15:58 07/01/2025 Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6, còn thời gian đăng ký xét tuyển đại học sẽ bắt đầu từ giữa tháng 7. Tuy nhiên, khi học kỳ 1 năm học 2024-2025 gần kết thúc, phần lớn các trường đại học vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh cụ thể, đặc biệt là các tổ hợp xét tuyển. Điều này khiến nhiều học sinh loay hoay, gặp khó khăn trong định hướng ôn tập và lựa chọn môn thi, bảo đảm khả năng trúng tuyển.
Đối diện thách thức
Năm học 2024-2025 đang bước vào giai đoạn nước rút của học kỳ 1. Thời điểm này, học sinh lớp 12 dồn toàn lực để vừa hoàn thành chương trình THPT, vừa chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Hiện, phần lớn các trường Đại học trên địa bàn cả nước vẫn giữ ổn định các phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025. Song, Đề án tuyển sinh năm 2025 chi tiết chưa công bố.
Theo chia sẻ của nhiều học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố, năm 2025 là năm đầu tiên các em thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới với nhiều thay đổi. Ngoài hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, các em đã chọn 2 môn thi trong số các môn học lựa chọn ở lớp 12 để ôn tập kỹ lưỡng hơn, nhưng không biết các môn đó có trùng với tổ hợp trong Đề án tuyển sinh của trường đại học mà các em muốn đăng ký xét tuyển hay không. Mặt khác, học sinh lớp 12 lo ngại, việc chỉ phải thi tốt nghiệp 4 môn có thể giảm áp lực, nhưng lại kéo theo số lượng tổ hợp xét tuyển đại học giảm, làm ảnh hưởng đến cơ hội tham gia xét tuyển.
Em Nguyễn Phương Anh, ở phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền) chia sẻ: Bên cạnh việc ôn tập kiến thức theo hướng dẫn của cô giáo, em cũng chuẩn bị một số phương án dự phòng như học thêm để thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và đăng ký tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức nhằm tăng cơ hội trúng tuyển đại học năm 2025.
Một trong những thay đổi lớn của kỳ tuyển sinh năm 2025 là việc giảm số môn thi tốt nghiệp còn 4 môn, trong đó 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Số lượng tổ hợp xét tuyển dự báo sẽ giảm đáng kể. Bởi vậy, các trường đại học nên sớm công bố thông tin tổ hợp xét tuyển để học sinh có sự chuẩn bị phù hợp, đưa ra định hướng rõ ràng.
Những điểm mới cần lưu ý
Năm 2025, khi các trường đại học xét tuyển dựa trên học bạ sẽ phải sử dụng kết quả cả năm học lớp 12, thay vì chỉ tính điểm 5 học kỳ như trước. Điều này đòi hỏi học sinh phải duy trì “phong độ”, ý thức học tập tốt trong cả năm học cuối cấp, cũng như hạn chế việc học sinh chểnh mảng, học lệch. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định tổ hợp xét tuyển phải bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với chương trình đào tạo, trong đó bắt buộc có môn Toán và Ngữ văn. Quy định này được xem là định hướng căn bản để học sinh yên tâm ôn tập theo tổ hợp đã chọn.
Trên cơ sở đó, các nhà trường đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ học sinh trong việc nắm bắt thông tin và định hướng ôn tập. Các giáo viên được khuyến khích tổ chức các buổi tư vấn chuyên sâu, giúp học sinh hiểu rõ những thay đổi và lựa chọn tổ hợp phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân.
Kỳ tuyển sinh đại học 2025 là cột mốc quan trọng, đánh dấu những thay đổi lớn trong giáo dục phổ thông. Việc công bố Đề án tuyển sinh đại học sẽ giúp học sinh chủ động, tự tin hơn trong hành trình chinh phục cánh cửa đại học. Do đó, để giảm bớt áp lực cho cả thầy và trò, các trường đại học cần sớm công bố đề án tuyển sinh, cũng như phối hợp chặt chẽ với các trường THPT triển khai công tác tư vấn, giải đáp những khúc mắc để học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất.
LINH ANH
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh