Sống như “lính” đảo Ngọc

15:39 16/11/2013

Mỗi lần tiếp xúc với cán bộ, chiến sỹ Công an Cát Hải, tôi thấy ở các anh toát lên vẻ mộc mạc, thân thiện, đậm nét tính cách của người dân miền biển. Nói như đại tá Bùi Văn Sơn, Trưởng CAH Cát Hải thì cư dân đảo tốt lắm, dù nghèo về kinh tế nhưng lại rất giàu tình cảm, sống chân tình, không giả tạo. Nhân dân ở đây coi công an như người thân trong nhà nên hết lòng giúp đỡ anh em hoàn thành nhiệm vụ. Thế nên chúng tôi, những người công an từ nhân dân mà ra nguyện làm những người lính bảo vệ sự bình yên của nhân dân đảo Ngọc…

1. Tới thăm Trạm Cảnh sát Bến Gót vào một ngày sau cơn bão số 14 đổ bộ, nét mệt nhọc, bơ phờ còn hiện trên gương mặt của cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Họ vừa phải cùng dân thức trắng đêm để đối phó với “siêu bão” Haiyan. Thiếu tá, Trưởng trạm Nguyễn Văn Đạt cho biết, từ trưa mùng 10-11, người dân Cát Hải bắt đầu chứng kiến những trận mưa lớn kèm theo gió cấp 8, cấp 9. Đến đêm 11-11 thì mưa trút xuống xối xả kèm nước biển xâm nhập khiến nhiều tuyến đường và nhà dân bị ngập. Càng về khuya gió càng mạnh hơn, cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, làm không ít ngôi nhà chao đảo, tốc mái, hư hỏng nặng.

Rất may là không có tổn thất về người do trước đó các địa phương có sự giúp sức của quân đội và công an đã tổ chức sơ tán tại chỗ 971 người tại các xã, thị trấn ở các khu vực xung yếu trên đảo Cát Hải tới trường học, trụ sở các cơ quan, đơn vị và nhà kiên cố để đảm bảo an toàn về tính mạng...

Lo cho dân đến được nơi an toàn, các chiến sỹ công an của trạm còn phải phân công nhau trực bảo vệ tài sản của nhân dân, đề phòng kẻ xấu lợi dụng trộm cắp. Thế nên, cứ vào mùa mưa bão, lực lượng công an càng thêm bận rộn hơn. Thiếu tá Đạt còn bảo, 4 xã mà trạm phụ trách đều giáp biển và năm nào cũng vậy, cứ những lúc thời tiết xấu anh em lại lo cho nhân dân đến thắt ruột. Ngay từ đầu mùa mưa bão, chủ tịch các xã đã mời công an trạm cùng chính quyền khảo sát lại đê kè và xây dựng phương án phòng chống lụt bão. Nhiều năm rồi, 2 xã Hoàng Châu và Văn Phong thường phải di dân cả thôn về nơi an toàn khi có dự báo bão lớn tràn về.

                       

                                 Cảnh sát giao thông Cát Hải làm nhiệm vụ

Vào thời điểm ấy, trạm phải huy động 100% quân số xuống từng nhà dân vận động, hỗ trợ các gia đình di dời an toàn. Công việc tưởng chừng đơn giản song vất vả hơn bất cứ công việc nào khác. Không có công an, nhiều gia đình không chịu đi vì chỉ trong ít ngày di chuyển sẽ làm đảo lộn cuộc sống của họ. Công an trạm lại phải giải thích cho các gia đình là hãy coi trọng sinh mạng con người. Các gia đình thấy chiến sỹ công an sáng, trưa, chiều, tối đến từng nhà dân động viên, giúp thu xếp đồ đạc thì cảm động và đều nghe theo các cán bộ chiến sỹ công an.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều năm qua, địa bàn Trạm Bến Gót phụ trách không có điểm nóng phức tạp, không có khiếu kiện vượt cấp. Những va chạm nhỏ trong nhân dân tại các khu dân cư đều được địa phương và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tại chỗ. Vai trò CBCS công an được thể hiện rõ nét là ngày ngày có mặt tại địa bàn vận động tuyên truyền pháp luật đến mọi nhà. Vì thế hình bóng của các chiến sỹ công an luôn gắn chặt với cuộc sống thường nhật của nhân dân trong vùng. Mật thiết đến độ như thiếu tá Tạ Văn Tuệ (phụ trách 2 xã Đồng Bài, Nghĩa Lộ), hay thiếu tá Đoàn Văn Động (phụ trách xã Văn Phong và Hoàng Châu) thường nói, việc gì khi chính quyền giải quyết cho nhân dân mà có mặt các chiến sỹ công an phụ trách địa bàn thì mọi người mới tự tin chấp hành.

Cũng với sự tin tưởng của nhân dân, năm nào quần chúng cũng phát giác thêm các đối tượng nghiện ma túy để công an lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Có những chuyện rất cảm động cũng từ phương châm sống tất cả vì nhân dân, mọi chuyện to nhỏ xảy ra ở đâu, trong gia đình nào khi được nhân dân báo là anh em huy động lực lượng làm rõ trong thời gian sớm nhất để người dân yên tâm.

Chẳng hạn như chuyện xảy ra năm 2011, bà Đoàn Thị Nhiều, hơn 61 tuổi, ở xã Văn Phong, sống độc thân. Tuổi già, sức yếu, cuộc sống lại quá khó khăn nên bà phải đi làm thêm cho một công ty nước mắm với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Cả năm bà mới dành dụm được 3,6 triệu đồng giắt lưng phòng khi đau yếu, thế mà kẻ gian rình rập đột nhập lấy cắp sạch toàn bộ số tiền của bà. Bà Nhiều liền đến Trạm Bến Gót trình báo với các chiến sỹ công an. Chỉ huy trạm đã trực tiếp cùng cán bộ phụ trách địa bàn xuống tìm hiểu, điều tra, truy xét khẩn cấp đối tượng trộm cắp. Và công an trạm đã làm rõ 2 đối tượng trong thôn là Nguyễn Văn Định và Đỗ Mạnh Doanh, cùng sinh năm 1988, đã trộm cắp tiền của bà Nhiều. Các chiến sỹ thu lại tiền trả lại cho bà và lập hồ sơ đối tượng chuyển lên công an huyện xử lý theo pháp luật. Cho đến tận bây giờ, hễ có việc gì đi qua công an trạm là bà Nhiều lại ghé vào thăm các CBCS. Bà bảo, việc công an giúp bà tìm ra kẻ gian, ơn này bà mang theo suốt cuộc đời.

2. Khó có thể nói hết “chất” lính của lực lượng Công an huyện Cát Hải. Họ không chỉ thân thiện trong cách sống và hết mình vì cuộc sống thường ngày của nhân dân mà còn rất giỏi trong chuyên môn, nghiệp vụ, nhất công tác phá án. Tính từ 15-11-2012 đến 15-10-2013, Công an huyện Cát Hải đã phá 25/25 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 100%; phá chuyên án 313TN (đấu tranh với một nhóm đối tượng tàng trữ và mua bán trái phép vật liệu nổ, bắt và khởi tố 3 bị can); phá chuyên án 313TT (triệt phá ổ nhóm đối tượng trộm cắp tài sản, bắt 8 đối tượng...).

Đáng nói là tất cả các vụ phạm pháp đều được phát hiện kịp thời và điều tra khám phá trong thời gian ngắn. Để có thể làm được điều đó, CBCS công an huyện đã phải làm việc hết mình dù gặp không ít gian nan. Theo Phó trưởng Công an huyện Cát Hải, thiếu tá Vũ Xuân Bảo thì có vụ án, các lực lượng phải tận tâm, tận lực kéo dài hàng tuần, mất ăn, mất ngủ để điều tra tận gốc các đối tượng, làm rõ vụ án đưa ra xử lý trước pháp luật. Ngay cả lãnh đạo công an huyện chỉ huy phá từng vụ án, có thời điểm không biết đến ngày nghỉ là gì, cán bộ điều tra thì suốt ngày trên đường “công cán” xác minh truy lùng đối tượng. Đặc biệt, do quân số còn thiếu so với yêu cầu nhưng ai cũng sẵn sàng làm thêm ca, thêm giờ cho sớm hoàn thành nhiệm vụ. Lại có chuyện đối tượng thuộc diện rắn mặt từ nội thành ra đảo hoạt động phạm pháp, đã không khai báo tạm trú còn “nắn gân” cả cán bộ công an.

Trước thái độ kiên quyết, mưu trí trong đấu tranh, đến khi bị bắt đối tượng mới chịu khuất phục các chiến sỹ công an huyện đảo. Ví dụ vụ đấu tranh với đôi vợ chồng hờ trộm cắp tài sản tại các nhà nghỉ, khách sạn ở Cát Bà, lực lượng công an phải sử dụng sự khôn khéo các biện pháp nghiệp vụ mới bóc mẽ được hành vi của đối tượng. Vào 15h30’ ngày 27-6-2013, Huyền và Hùng bế bé Tùng đến khách sạn Nam Phương, tổ 17, thị trấn Cát Bà và thuê phòng 401 đợi thời cơ. Ít phút sau, lợi dụng khách nghỉ tại phòng 402 đi tắm biển, Hùng đã sử dụng một đoạn dây thép cứng mở cửa lẻn vào phòng trộm cắp 13,5 triệu đồng của ông T., ở Long Biên, Hà Nội. Cuỗm được tiền, Huyền, Hùng lấy lý do có việc đột xuất để trả phòng rồi nhanh chóng chuồn khỏi khách sạn Nam Phương.

Sau đó một ngày, cũng vào 15h30’, cặp “vợ chồng” này lại đến thuê phòng 401 khách sạn Thanh Duy, tổ 17, thị trấn Cát Bà nghỉ với mục đích rình mò để trộm cắp tài sản. Khi phát hiện thấy khách nghỉ phòng 503 đi tắm biển, Hùng liền tiếp tục sử dụng đoạn dây thép cứng mở cửa phòng rồi lục soát trong 3 ví của phụ nữ lấy được khoảng 7 triệu đồng và 1 CMND mang tên Cao Kim Loan (sau này Huyền đã sử dụng CMND mang tên Cao Kim Loan nhưng thay ảnh của mình vào). Và cũng như lần trước, Hùng và Huyền đã tìm cách cao chạy xa bay mà không để lại manh mối gì.

Song rốt cuộc thì hành vi của cặp vợ chồng hờ Huyền và Hùng cũng bị Công an huyện Cát Hải lật tẩy. Ngày 12-7-2013, cơ quan cảnh sát điều tra CAH Cát Hải đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Đào Thanh Huyền và Nguyễn Hữu Hùng về tội trộm cắp tài sản. Thu giữ trên người của 2 đối tượng này 40 triệu đồng tiền mặt, nhiều ngoại tệ có mệnh giá khác nhau, 4 điện thoại di động và 11 chiếc nhẫn màu vàng, 1 chiếc đồng hồ đeo tay…

Đại tá Bùi Văn Sơn, Trưởng CAH Cát Hải cho biết thêm, mới năm kia, khi công an huyện bước vào vận động thực hiện đề án “xây dựng xã, thị trấn không tệ nạn ma túy”, chiến sỹ địa bàn đã đến từng thôn xóm, từng nhà vận động đăng ký các tiêu chuẩn “giữ gia đình sạch tệ nạn”. 6 tháng sau  đó đã có 4 xã, 2 khu dân cư qua khảo sát được công nhận là địa bàn trắng về ma túy. Dù vậy, đây là cuộc vận động lâu dài mới có thể khẳng định tệ nạn xã hội khó xâm nhập vào cuộc sống nhân dân huyện đảo. Công việc đó chắc hẳn CBCS công an huyện sẽ còn phải đối diện với cuộc chiến đầy gian nan, thử thách.



ĐỨC TÙNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông