những thành công trong nghề diễn.
Khán giả nhí biết đến Tuyết Lan qua nhiều vai diễn ấn tượng trong các vở rối
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng, khóa 4, Tuyết Lan về công tác tại Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng đến nay. Khán giả nhí biết đến Tuyết Lan qua nhiều vai diễn ấn tượng và những giải thưởng mà chị có được: Vai Thị Cóc – Thị Mê trong Vở “Trê cóc tranh con”, HCB Liên hoan Nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003; Vai diễn trong vở “Giai điệu ký ức”, Giải vàng Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ III tại Hà Nội năm 2012; Nhân vật Inzola trong “Đảo giấu vàng”, HCB Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ IV tại Hà Nội năm 2015.
Vượt qua những khó khăn trong nghề, những vất vả của cuộc sống mưu sinh thường ngày, nghệ sĩ Tuyết Lan cùng đồng nghiệp vẫn đang miệt mài, hăng say và hết mình với những vai diễn rối cạn, rối nước. Không chỉ giữ gìn được nét đẹp của nghệ thuật truyền thống mà con đưa những con rối đi xa hơn, đến với bạn bè quốc tế. Đó là tâm niệm thường trực của nghệ sĩ Tuyết Lan cũng như toàn đoàn.
Mặn mà với chiếu chèo
Đoàn Nghệ thuật Chèo Hải Phòng có 3 nữ nghệ sĩ trong danh sách xét tặng danh hiệu NSƯT lần này. Đó là nghệ sĩ Thanh Mai, Thùy Dung và Hương Huế. Với khán giả yêu chèo thành phố Cảng, đây đều là những gương mặt rất thân quen. Cả ba đều là giọng “đinh” của đoàn, với nhiều vai diễn lớn nhỏ khác nhau, mang lại thành tích chung cho cả đoàn trong suốt quãng thời gian gắn bó với nghề.
Nghệ sĩ Thanh Mai sinh năm 1969, đã bén duyên với nghệ thuật chèo được 27 năm. Hiện chị đang là Đội phó đội diễn viên. Là người chị cả của đoàn, Thanh Mai để lại nhiều vai diễn ấn tượng qua các giải thưởng: HCV tại Liên hoan tổ đội tuyên truyền văn hóa các tuyến biên giới Toàn quốc khu vực II – Hà Nội năm 1996; Vai Xúy Vân trong trích đoạn “Xúy Vân giả dại”, Giải 3 Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu toàn quốc lần thứ 2 tại Đà Nẵng năm 1998; Vai Huệ trong vở “Lá diêu bông”, HCB Hội diễn sân khấu – ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1999-2000; Vai Bà Dậu trong vở “Ảo mộng xứ người”, HCV Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc về đề tài hiện đại tại Thái Bình năm 2011; Vai Hợi trong vở “Thạch Sùng”, HCB Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016.
NS Thanh Mai (trái) – NS Hương Huế (giữa) – NS Thùy Dung (phải) là những giọng "đinh" của Đoàn chèo hiện nay
Với gương mặt khá sắc sảo, nghệ sĩ Thùy Dung của Đoàn chèo Hải Phòng hay được đảm nhận vai diễn “ngược chiều” và cá tính. Khán giả nhớ đến Thùy Dung với các vai diễn ghi dấu ấn đậm nét như: Mẹ Lữ Thúc trong “Ông vua hóa Hổ” - vai diễn đạt HCB tại Cuộc thi sân khấu Chèo toàn quốc năm 2013; vai Thị Chinh trong vở “Chinh phụ hai chồng”; vai bà Tôm trong vở “Của thiên trả địa”… Đặc biệt, với vai Thị Mòng trong vở “Thạch Sùng”, chị đoạt HCV tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016, được bạn nghề ca ngợi có sức diễn và giọng ca nổi bật trong hội thi.
Tốt nghiệp đại học Sân khấu điện ảnh, Hương Huế đã từng công tác tại Nhà hát chèo Việt Nam, sau đó đầu quân về Đoàn chèo Hải Phòng. Đến nay, hầu như vai chính trong các vở diễn của Đoàn chèo Hải Phòng đều do Hương Huế đảm nhận. Nhắc đến Hương Huế của Đoàn chèo Hải Phòng, người ta sẽ luôn nhớ về những vai diễn dịu dàng, đằm thắm của chị.
Trong đó vai Thảo của vở “Ông vua hóa hổ” đã đoạt HCV tại Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, vai Châu Long trong “Lưu Bình – Dương Lễ”, vai Phượng trong “Thạch Sùng” đoạt HCB tại Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc các năm 2001, 2016.
Đáng chú ý, năm 2014, Hương Huế được Bộ VHTT-DL trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, là sự ghi nhận cho những đóng góp của chị cùng các nghệ sĩ thành phố tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thêm đậm đà bản sắc dân tộc.
Hết mình vươn lên
Dù làm nghề trong bối cảnh các loại hình nghệ thuật đang có sự thoái trào như hiện nay, nhưng nghệ sĩ nói chung và nữ nghệ sĩ nói riêng vẫn không ngừng vươn lên để chạm tới đỉnh vinh quang của nghệ thuật. Như nghệ sĩ Kim Tuyến của Đoàn Cải lương Hải Phòng chia sẻ: “Đến với nghề đã 25 năm, chất cải lương đã ngấm khá sâu trong tôi và tôi luôn tự nhủ dù diễn ở vai nào mình cũng phải làm thật tốt. Giải thưởng lớn nhất của người diễn viên là giải thưởng trong lòng khán giả, ấn tượng để lại với khán giả về vai diễn của mình, cũng chính là vinh quang mà chúng tôi phải chinh phục”.
NS Kim Tuyến luôn hết mình với nghệ thuật cải lương
Chính tâm niệm ấy đã giúp nghệ sĩ Kim Tuyến thành danh như ngày hôm nay và để lại dấu ấn qua nhiều vai diễn lớn nhỏ trên sân khấu cải lương đất Bắc: Vai Sơ Trinh trong vở “Đen – đỏ mặt người”, HCV Cuộc thi Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015; vai Phương trong vở “2000 ngày oan trái”, HCV Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ năm 2013; Vai Lê trong vở “Kêu cứu”, HCB Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp khu vực phía Bắc năm 2010; Vai Ngọc Hoa trong vở “Ngô Vương Quyền”, HCB Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009.
Còn với nghệ sĩ Thanh Nhàn của Đoàn kịch nói Hải Phòng, người trẻ tuổi nhất trong số các nghệ sĩ được bình xét danh hiệu NSƯT lần này, tuổi trẻ là không ngừng phấn đấu. Khát khao và đam mê với nghề diễn đã mang lại cho Thanh Nhàn những kết quả đáng ghi nhận. 35 tuổi đời nhưng có 18 năm tuổi nghề, Thanh Nhàn đã đến với nhiều vai diễn “bi” – “hài” khác nhau.
Trong đó vai Thị Nở trong vở “Chí Phèo” đoạt giải diễn viên trẻ triển vọng, cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc năm 2008; vai Hương Xuân của vở “Đánh mất mùa xuân” đoạt HCV và giải thưởng Nữ diễn viên trẻ xuất sắc tại Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, vai Diệu của vở “Những phiên tòa đen trắng” đoạt HCB Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015.
Khát khao và đam mê với nghề diễn đã mang lại cho NS Thanh Nhàn những kết quả đáng ghi nhận
Dù ở loại hình nghệ thuật nào, những nữ nghệ sĩ vẫn luôn cháy đỏ một tình yêu nghề và khát khao được tỏa sáng, đem nghệ thuật đến gần với công chúng. Những nỗ lực của họ thật đáng trân quý bởi để đạt được kết quả như ngày hôm nay chắc chắn đã có sự đánh đổi không hề nhỏ. Không chỉ là mồ hôi, là nước mắt mà có lẽ còn nhiều hơn thế, cả những hi sinh, thiệt thòi trong cuộc sống riêng.
Huyền Trâm
16:26 06/01/2025
15:01 05/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh