17:47 30/01/2023 Thực tế đã chứng minh, công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh trên động vật nói riêng chỉ được triển khai hiệu quả khi có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành liên quan, các cấp chính quyền và người dân trong việc chủ động áp dụng đồng bộ, linh hoạt các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Do đó, để công tác phòng chống dịch bệnh động vật được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả nhất có thể trong thời gian tới, ngày 2-12-2022, UBND TP đã chính thức ban hành Quyết định số 4062/QĐ-UBND, phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023 trên địa bàn thành phố.
Phát hiện sớm, xử lý kịp thời
Mục tiêu mà Kế hoạch này hướng tới là chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) và thủy sản nuôi nhằm giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh động vật xâm nhập, phát sinh, góp phần giảm thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra cho các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Công tác tiêm vắc xin tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sẽ được triển khai nghiêm túc, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn định mức theo quy định và đảm bảo tỷ lệ bảo hộ phòng dịch cho đàn GSGC. Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây nhiễm dịch bệnh từ GSGC sang người; hạn chế tối đa nguy cơ biến đổi gen của vi rút, vi khuẩn gây bệnh; đảm bảo an toàn sinh học cho người trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch; bảo vệ sản xuất, chăn nuôi phát triển bền vững; góp phần quan trọng vào việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Để đạt được mục đích đề ra, công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp người dân nhận thức rõ tác hại của dịch bệnh động vật đối với sản xuất chăn nuôi, nuôi thủy sản; các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật; tự giác chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi; chấp hành các quy định khung lịch thời vụ thả giống, thực hiện quy trình kỹ thuật phòng chống dịch, chủ động khai báo khi có dịch xảy ra…, được thành phố đặt lên hàng đầu.
Từ đó, góp phần thay đổi từ nhận thức đến hàng vi, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, chăn nuôi, thu gom vận chuyển, kinh doanh, giết mổ động vật thực hiện cam kết: Không giấu dịch, không vứt xác động vật chết, xả chất thải từ cơ sở nhiễm bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường; không tự ý di chuyển động vật nhiễm bệnh, các dụng cụ chăn nuôi từ cơ sở nhiễm bệnh ra bên ngoài. Sử dụng thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm xử lý trong Danh mục được Bộ NN&PTNT ban hành và tuân thủ quy trình thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đồng bộ các giải pháp
Song song với công tác tuyên truyền, vận động, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ thú y cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; quy trình giám sát, phát hiện, báo cáo dịch kịp thời và các biện pháp xử lý không để dịch lây lan trên diện rộng. Triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh động vật.
Theo Kế hoạch thì trong năm 2023, các quận/huyện trên địa bàn thành phố sẽ tổ chức khoảng 5 - 10 lớp tập huấn, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật cho đội ngũ thú y cơ sở, các hộ chăn nuôi GSGC, thủy sản. Chi cục Chăn nuôi&Thú y chịu trách nhiệm phối hợp với UBND các địa phương bố trí giảng viên, chuẩn bị bài giảng, tài liệu chuyên môn và tham gia tổ chức, giảng bài tại các địa phương.
Và một nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm không thể không đề cập đến là công
tác tiêm vắc xin phòng bệnh GSGC. Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm cho đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút). Thời gian tiêm phòng định kỳ, đợt 1 bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6-2023. Đợt 2, từ tháng 9 đến tháng 11-2023. Số lượng vắc xin tiêm phòng định kỳ trong năm đạt gần 9,82 triệu liều.
Hàng tháng, thành phố sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm chính, gia cầm hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định.
Đáng chú ý, khi có dịch xảy ra, thành phố sẽ triển khai tiêm phòng bao vây ổ dịch tại vùng dịch uy hiếp, vùng đệm..., theo phạm vi xác định và hướng dẫn của Sở NN&PTNT.
Các mặt công tác khác như giám sát dịch bệnh GSGC, thủy sản; kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y và công tác thanh tra, kiểm tra…, sẽ được lực lượng chức năng thành phố siết chặt.
Đặc biệt, trong số các giải pháp phòng chống dịch bệnh năm 2023, tại Kế hoạch này, UBND TP đã đưa ra giải pháp xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, giao cho Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi triển khai xây dựng và tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị, địa phương
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch trên, UBND TP đã giao trách nhiệm cụ thể cho Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố; các sở, ngành, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố; UBND các quận, huyện, xã/phường/thị trấn cũng như các chủ cơ sở chăn nuôi.
Theo đó, Sở NN&PTNT là đơn vị chủ trì lập dự trù kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND TP phê duyệt, phối hợp cùng các ngành liên quan, UBND các huyện, quận tổ chức triển khai thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả về UBND TP. Mặt khác, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh động vật; xây dựng, đề xuất kế hoạch mua vắc xin, hóa chất, vật tư phục vụ công tác chống dịch khi phát sinh ổ dịch theo quy định. Phối hợp với các địa phương hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng, thanh quyết toán vắc xin, hóa chất, vật tư phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương theo đúng quy định.
UBND các huyện, quận xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, chủ động ưu tiên bố trí kinh phí tổ chức triển khai thực hiện; bố trí nguồn lực, vật tư, phương tiện để chống dịch, quỹ đất để tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch. Bố trí nguồn kinh phí thuộc trách nhiệm của huyện, quận đã nêu trong phần nguồn kinh phí triển khai công tác phòng, chống dịch…\
UBND cấp xã tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật do UBND cấp huyện ban hành theo quy định. Lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp chủ vật nuôi không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh; kiên quyết không thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho chủ vật nuôi cố tình vi phạm để dịch xảy ra, lây lan gây tác hại…
Hi vọng rằng, với Kế hoạch được xây dựng bài bản, cụ thể như trên, năm 2023, Hải Phòng sẽ phòng chống hiệu quả dịch bệnh động vật; bảo vệ an toàn cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào việc xây dựng thành công các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật.
Khánh Chi
10:28 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết