Siêu lừa có thâm niên

14:51 19/02/2020

Sau phiên tòa xét xử, rất nhiều người đặt câu hỏi vì sao một kẻ vô công rồi nghề như Tạ Đăng Hưởng (sinh 1981, ở phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) lại có thể có tới 7 năm “thâm niên” hành nghề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 150 nạn nhân trên địa bàn tỉnh.

Nộp tiền rồi chờ vô thời hạn

Nạn nhân đầu tiên của Hưởng là anh Phạm Văn Tân, sinh 1982, ở phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả. Qua quen biết, nghe Hưởng giới thiệu là có khả năng xin việc vào làm lái xe cho các mỏ than trên địa bàn TP Cẩm Phả.

Anh Tân tin là thật nên khi có một người bạn là anh Nguyễn Đình Pho nhờ xin việc cho con trai, anh này đã nhận lời và nói lại với Hưởng. Ngày 10-4-2012, Hưởng thông báo lại là mỏ than Cao Sơn đang cần tuyển 2 lái xe, tiền xin việc là 55 triệu/ người, đặt cọc trước 15 triệu đồng, khi nào khám sức khỏe xong thì đưa nốt số tiền còn lại.

Anh Tân nói cho anh Pho biết đồng thời báo cho một người quen khác là anh Nguyễn Ngọc Thành cũng nhờ anh xin việc hộ trước đó. Sau đó, anh Tân nhận của hai người bạn này mỗi người 15 triệu đồng rồi giao lại cho Hưởng.

Đến ngày 21-5-2012, Hưởng tiếp tục gọi điện cho anh Tân, nói có thể xin cho một trường hợp nữa, yêu cầu phải nộp ngay hồ sơ và đặt cọc như trên. Tưởng thật, anh Tân lại te tái đi gặp anh Bùi Công Tuấn là người quen cũng đang muốn có việc làm.

Khi anh Tuấn đưa hồ sơ và 15 triệu đồng, anh Tân lại chuyển và yêu cầu Hưởng viết giấy nhận tiền. Ngày 29-5-2012, một lần nữa Hưởng lại báo mỏ than Cao Sơn vẫn thiếu một lái xe.

Vì quá tin tưởng vào Hưởng, anh Tân cho rằng đây là cơ hội ra tay “làm phúc” nên đặt vấn đề với người con nhận của bố mẹ mình là Nguyễn Hữu Tùng. Anh Tùng cũng đồng ý và nộp hồ sơ cùng số tiền đặt cọc.

Đến ngày 19-6-2012, Hường điện thoại báo cho anh Tân là cả 4 trường hợp anh xin việc hồ đều đã có quyết định và sẽ đi làm trong vài hôm tới. Hắn yêu cầu mỗi người phải đưa thêm 30 triệu đồng.

Thế nhưng, sau khi thu đủ số tiền trên của 4 người và hứa hẹn công việc cho họ trong 3 tháng, không thấy Hưởng xin được việc làm. Anh Tân gọi điện đòi lại hồ sơ và tiền thì Hưởng chỉ trả lại cho anh 45 triệu đồng và hẹn 5 tháng sau sẽ trả nốt.

Sau khi hết thời gian hẹn, bị anh Tân nhiều lần đòi tiền, Hưởng trả thêm 30 triệu đồng và tiếp tục viết giấy hẹn vào 30-9-2015. Sau ngày này, anh Tân lại theo Hưởng đòi lại nhưng vẫn không có kết quả mới biết mình bị hắn lừa nên buộc phải tự bỏ thêm 105 triệu đồng để trả lại các anh Pho, Thành, Tuấn và Tùng rồi đến cơ quan công an trình báo.

Đầu năm 2012, anh Đỗ Quang Hưng, ở phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả có nhu cầu xin việc cho vợ là chị Nguyễn Thị Thắm. Hưởng hẹn anh Hưng đến nhà và nói sẽ xin cho vợ anh vào làm việc ở Công ty than Quang Hang, tiền xin việc là 55 triệu đồng, đặt cọc trước 35 triệu đồng, anh Hưng đồng ý.

Ngày 1-6-2012, vợ chồng anh Hưng cầm hồ sơ xin việc làm cùng 35 triệu đồng đến giao cho Hưởng, Hưởng viết giấy nhận tiền và hẹn chị Thắm sau một tháng sẽ có quyết định đi làm.

Đến ngày 3-6-2012, Hường điện thoại cho anh Hưng, nói đã xin được việc cho chị Thắm và yêu cầu anh nộp thêm 20 triệu đồng nữa. Anh Hưng tưởng thật, đem đủ số tiền trên giao cho Hưởng và cũng nhận trái đắng.

Qua điều tra hai vụ việc trên, Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Quảng Ninh xác định: Tạ Đăng Hưởng không có nghề nghiệp ổn định, thường tham gia các hoạt động kinh doanh hàng đa cấp để kiếm sống.

Từ năm 2010, Hưởng thấy trên địa bàn thành phố Cẩm Phả và một số địa phương lân cận có nhiều người muốn xin vào các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước làm việc nên nảy ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ.

ss

Tang vật thu giữ

Để thực hiện ý đồ trên, khi tiếp xúc, chuyện trò với những người quen, Hưởng đã tự giới thiệu có thân quen một số người có uy tín, chức vụ cao, có thể xin người vào làm việc ở các mỏ hoặc các cơ quan trên địa bàn TP Cẩm Phả.

Mỗi khi có người đến nhờ xin việc, Hưởng tự định ra các mức để thu từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Sau đó, Hưởng yêu cầu họ nộp hồ sơ và tiền đặt cọc với mức từ 20 đến 30 triệu đồng.

Để tạo lòng tin, khi nhận tiện đặt cọc, Hưởng thường viết giấy nhận tiền dưới dạng giấy vay tiền hoặc giấy xác nhận số tiền rồi đưa cho họ giữ.

Lật tẩy mánh khóe của kẻ lừa đảo

Không chỉ dùng thủ đoạn xin việc làm, có lúc Hưởng còn tung chiêu lừa “chuyển công tác” như trường hợp của chị Nguyễn Thị Tuyết và chị Hoàng Thị The, cùng ở phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả.

Vào cuối tháng 4-2015, cả hai đến gặp Hưởng nêu nguyện vọng muốn chuyển công tác đến Công ty môi trường Cẩm Phả. Hưởng ra điều kiện mỗi người phải đưa 25 triệu đồng và đặt cọc trước là 10 triệu đồng.

Tin tưởng vào Hưởng, ngày 1-5-2015, chị Tuyết và chị The mỗi người đem theo hồ sơ xin chuyển công tác của mình và số tiền 10 triệu đồng đến giao cho Hưởng.

Sau đó, không thấy Hưởng thực hiện lời hứa, đã gọi điện và tìm gặp nhiều lần thì Hưởng lấy lý do tổ chức đang gặp trục trặc và cũng không trả lại tiền. Ngày 11-4-2017, khi biết mình đã “ăn” phải “cao lừa” của Hưởng, hai chị Tuyết và The đã đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh trình báo.

Đối với các trường hợp muốn xin việc làm hay chuyển công tác nhưng chưa bị mất hoặc chưa có văn bằng, chứng chỉ, Hưởng vẫn yêu cầu họ nộp thêm tiền để móc nối với các đối tượng làm giấy tờ giả để đưa các nạn nhân vào “bẫy lừa” của mình.

Điển hình là trường hợp của bà Trần Thị Hồng, ở phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả. Qua câu chuyện do quen biết, bà Hồng được Hưởng giới thiệu có khả năng xin việc làm nên đã nhờ xin cho người con dâu là chị Phan Thị Ngân Hà vào làm việc tại Công ty khoáng sản Đông Bắc.

Khi biết chị Hà làm mất bằng tốt nghiệp THPT, Hưởng nói với bà Hồng là sẽ mua bằng tốt nghiệp THPT và bằng tốt nghiệp cao đẳng cho chị Hà với điều kiện gia đình phải nộp tổng số tiền 80 triệu đồng, đặc cọc trước 30 triệu đồng.

Ngày 3-4-2017, sau khi Hưởng mua được  bằng tốt nghiệp giả, gồm: Bằng tốt nghiệp cao đẳng Trường Đại học Thương mại và Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (do Sở Giáo dục Đà Nẵng cấp) cho chị Hà như đã hứa, hắn yêu cầu bà Hồng nộp tiếp 50 triệu đồng để xin việc làm. Tuy nhiên sau đó, Hưởng không xin được việc làm cho chị Hà và khấn lần trả nợ.

Ngày 7-4-2017, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt tạm giam đối với Tạ Đăng Hưởng. Quá trình khám xét, thu giữ: một số giấy vay nợ và hẹn trả nợ, 7 bằng tốt nghiệp THPT, chứng chỉ tin học, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và 160 hồ sơ xin việc của nhiều người ở các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương khác như các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình…

Theo tài liệu điều tra, với các thủ đoạn nêu trên, trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 4-2017, Tạ Đăng Hưởng đã nhận hồ sơ xin việc của 155 người để chiếm đoạt tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng, đồng thời cấu kết với các đối tượng khác làm giả 6 bằng và chứng chỉ nghề cho những người có nhu cầu xin việc này.

Ngày 20-11-2018, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt Tạ Đăng Hưởng 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 12 năm tù.

Khắc Đoàn

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông