16:13 07/10/2024 Trong vài năm trở lại đây, văn học thiếu nhi thành phố Cảng đang dần lấy lại bầu không khí sôi động khi số lượng sách được xuất bản tăng lên. Nhiều giải thưởng, cuộc thi cũng đã được tổ chức nhằm khích lệ phong trào sáng tác cho trẻ em. Những tín hiệu tích cực này cho thấy, văn học thiếu nhi Hải Phòng đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Cùng với đó, các hoạt động sân khấu cũng đã nở rộ với sự ra mắt nhiều vở diễn chất lượng của các đoàn nghệ thuật như: múa rối, kịch nói phục vụ thiếu nhi thành phố. Khi trở lại sân khấu Hải Phòng, NSND Xuân Bắc đã kể câu chuyện vui anh từng mang tác phẩm về đề tài thiếu nhi dự Liên hoan sân khấu toàn quốc và được hỏi rằng sao lại mang tác phẩm thiếu nhi đi dự.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam trả lời, mặc dù là các tác phẩm được đầu tư dàn dựng công phu không kém các chương trình, vở diễn dành cho người lớn, song các vở diễn về đề tài thiếu nhi vẫn chưa được đánh giá xứng tầm. Việc có Liên hoan sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng là cần thiết để các chương trình, vở diễn có đất diễn riêng.
Là tác giả văn học quen thuộc của thiếu nhi đất Cảng, nhà thơ Hoài Khánh cho rằng, viết cho thiếu nhi sẽ thuận lợi với những ai có sở trường, có duyên với đề tài này. Viết cho thiếu nhi không chỉ là giải trí, bồi bổ tâm hồn, mà chính là hướng đến sự hoàn thiện dần nhân cách các công dân tương lai.
Đó cũng là những thách thức, khó khăn không nhỏ đối với các tác giả bởi đừng nghĩ viết gì ngồ ngộ, giản đơn là có thể viết văn cho trẻ. Người viết tác phẩm dành cho thiếu nhi hiện đã nhiều hơn, nhưng tác phẩm văn chương đến với trẻ còn những “khoảng cách” mà lớn nhất là thiếu sự đồng điệu về tâm hồn giữa người viết và bạn đọc nhỏ tuổi.
Ngoài ra, còn hiếm nơi công bố tác phẩm văn học nghệ thuật cho trẻ em, sự quan tâm đầu tư bút lực của từng tác giả còn ở mức thấp, sự chăm lo đội ngũ sáng tác văn học cho trẻ em vẫn ở mức khiêm tốn.
Nhà trường, gia đình và xã hội chưa thực sự quan tâm tôn vinh mầm non năng khiếu văn học của trẻ, xem nhẹ đội ngũ sáng tác văn học cho thiếu nhi, ít để ý tới sự phát triển nền văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi Việt Nam.
Theo các nhà quản lý, tác giả, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tác động đến yêu cầu thẩm mĩ, gu thưởng thức của thiếu nhi, các sáng tác văn học nghệ thuật thiếu nhi cũng phải có sự thay đổi, mang hơi thở đương đại. Bên cạnh xây dựng cốt truyện dựa trên những hình tượng như quả thị, mắt na, mặt trăng, mặt trời…, các tác giả hoàn toàn có thể đưa vào tác phẩm của mình yếu tố hiện đại để phù hợp thị hiếu đọc của các em ngày nay.
Ngoài ra, các tổ chức Hội cần tổ chức thêm những hội thảo, tọa đàm để nâng cao vai trò, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót, tìm ra hướng đi mới trong phát triển các tác phẩm văn học, nghệ thuật dành cho người xem nhỏ tuổi…
Là tác giả sân khấu quen thuộc về đề tài thiếu nhi, NSƯT Đỗ Thế Ban, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng vừa hoàn thành kịch bản múa rối với mảng đề tài này, mang tên “Bài học đáng nhớ”. NSƯT cho biết: "Qua câu chuyện dí dỏm, đáng yêu của các nhân vật: Cô giáo Sóc, các bạn học Thỏ trắng, Thỏ nâu, chú Khỉ, Sói già, Rùa, Gấu, Cây rừng…, tác giả muốn nhắn nhủ các bạn nhỏ cần biết thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống, biết vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo và trí thông minh, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau...
Với thủ pháp nhân cách hóa các nhân vật là các con thú trong rừng; lời thoại nhân vật ngắn gọn, dễ nhớ; tính giáo dục cao và giải trí nhẹ nhàng, kịch bản tạo "đất diễn" để các nghệ sĩ, diễn viên sáng tạo thành “câu chuyện cổ tích” phù hợp lứa tuổi trẻ thơ".
Trở lại với đề tài văn học thiếu nhi, rất đáng khen nhà thơ Hoài Khánh vừa ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi tập thơ “Địu chữ qua Cổng trời”, tuyển tập “Đồng hồ báo thức” và 11 bài thơ được chọn in trong các bộ sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Hiện, ngày càng có nhiều tác giả Hải Phòng quan tâm hơn tới mảng sáng tác văn học dành cho thiếu nhi. Ngoài các tên tuổi quen thuộc với bạn đọc, như các nhà thơ: Hoài Khánh, Vũ Trọng Thái, Nguyễn Hồng Văn, Lê Phương Liên, Lê Việt Hùng, Bùi Thu Hằng; tác giả sân khấu NSND Xuân Thấm, NSƯT Đỗ Thế Ban…, van học - nghệ thuật cho thiếu nhi thành phố liên tục được bổ sung bằng đội ngũ sáng tác trẻ.
Mới đây, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2024 công bố 8 giải thưởng, trong đó vinh danh 2 tác giả Hải Phòng. Đó là, họa sĩ truyện tranh Linh Rab (Nguyễn Thế Linh - người Hải Phòng) với bộ truyện tranh “Cuộc phiêu lưu của Dế Út” và nhà văn May (tên thật là Nguyễn Hồng Phượng, sinh sống, làm việc tại quận Hải An) với chùm sách thiếu nhi trong bộ sách “Vun đắp tâm hồn” (NXB Kim Đồng).
Nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) nhận định, tìm được sự đồng cảm với thiếu nhi, nhất là trong bối cảnh hiện nay không phải là chuyện dễ. Sự phát triển của công nghệ khiến các em được tiếp cận với nhiều luồng thông tin, nhiều yếu tố tác động đến gu thưởng thức.
Điều này buộc văn học viết cho lứa tuổi này cũng phải có sự thay đổi, mang hơi thở đương đại. Nhà văn cho rằng, bên cạnh xây dựng cốt truyện dựa trên những hình tượng như quả thị, mắt na, mặt trăng, mặt trời… các tác giả hoàn toàn có thể đưa vào tác phẩm của mình yếu tố hiện đại để phù hợp với thị hiếu đọc của các em ngày nay.
VŨ DUYÊN
22:34 19/12/2024
02:19 19/12/2024
02:17 19/12/2024
19:52 18/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết