Siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

    17:48 25/07/2022

    Hiện nay, việc quảng cáo một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên không gian mạng, sàn giao dịch thương mại điện tử, ... đang có hiện tượng “thổi phồng” công dụng dưới nhiều hình thức như: sử dụng hình ảnh của các lương y, nhà thuốc gia truyền bốc thuốc chữa bệnh và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe sử dụng thư cảm ơn, các bài viết của bác sĩ, dược sĩ hoặc thông qua các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm để tặng quà và quảng cáo sản phâmr. Nguy hiểm hơn là việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như là thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm về công dụng cho người tiêu dùng, đặc biệt đối với người bệnh đang phải điều trị.

    Tràn lan quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng internet

    Theo báo cáo Cục An toàn thực phẩm, qua rà soát trên các báo, đài, website, mạng xã hội cũng như nhận được thông tin từ phóng viên, người tiêu dùng qua email của Cục phản ánh về các sản phẩm vi phạm quy định về quảng cáo có 197 trường hợp. Năm 2020, Cục đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 48 cơ sở , tổng số tiền phạt: 2,2 tỷ đồng. Năm 2021 là 28 cơ sở với hơn 1.5 tỷ đồng. Năm 2020, 2021, website Cục đã đăng 246 bài cảnh báo.

    Cục An toàn thực phẩm chuyển Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin truyền thông các website, đường link quảng cáo vi phạm để phối hợp xác định chủ thể là 375 đường link và chuyển Cục thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương 24 đường link của sàn giao dịch thương mại điện tử quảng cáo vi phạm để xem xét, xử lý theo quy định hiện hành.

    - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm vừa xử phạt  một doanh nghiệp do vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

    Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hải Phòng (Sở Y tế thành phố), hoạt động kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe chủ yếu tại các nhà thuốc, hiệu thuốc, cơ sở phân phối dược phẩm, thậm chí còn được bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị, tạp hóa. Điều đáng nói, những năm gần đây xuất hiện loại hình kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng internet và mạng xã hội, cửa hàng đồ xách tay...

    Qua rà soát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cho thấy, nhiều đơn vị, cửa hàng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm, gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo; quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…

    Việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đã được ngành Y tế, cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm soát, xử lý các vi phạm. Thực tế cho thấy, vi phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tuy nhiên có tình trạng nhiều người dân khi “mắc bẫy” quảng cáo, thiệt hại đến quyền lợi lại không báo tới cơ quan chức năng.

    Chị Vũ Thu Hiền, ở tổ 1, phường Nam Sơn (quận Kiến An) cho biết, thời tiết mùa hè trẻ em thường rất dễ ốm, mới đây chị có nghe bạn bè tư vấn và đặt mua thực phẩm chức năng trên mạng internet cho con dùng, được quảng cáo là “hàng xách tay từ Úc”, có công dụng tăng cường sức đề kháng cho cả gia đình, dù chị không biết rõ về mặt hàng này.

    Cũng như chị Hiền, chị Ngô Thị Loan (quận Lê Chân) tin tưởng vào lời mời chào quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe do một nhóm người tự xưng là bác sĩ quân đội nghỉ hưu đến khám bệnh, tư vấn sức khỏe, chị đã bỏ ra số tiền hơn 2 triệu đồng để mua 1 liệu trình với 3 lọ thuốc được quảng cáo khỏi đau lưng. Tuy nhiên, khi mang về sử dụng, chị Loan thấy không hiệu quả.

    Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Các sản phẩm này có nhiều dạng, như: viên nang, hoàn tán, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột...

    Tăng cường quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

    Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe khó khăn, số vụ việc vi phạm bị phát hiện, xử lý còn hạn chế. Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Nguyễn Văn Toản, các hình thức kinh doanh hàng xách tay, kinh doanh online, không có địa điểm cố định dẫn đến khó quản lý và xử lý vi phạm hành chính. Với không gian mạng mở như hiện nay, nhiều người dùng mạng xã hội như Facebook, Zalo... quảng cáo thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe trên mạng tràn lan, nhưng không có cơ quan nào quản lý, kiểm soát.

    Nhiều hoạt động quảng cáo, bán thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe núp bóng, kết hợp hoạt động tư vấn sức khỏe, giới thiệu sản phẩm tại địa bàn xã, phường, quận, huyện, khó quản lý, không được giám sát chặt chẽ. Trên thực tế, có một số đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ, không đủ điều kiện sản xuất nhưng thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, thuê đơn vị đủ điều kiện gia công, sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Như vậy, điều kiện sản xuất thì đạt yêu cầu nhưng không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm vì thực hiện theo đơn đặt hàng - điều này cũng gây khó trong quản lý đối với các cơ sở này...

    Để tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ngành Y tế kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15- 2018/NĐ-CP theo hướng quy định chặt chẽ điều kiện cơ sở được đăng ký công bố sản phẩm, chỉ cơ sở đủ điều kiện sản xuất (có GMP) mới được đăng ký bản công bố chất lượng thực phẩm. Việc kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe liên quan trực tiếp tới an toàn, tình mạng người sử dụng, cần quy định là loại hình kinh doanh có điều kiện để quản lý chặt chẽ hơn.

     Đồng thời, ngành Y tế thành phố đề nghị Công an thành phố, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ Sở Y tế trong công tác quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, phân định rõ và có chế tài xử lý nghiêm các nghệ sĩ, cơ quan báo chí và các trang cá nhân, mạng xã hội đăng tải, phát sóng các thực phẩm bảo vệ sức khỏe quá công dụng của sản phẩm và không nhấn mạnh “thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc”.

    Cùng với các biện pháp quản lý, cần tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tiếp nhận thông tin quảng cáo có đánh giá, chọn lọc; tích cực phản hồi với cơ quan chức năng về các biểu hiện vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông