17:38 18/03/2024 Vài năm trở lại đây, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, xu thế kinh doanh trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang thực sự “lên ngôi”. Theo đó, nhân viên giao hàng (shipper) ngày càng “hot” cho dù công việc này chẳng cần tới bằng cấp, lại dễ ứng tuyển. Chỉ có điều trên thực tế, nghề shipper chất chứa không ít những nỗi niềm…
Hơn 12 giờ trưa, anh Đặng Ngọc, 45 tuổi, một shipper của Dịch vụ vận chuyển SPX Express - Chi nhánh Hải Phòng vẫn chưa hạt cơm nào vào bụng, tất bật giao hàng ở khu vực phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền). Trong lúc đứng chờ khách hàng, người đàn ông mặt đỏ gay vừa đưa tay kéo bạt che chắn thùng hàng khỏi nắng, bụi, vừa tranh thủ gọi điện hẹn người nhận tiếp theo rồi bộc bạch, nhận bưu phẩm từ đơn vị vận chuyển, anh phải ngay lập tức sắp xếp trong đầu lộ trình giao hàng phù hợp nhất để tiết kiệm thời gian và chi phí xăng xe. Tuy vậy, vẫn có những đơn hàng “vòng đi vòng lại” nhiều lần mới giao được đến tay người nhận.
Trái với cách thức giao hàng đơn giản là chỉ cần có xe máy, điện thoại, shipper đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng khác. Đơn cử như việc xử lý, ứng phó với nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” trên đường vận chuyển khi khách không thèm nghe điện thoại, huỷ hàng, trả hàng… Trải qua những tình huống như vậy, anh Ngọc dần rèn được tính nhẫn nại, ứng xử khéo léo để công việc thuận lợi hơn, cũng như không làm mất uy tín đơn vị giao hàng.
Ai cũng rõ, đặc thù chính của shipper là di chuyển nhiều cây số trên đường phố; len lỏi từng ngõ, ngách bất kể nắng gắt, mưa giông, dịch bệnh. Trong khi đó, tiền thù lao của họ lại chỉ được tính khi chuyển hàng thành công tới người đặt hàng. Để làm được nghề này, nam giới đã vất vả, phụ nữ còn khốn khó đủ điều.
Mới “gia nhập” đội ngũ shipper tự do được 3 tháng, chị Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1986, ở xã Tân Dương (huyện Thuỷ Nguyên) cho biết mình giờ đã quen với những bữa ăn vội, không có giờ giấc vì công việc hoàn toàn lệ thuộc vào thời gian khách cần. Ngày mới làm chưa có kinh nghiệm, không ít lần chị phải chịu cảnh ấm ức khi bị “bom hàng”.
Một kỷ niệm, cũng là bài học nhớ đời là lần đầu tiên đi giao trà sữa và phải ứng tiền trả trước, vì đường khá xa, nên đồ uống tới nơi đá bị tan nhiều, khách nhất quyết từ chối nhận nên chị đành phải ngậm ngùi mang về nhà. Sau đó, trước mỗi lần giao hàng, đặc biệt là đồ ăn, chị đều gọi điện báo thời gian di chuyển, dự đoán tình trạng của đồ ăn, thức uống khi giao ở điều kiện thời tiết xấu để khách hàng nắm được và xác nhận đặt hàng.
Hai ví dụ nhỏ nhưng đủ cho thấy nghề shipper thật nhọc nhằn, vất vả không như suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, vì mưu sinh công việc này vẫn có những yếu tố khiến người lao động tham gia trụ lại với nghề. Đó không chỉ là cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người mà quan trọng là mức thu nhập khá ổn định.
Được biết, với những shipper làm tự do, mỗi đơn hàng giao thành công, tuỳ vị trí xa gần sẽ được trả công 10.000 đồng - 50.000 đồng. Còn với các shipper thuộc các đơn vị giao hàng hoặc chuyển phát nhanh, trung bình một tháng sẽ có mức lương 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng nếu làm đủ thời gian với khoảng 100 đơn, 150 đơn/ngày, cộng với làm cả cuối tuần và chỉ nghỉ luân phiên 2 ngày trong tháng.
Theo anh Phạm Quang Huy, shipper của đơn vị chuyển phát nhanh J&T Express - Chi nhánh Hải Phòng, với kinh nghiệm 3 năm, thu nhập của anh gần 10 triệu đồng/ tháng. Hiện, mỗi ngày, anh làm việc từ 7 giờ 30 phút đến 18 giờ, giao khoảng 80 đơn hàng từ các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiktok shop, mạng xã hội Facebook…
Đối với anh Huy, nghề shipper đã giúp anh sau biến cố bị tai nạn lao động trước đó. Anh cho rằng, chỉ cần siêng năng và chịu khó thì nghề sẽ không phụ mình.
Tương tự, với mong muốn có thêm chi phí sinh hoạt, phụ giúp gia đình, em Ngô Đức Bảo, sinh viên Trường đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng tâm sự: “Trước đây, em từng bán quần áo, pha chế đồ uống nhưng thu nhập thấp, công việc lại gò bó. Đến với nghề shipper công nghệ, em có thể chủ động sắp xếp thời gian.
Nếu chịu khó bật ứng dụng giao hàng mình đã đăng ký, nhận đơn ship sau giờ học từ 17 giờ 30 phút đến 21 giờ, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thái độ niềm nở, em thường được khách hàng “khích lệ” bằng cách đánh giá 5 sao và phản hồi tốt trên ứng dụng giao hàng. Nhờ đó, em có thêm nhiều đơn, mỗi tháng kiếm được khoảng 6 triệu đồng”.
Theo ông Trần Ly Cơ, chuyên viên tư vấn pháp luật, Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hải Phòng, thời đại 4.0, shipper chính là “cầu nối” giữa người bán và người mua hàng trực tuyến. Trước nhu cầu của thị trường số, nhiều loại hình shipper đã ra đời như shipper thuộc các đơn vị giao hàng, chuyển phát nhanh (Shopee, Lazada, Tiktok shop, Foody, Grab, Lalamove, Ahamove…); shipper tự do trên các hội, nhóm mạng xã hội; shipper chuyên biệt của một cửa hàng nhất định.
Tuy nhiên, để gia tăng uy tín và thu hút sự lựa chọn của khách hàng, shipper và các đơn vị vận chuyển cần tích cực nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ. Cụ thể là bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, phương pháp bảo quản hàng dễ vỡ và trang bị những vật dụng vận chuyển hàng chuyên nghiệp, như túi, thùng giữ nhiệt đối với thực phẩm, vật liệu chống sốc cho hàng hoá. Khi người sử dụng dịch vụ giao hàng nhận được lợi ích và sự trải nghiệm tốt nhất thì nghề shipper sẽ có chỗ đứng bền vững và mang lại giá trị cho cuộc sống hiện đại.
Minh Khuê
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)
Trong 2 ngày, các tổ công tác CATP giúp di chuyển tài sản 133/288 hộ dân tại Nhà A7, A8 Vạn Mỹ
Công an huyện Cát Hải tiếp tế lương thực cho các hộ gia đình bị ngập lụt, cô lập do lụt