Sổ tay phòng cháy chữa cháy: Những kỹ năng thoát nạn khi gặp sự cố bị kẹt trong thang máy

14:16 05/07/2018

Trong cuộc sống hiện đại, thang máy được dùng làm phương tiện chính và không thể thiếu trong các tòa nhà cao tầng, chung cư, trung tâm thương mại và cả trong các hộ gia đình.

Thang máy thật sự là một cỗ máy rất tiện lợi. Tuy nhiên, nó vẫn là một loại máy móc, để có thể hoạt động tốt thì việc sản xuất, lắp đặt và vận hành đúng cách, bảo trì thường xuyên là điều cực kỳ cần thiết kèm theo đó chính là kỹ năng sử dụng thang máy của chính khách hàng.

Để đảm bảo an toàn cũng như thoát nạn thành công khi gặp sự cố bị kẹt trong thang máy, Cảnh sát PCCC thành phố hướng dẫn cho mọi người những kỹ năng cơ bản xử lý khi gặp sự cố bị kẹt trong thang máy.

Những sự cố chúng ta có thể gặp khi di chuyển bằng thang máy như:

- Thang máy đến vị trí tầng yêu cầu nhưng cửa buồng thang bị kẹt không mở ra được.

- Sự cố ngừng hoạt động: thang đang di chuyển dừng đột ngột do mất điện hay lỗi hệ thống điều khiển.

- Sự cố hệ thống điều khiển: thang máy chạy với tốc độ nhanh hơn bình thường, di chuyển ngược hướng điều khiển hoặc không dừng đúng điểm có lệnh gọi.

- Sự cố rơi tự do: do sự cố hệ thống tời thang (rất hiếm khi xảy ra).

Người sử dụng thang máy phải làm gì khi gặp những tình huống trên:

Thứ nhất: Giữ bình tĩnh.

- Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm trong lúc này là phải thật bình tĩnh. Chúng ta nên nhớ rằng có rất ít trường hợp có người chết khi bị nhốt trong thang máy và gần như chúng ta có thể thoát khỏi một cái thang máy đóng kín mà không hề bị trầy xước.

- Nếu như cảm thấy quá sợ hãi, hãy cố gắng loại khỏi đầu những sự suy diễn và lo lắng không đáng có của bạn. Thư giãn để giảm bớt nỗi sợ hãi. Giữ bình tĩnh để có thể sống sót. Trường hợp thường gặp nhất là chúng ta phải đợi cho tới khi thang máy bắt đầu hoạt động trở lại.

Thứ hai: Thử nút mở cửa.

Khi thang máy đột ngột dừng lại, chúng ta không nhất thiết phải bấm loạn xạ các nút đến các tầng khác để xem nó có di chuyển tiếp hay không. Thay vào đó, hãy thử bấm nút mở cửa. Nếu thang máy vẫn không có phản ứng thì hãy ấn chuông gọi cứu hộ hoặc kêu cứu.

Thứ ba: Chờ thiết bị cứu hộ trong thang máy

Thang máy tải khách hiện nay đều có bộ cứu hộ tự động Automatic Rescue Device (gọi tắt là ARD), tác dụng của bộ cứu hộ ARD là trong trường hợp thang máy mất điện sẽ đưa thang về tầng gần nhất để cho người bị kẹt trong thang có thể thoát ra ngoài thông qua hệ thống tích điện. Tuy nhiên trong 1 số trường hợp thì hệ thống ARD bị hỏng hóc hoặc không hoạt động thì người bị kẹt có thể nhờ sự trợ giúp bên ngoài.

Người phụ nữ gặp nạn trong thang máy được đưa đi cấp cứu.  

Thứ 4: Liên lạc với những người bên ngoài.

Khi thang máy bị lỗi, người phía trong cần bình tĩnh để liên lạc ra bên ngoài bằng điện thoại di động hoặc điện thoại trong thang máy, nếu không có hoặc điện thoại không sử dụng được, có thể tìm cách gọi to, đập vào cửa thang... để kịp thời báo hiệu ra bên ngoài.

Hãy tìm số điện thoại hotline (Người cầm số hotline là chuyên viên có kỹ thuật nên bạn hoàn toàn có thể tin tưởng và nghe theo hướng dẫn của họ) trên bảng hướng dẫn sử dụng trong thang máy và gọi điện để báo tình hình và chờ đợi người giúp đỡ.

Thứ năm: Không tự ý trèo ra ngoài cửa thoát hiểm.

Trong thời gian chờ đợi, hãy cố giữ bình tĩnh và không nên tìm cách cậy cửa. Tuyệt đối không leo ra ngoài thang máy Nguy cơ bị kẹp giữa thang máy và sàn nhà là rất cao và bạn cũng tuyệt đối không được leo ra ngoài bằng cửa thoát hiểm trên nóc cabin (trên nóc cabin có nhiều thiết bị điện cùng với nhiều dầu mỡ trơn trượt) và dù có leo ra đó được thì bạn cũng chấp nhận đứng trên đó chứ chả làm gì khác được, vậy thì đứng trong cabin an toàn hơn nhiều.

Khi cứu hộ đến thì 99,99% bạn đã được cứu, nhưng vẫn còn 0,01% nguy hiểm xảy ra nếu bạn vội vàng lao ra ngoài khi mà cứu hộ chưa hoàn toàn làm xong công việc của họ (đặc biệt là khi thang dừng giữa tầng, ngay phía ngoài cửa cabin cũng là cửa giếng thang).

Trong trường hợp thang máy rơi tự do không nên đứng hoặc nhảy lên vì có thể chạm trần ca bin gây tổn thương vùng đầu và khi tiếp xúc với sàn có thể bị gẫy chân hoặc chấn thương vùng xương chậu. Bạn hãy ngay lập tức nằm song song với sàn nhà, càng gần chính giữa thang càng tốt. Điều này sẽ giúp phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, giảm thiểu tối đa thương tích. Gối đầu lên một tay để tránh bị thương đầu, một tay che mặt để không bị các vật khác rơi lên mặt (Bất kỳ thang máy nào cũng có một bộ phận giảm sóc đặt dưới đế. Khi nằm yên trên sàn, bạn với thang máy là một khối, bạn sẽ được giảm sóc hỗ trợ).

Cuối cùng chúng ta hãy luôn nhớ thang máy dù vô cùng hiện đại nhưng nó cũng chỉ là một thiết bị máy móc, nên không có gì đảm bảo là nó sẽ hoạt động liên tục, không bao giờ hỏng hóc đột ngột. Với điện lưới như hiện nay điện có thể bị cắt bất cứ lúc nào. Luôn luôn giữ bình tĩnh và trang bị những kỹ năng xử lý tình huống khi thang máy gặp trục trặc là vô cùng cần thiết và quan trọng giúp chúng ta tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Vậy khi bị kẹt trong thang máy: Hãy bình tĩnh - cố gắng liên lạc với bên ngoài - chờ đợi sự giúp đỡ.

CẢNH SÁT PCCC THÀNH PHỐ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông