08:02 18/05/2022 Khởi động mùa du lịch hàng năm cũng là thời điểm thời tiết chuyển sang mùa hạ, trong điều kiện thị trường vận động bình thường thì du lịch cũng là chất xúc tác góp phần kích cầu tiêu thụ thực phẩm. Cũng từ nguyên nhân này, hoạt động thu gom, mua bán, vận chuyển các loại thực phẩm lạ, không rõ nguồn gốc thường gia tăng, tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn vệ sinh.
Chân gà không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng Hải Phòng phát hiện, thu giữ khi đang trong quá trình vận chuyển
Điểm danh thực phẩm “bẩn”
Theo chia sẻ của một cán bộ Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, lực lượng chức năng Hải Phòng cũng như trên địa bàn cả nước đã bắt giữ nhiều vụ thu gom, vận chuyển, kinh doanh trái phép các sản phẩm mất an toàn, hầu hết là không rõ nguồn gốc.
Trong đó, phổ biến nhất là nội tạng của lợn như lòng non, tim, dạ dày, nầm… hoặc các phần phụ của gia cầm như chân, cánh, trứng non… phục vụ nhu cầu các cơ sở chế biến thực phẩm.
Dù trong các vụ việc bị phát hiện, người vi phạm không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, nhưng theo lời khai thì thực phẩm “bẩn” dạng này chủ yếu được gom xuất sang Trung Quốc hoặc ngược lại. Trong thời gian cả hai nước triển khai mạnh mẽ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lưu thông hạn chế, tiêu thụ ảm đạm, hoạt động liên quan đến thực phẩm bẩn cũng tạm lắng.
Nhưng từ đầu năm đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động du lịch, dịch vụ ăn uống hồi sinh, cũng là lúc thực phẩm bẩn tái diễn và gia tăng.
Tại Hải Phòng, mới đây nhất vào ngày 29-4, CAQ Kiến An đã phát hiện, thu giữ 10 bao tải hàng bên trong là các thùng xốp chứa nội tạng động vật. Chủ hàng tên Nguyễn Thị Thanh H., sinh 1975, ở phường Quán Trữ, đã không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng.
Tại cơ quan Công an, bà H. thừa nhận 10 bao tải hàng hoá kể trên đều là nầm lợn chưa qua chế biến, được bà Hiền thu mua tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố. Khi gom đủ số lượng, bà Hiền tiến hành đóng gói, chuyển đến địa chỉ 602 đường Trường Chinh để gửi theo xe khách đến tỉnh Quảng Ninh tiêu thụ.
Một vụ điển hình khác trước đó được phát hiện ngày 3/12/2021 tại Hải Phòng, khi lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường – CATP, phát hiện trong xưởng lợp tôn rộng hàng trăm m2 nằm tại khu vực cánh đồng ở thôn 8 (xã Kiến Quốc, Kiến Thụy) có 2 container đông lạnh và 4 tủ cấp đông dùng để bảo quản thịt, lòng lợn.
Kết quả kiểm tra xác định 3,6 tấn thịt, xương lợn đang bảo quản cấp đông, 2,4 tấn lòng lợn đã sấy khô và 1,5 tấn lòng già lợn, được chủ cơ sở mua trôi nổi trên thị trường về sơ chế, sau đó mang đi tiêu thụ.
Đáng chú ý, các mẫu vật phẩm tại cơ sở này đã được Chi cục thú ý thành phố giám định và kết luận nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt chủ cơ sở là ông Phạm Năng U. 42,5 triệu đồng, đồng thời buộc ông U. tự tiêu hủy 7,5 tấn tang vật.
Nhìn rộng ra cả nước, một trong những vụ việc gây chú ý nhất có lẽ là ngày 15/3 vừa qua, Biên phòng Quảng Ninh phát hiện bè mảng gỗ, biển số tự vẽ 8683, có trọng tải 30 tấn lắp 2 máy tổng công suất 560Cv, do Phạm Văn B. (SN 1988, trú tại xã Vĩnh Trung, TP Móng Cái, Quảng Ninh) điều khiển.
Trên bè mảng có lượng lớn nội tạng động vật đóng trong các thùng xốp, bên ngoài bọc bao dứa với trọng lượng khoảng 20 tấn, bốc mùi hôi thối, có thùng đang trong quá trình phân huỷ. Đối tượng khai nhận vận chuyển thuê số hàng trên đưa vào Việt Nam tiêu thụ.
Cơ sở chế biến thực phẩm “bẩn” huyện Kiến Thụy bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý
Cần hơn sự vào cuộc tích cực
Liên quan đến việc chế biến tiêu thụ, theo một chủ cơ sở (xin được giấu tên) bật mí, thì các loại thực phẩm bẩn nêu trên ngoài được thu gom xuất sang Trung Quốc, một số không nhỏ được tiêu thụ ngay trong nước, thậm chí khi nhu cầu trong nước gia tăng thì còn được nhập ngược từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Do quá trình lưu cữu, thay đổi cơ chế bảo quản, thực phẩm bị hư hoai, vì vậy trước khi sử dụng đều được sơ chế “làm mới” bằng hóa chất, sau đó cung cấp cho các nhà hàng hoặc trung tâm tiệc cưới, các đám cỗ khác.
Trong đó, nầm lợn thường được cung cấp cho các nhà hàng nướng hoặc giả “nầm dê” theo nhu cầu thực khách; chân gà thì được chế biến phân phối tới các đại lý bán lẻ, quán nướng hoặc rút xương chế biến nộm cho các mâm cỗ cưới. Tương tự các loại lòng, phèo, trứng non… cũng được tiêu thụ theo cách tương tự.
Có thể nói, với vị thế cửa ngõ giao thương hàng hóa, là điểm đến du lịch nổi tiếng, Hải Phòng là một trung tâm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sử dụng thực phẩm lớn của khu vực.
Cùng với đó, sự xuất hiện của hàng chục khu công nghiệp, sử dụng lao động tập trung chính là tiền đề phát triển của mô hình ăn uống công nghiệp và dịch vụ ăn uống khác, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.
Thời gian qua các cơ quan chức năng thành phố đã thể hiện tích cực vai trò đảm bảo ATTP, góp phần không nhỏ vào công tác bình ổn thị trường, phục vụ đắc lực vào công cuộc phát triển chung. Quan trọng hơn là góp phần cải thiện hình ảnh Hải Phòng, trong bối cảnh thành phố đang thực hiện những bước đột phá trên lộ trình phát triển.
Theo một số liệu báo cáo, Hải Phòng có khoảng 24 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó khoảng 7 nghìn cơ sở sản xuất, 6 nghìn cơ sở kinh doanh, còn lại là cơ sở dịch vụ ăn uống, hầu hết là mô hình nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình hoặc kinh doanh thức ăn đường phố.
Nhìn lại thời gian qua, giữa vòng xoáy của đại dịch Covid-19, thành phố đã thành lập hàng trăm đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, với sự vào cuộc tích cực của các đơn vị thành viên như Công an, Quản lý thị trường, Chi cục ATVSTP, Chi cục thú y… Nhờ vậy, tình hình ATTP trên địa bàn khá ổn định, không có những vụ việc ngộ độc tập thể nghiêm trong như những năm trước đây.
Nhưng những vụ việc tương tự nêu trên cũng cho thấy, hoạt động vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, nhất là trong mùa du lịch đang diễn ra.
Những kết quả đạt được thời gian qua là hết sức khả quan, tuy nhiên nhiệm vụ bảo đảm ATTP là một vấn đề lớn, diễn ra trên phạm vi rộng, tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Hơn nữa, theo thông lệ hàng năm, mỗi năm đến mùa hè khi thời tiết nắng nóng, việc bảo quản thực phẩm ở khu vực chợ truyền thống gặp nhiều bất cập, trong bối cảnh mức tiêu thụ tăng cao do nhu cầu du lịch.
Thiết nghĩ trong thời gian tới, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung, công tác ATTP cần phải được tập trung tương xứng với tốc độ phát triển của thành phố, cần hơn nữa tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn và nhất là hành động quyết liệt của các cơ quan chức năng liên quan.
Hy vọng rằng, với quyết tâm cao, Hải Phòng sẽ thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo được bước chuyển căn bản, bảo đảm cho môi trường thực phẩm an toàn bền vững, vì sức khỏe cộng đồng.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết