Siết chặt kinh doanh “hàng xách tay”: Hãy là người tiêu dùng thông thái

09:46 10/11/2017

Tâm lý “sính ngoại” đã kích thích việc kinh doanh các loại hàng hóa sản xuất ở nước ngoài theo đường tiểu ngạch, gọi chung là “hàng xách tay” về bán trong thị trường trong nước ngày càng phát triển tràn lan. Tuy nhiên, hầu hết người tiêu dùng không thể biết rõ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng cũng như giá cả. Vì vậy đã có nhiều trường hợp người tiêu dùng đã phải hứng chịu những hậu quả khôn lường do những sản phẩm kém chất lượng mang lại….

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh 

“Bát nháo” hàng xách tay

Trong vai người tiêu dùng, vào 1 số cửa hàng bán rượu, mỹ phẩm, sữa, ở các tuyến đường Phan Bội Châu, Minh Khai, Quang Trung…khi tôi ngỏ ý muốn mua các sản phẩm hàng xách tay, nhanh chóng chủ cửa hàng tư vấn cho tôi đủ các loại mặt hàng mang nhãn hiệu những nước nổi tiếng trên thế giới.

Thậm chí, ngồi ở nhà với một cú click chuột máy tính tôi cũng có thể lựa chọn được rất nhiều kênh bán loại mặt hàng này trên mạng và được giao hàng tới tận nơi.

Các chủ cửa hàng đều khẳng định đây là hàng đảm bảo chất lượng do người nhà ở nước ngoài mang về, hay qua con đường du lịch, hàng không.

Tuy nhiên, đặc điểm của các mặt hàng xách tay thường mỗi nơi một giá, thậm chí chênh lệch khá nhiều so với giá thị trường. Mẫu mã thì khá phong phú nhưng chất lượng thì không có căn cứ nào đánh giá, người tiêu dùng chủ yếu chỉ sử dụng bằng “niềm tin”.

Chị Huyền Ngọc ở Điện Biên Phủ chia sẻ: Tôi thường dùng hàng xách tay vì giá cả “mềm” hơn so với hàng công ty, thậm chí còn thấp hơn hàng Việt Nam, mẫu mã lại phong phú và đẹp. Chị đơn cử như chị vừa vào cửa hàng quần áo Việt Nam chất lượng cao để chọn mua một chiếc áo sơ mi cho chồng nhưng chi không ưng cái nào, vì giá khá cao, đều từ khoảng 500 đến hơn 1 triệu đồng, mà hình thức lại không được bắt mắt. Trong khi chỉ với số tiền vài trăm nghìn đồng chị lại có thể chọn được chiếc áo xách tay nhãn hiệu Uniqlo Thái Lan rất vừa ý, lại được giao hàng miễn phí tận nơi.

Còn chị Phạm Ngân ở Tôn Đức Thắng cho biết: Do không yên tâm với mặt hàng sữa trẻ em trong nước, cho nên chị chỉ mua sữa nhãn hiệu Mỹ, Úc qua mấy người tiếp viên hàng không xách tay mang về sau mỗi chuyến đi, dù giá cả cao hơn.

Bỏ đi thì tiếc mà sử dụng thì sợ bị đánh giá là “thiếu đẳng cấp”, chị Phương Ngọc hậm hực: Qua 1 vài người quen chị có đặt mua 1 chiếc đồng hồ đeo tay thời trang mang nhãn hiệu Mỹ từ 1 trang bán hàng trên mạng trên Hà Nội với giá lên đến gần 20 triệu đồng. Chị cũng đã rất cẩn thận hỏi có cơ sở dưới Hải Phòng, được bảo hành chị mới mua. Theo lời chỉ dẫn chị đã đến cơ sở ở Hải Phòng nhưng chỉ là một căn nhà nhỏ ở trong Ngõ Lâm Tường, phố Tô Hiệu. Chị được nhận hàng ở đây. Biết rõ cơ sở, lại thấy sản phẩm rất ưng ý nên chỉ tỏ ra khá tin tưởng. Nhưng chỉ qua 1 thời gian dùng, những viên đá nhỏ trong mặt chiếc đồng hồ bị rơi ra. Chị đã gọi cho người bán hàng để bảo hành sản phẩm. Quả đúng là họ cũng nhận lại chiếc đồng hồ của chị mang đi bảo hành nhưng thực chất chỉ là ở các cửa hàng sửa đồng hồ, chứ không phải là chính hãng như lời hứa. Nên chỉ một thời gian chiếc đồng hồ của chị lại “tái phát bệnh”. Gọi điện nhiều lần với chủ cửa hàng chị chỉ nghe những hồi chuông vô vọng, còn nhân viên ở cơ sở trả lời gọn lỏn “Em chỉ là cháu cô ấy, chuyển hàng cho chị thôi, có nhận tiền của chị đâu”. Chị Ngọc chẳng biết làm sao, đành bỏ xó chiếc đồng hồ trong tủ, ngậm ngùi bỏ tiền mua bài học về hàng xách tay cho mình.

Cần siết chặt quản lý

Có thể thấy, do tâm lý sính hàng ngoại nhập của người tiêu dùng đã giải thích lý do tại sao các hình thức kinh doanh đồ xách tay đang rất phổ biến. Những "tín đồ" của hàng ngoại vẫn thường rỉ tai nhau về "thiên đường" hàng xách tay "xịn" giá rẻ trên một số con phố, trang web, facebook. Các sản phẩm xách tay được người tiêu dùng ưa chuộng thường là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, sữa trẻ em và thực phẩm chức năng.

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương Hải Phòng thì vần tồn tại tình trạng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài được bày bán xen kẽ, trà trộn, giấu giếm với hàng trong nước. Những hàng hóa thường có số lượng, quy mô nhỏ lẻ.

Thị trường hàng xách tay hiện nay ngày càng trở nên bát nháo, giá bán mỗi nơi một khác, chất lượng nguồn hàng chưa được kiểm chứng khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Người tiêu dùng cần xem sản phẩm xách tay như bất cứ sản phẩm tiêu dùng khác, việc đòi hỏi đơn vị kinh doanh cung cấp đầy đủ các thông tin của sản phẩm là điều cần thiết. Không nên vì "thương hiệu" xách tay mà tin tưởng tuyệt đối vì có nhiều sản phẩm bị làm giả dưới mác "hàng xách tay".

Vì vậy, nếu không “sành sỏi” trong việc nhận biết thật giả, người tiêu dùng rất dễ bị "sập bẫy" hàng xách tay "rởm" do các chủ cửa hàng phù phép để thành hàng "xịn", hay bị làm giả ngay từ nước ngoài.

 Nhằm siết chặt việc kinh doanh hàng xách tay, Chi cục Quản lý Thị trường đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các loại mặt hàng có xuất xứ nước ngoài.

Trong quá trình kiểm tra, nếu không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa thì bị xử lý theo quy định như hàng giả, hàng nhập lậu.

Tuy nhiên quá trình kiểm tra, kiểm soát còn nhiều khó khăn đặc biệt đối với các mặt hàng trôi nổi kinh doanh qua mạng bởi trong việc phát hiện xử lý chỉ được tiến hành khi có chứng cứ rõ ràng về dấu hiệu vi phạm của các đơn vị kinh doanh.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp hữu hiệu nhằm siết chặt quản lý ngay từ cửa khẩu, sân bay quốc tế với những mặt hàng gắn mác "xách tay" trên thị trường như hiện nay, nhất là đối với những sản phẩm liên quan sức khỏe như sữa bột trẻ em, thực phẩm chức năng...

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông