Tác phẩm tham dự cuộc thi Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng năm 2023: Tuổi trẻ với sứ mệnh đấu tranh làm thất bại mưu đồ "Diễn biến hòa bình trên không gian mạng”

19:07 26/09/2023

KỲ 2: “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” – ÂM MƯU THÂM ĐỘC CỦA THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Ảnh minh hoạ (nguồn Internet)

“Diễn biến hòa bình” được coi là chiến lược mới đầy thâm hiểm của các thế lực thù địch nhằm lật đổ thể chế chính trị độc lập, tự do, tiến lên CNXH do Đảng ta lãnh đạo; nhấn chìm những thành quả cách mạng, đưa nước ta từng bước chuyển hóa vào quỹ đạo TBCN bằng biện pháp phi vũ trang. Trong đó, không gian mạng là chiến địa hàng đầu của chúng với những thủ đoạn cực kỳ tinh vi, xảo quyệt, không chỉ tác động về tư tưởng, lý luận đơn thuần mà là sự kết hợp với tiến công chính trị, kích động tâm lý dân tộc hẹp hòi, tư tưởng cực đoan nhằm làm tan rã khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến tới vô hiệu hóa Đảng và bộ máy Nhà nước như tại Đông Âu trước đây. Chính vì vậy, việc nhận diện rõ những âm mưu chống phá của kẻ thù là vô cùng cần thiết trong chiến lược bảo vệ nền an ninh của Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình hiện nay.

MƯU THÂM VÀ NHỮNG “CHIÊU THỨC” PHỔ BIẾN

Thực tiễn cho thấy, “chiêu thức” phổ biến mà các thế lực thù địch đã và đang dùng đó là triệt để lợi dụng mạng xã hội nhắm vào ANQG của ta, đặc biệt là reo rắc, tán phát các thông tin xấu độc, cùng với đó là kích hoạt các loại hình dịch vụ, các tiện ích của không gian mạng để nhằm tấn công, xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc qua các hình thức sử dụng trình duyệt website, mạng xã hội, mạng viễn thông,…

Và như đã nói, trục xuyên suốt của những hoạt động chống phá này khác với trước đây và được các thế lực thù địch thực hiện qua một sách lược “mềm” với “chiêu thức” có tên gọi: “Diễn biến hòa bình”. Thông thường, mưu đồ chống phá nói trên chủ yếu xoay quanh các vấn đề cơ bản sau:

Trước hết là xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ đó lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối gây mất ổn định ANCT, TTATXH trong nước. Đặc biệt những năm gần đây, mục tiêu chống phá nền độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam là mục tiêu chính xuyên suốt của các thế lực phản động, thù địch với hàng chục nghìn tài khoản trên Facebook, Youtube và các website, blog tấn công, xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo; tung tin, cắt ghép, pha trộn thật - giả, bịa đặt, vu khống trắng trợn đời tư, quan hệ gia đình, sức khoẻ, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhằm chia rẽ nội bộ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Khai thác, khoét sâu các vụ việc phức tạp về ANTT, nhất là sai phạm của một số cán bộ có chức quyền đã bị xử lý để làm xói mòn uy tín của Đảng, Nhà nước ta đồng thời truyền bá tư tưởng cực đoan, bạo lực, kích động người dân biểu tình. Đặc biệt từ bên ngoài, các tổ chức phản động lưu vong, bọn cơ hội chính trị tìm mọi cách móc nối chỉ đạo cơ sở trong nước tiếp cận các điểm nóng, quay phim chụp hình, “livestream” tán phát lên không gian mạng theo hình thức truyền tin trực tiếp tại hiện trường.

Sử dụng không gian mạng để liên kết, phát triển lực lượng chống phá cách mạng trong nước; đào tạo, huấn luyện, hình thành và công khai hóa các hội, nhóm “xã hội dân sự” để chống ta gồm các nhóm Facebook, Fanpage núp bóng dưới nhiều hình thức “công khai, kín và bí mật” giữa các đối tượng có cùng quan điểm chống đối, bất mãn với các tổ chức phản động.

Ảnh minh hoạ (nguồn Internet)

Với mô hình này, các đối tượng dễ dàng lôi kéo, kết nối để đăng tải, tán phát, bình luận nhiều thông tin, bài viết, hình ảnh có nội dung công kích, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo đặc biệt là các thông tin phá rối nội bộ và kích động biểu tình. Nói tóm lại, tất cả các “chiêu trò” trên đều nằm trong mưu đồ hủy hoại niềm tin gây hoang mang, hoài nghi về mục tiêu và con đường đi lên CNXH của đất nước ta.

Một điều nữa cần được nhận diện là quá trình chống phá ta trên không gian mạng, các đối tượng xấu đều sử dụng thủ đoạn ẩn danh, sử dụng các phần mềm bảo mật để che giấu thông tin. Phổ biến nhất là chúng dùng các “nickname” để tạo dựng, điều hành các Fanpage, tham gia diễn đàn, lập Facebook tán phát lên mạng.

Đồng thời, đám này luôn nặc danh trong giao tiếp online sử dụng các chương trình điều khiển máy tính từ xa (phổ biến nhất là phần mềm Teamviewer) cũng như thường xuyên sử dụng các ứng dụng OTT bảo mật cao như: Skype, Viber, Wechat, WhatsApp, iMessage, Facetime, Zalo,…để tán phát thông tin, tài liệu.

Đây là những ứng dụng rất khó kiểm soát song lại cung cấp tiện ích như nhắn tin, gọi điện, gọi hình ảnh, video trực tiếp thông qua không gian mạng và liên kết khá rộng với các mạng xã hội khác. Chưa kể, các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn để che giấu địa chỉ IP và các dấu vết đường truyền như sử dụng kỹ thuật giả mạo IP, dịch vụ máy chủ trung gian để liên lạc, soạn thảo, tán phát các bài viết, hình ảnh, tin tức xấu, độc nhằm tránh lộ thông tin cá nhân và đối phó với lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, không gian mạng còn cho phép các đối tượng có thể trong cùng một thời điểm tán phát được một lượng lớn các nội dung chống phá, thù địch đến đông đảo người dùng Internet. Được lan truyền qua các cơ chế “like”, “share”, các thông tin này lan tỏa với tốc độ “chóng mặt” hơn bất kì loại hình dịch vụ nào trên mạng. Nếu kẻ xấu sử dụng dịch vụ này để kích động, biểu tình, phá rối an ninh gây bạo loạn có thể cho phép chúng trong thời gian ngắn rất nhanh chóng tập hợp được lực lượng, thực hiện các kịch bản “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”…

THANH NIÊN TRƯỚC KẾ ĐỘC “NHUỐM ĐEN” CỦA THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Về mặt đối tượng tấn công, lực lượng thanh niên hiện được coi là một trong những mục tiêu, đặc biệt được nhắm tới trong chiến lược “diễn biến hòa bình”của các thế lực thù địch.

Tại Việt Nam, lớp trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 30 chiếm khoảng 30% dân số, có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng tiếp cận với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhu cầu, khả năng sử dụng Internet trong họ ngày càng tăng cao và phổ biến. Hầu như bạn trẻ nào cũng có khả năng giao tiếp tốt với các nền tảng mạng xã hội.

Thanh niên - Trọng điểm tấn công của các thế lực thù địch trên không gian mạng (Ảnh minh hoạ nguồn Internet)

Thanh niên khi được dìu dắt, tập hợp dễ kết thành một khối thống nhất với sức mạnh nội lực không ngờ tới. Hơn nữa, đây là những chủ nhân tương lai của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm do còn thiếu kinh nghiệm sống nên thanh niên cũng dễ bị lôi kéo, kích động, dễ có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã đầu đời. Những đặc thù đó chính là cơ hội để các thế lực thù địch coi đây là đối tượng chủ yếu để biến họ thành công cụ chống phá chính Tổ quốc mình.

Nhắm tới thanh niên, rất dễ để nhận thấy chúng tập trung xây dựng, biên tập các nội dung, hình ảnh bắt mắt, các video lừa phỉnh nói xấu Đảng, Nhà nước phát tán chủ yếu trên Facebook nhằm mê hoặc, dụ dỗ, lôi kéo những thanh niên chậm tiến, với nền tảng chính trị chưa vững. Nguy hiểm hơn, gần đây, chúng còn qua các hoạt động “diễn đàn”, “hỗ trợ nhân đạo”, “tham quan”, “du lịch”, “hội nghị”, “đào tạo”,... cùng các “mồi nhử” kinh tế khác để tuyên truyền, phát tán các tài liệu, luận điệu phản động.

Mặt khác, không thể phủ nhận trong xã hội hiện nay vẫn còn một bộ phận Đoàn viên, thanh niên sống thực dụng, chưa có chí hướng rõ ràng, ngại khó, lười lao động và phai mờ niềm tin, lý tưởng cách mạng.

Cũng không thể phủ nhận còn tồn tại biểu hiện “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” ở một bộ phận Đoàn viên, thanh niên xuất phát từ tác động của nền kinh tế thị trường, sự bùng phát của lối sống thực dụng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục cùng sự chống phá của các thế lực phản động quốc tế trong âm mưu “diễn biến hòa bình” đã tác động không nhỏ đến đời sống đạo đức công dân, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của lớp thanh niên trí thức. Hậu quả là đã có một bộ phận mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội, sa vào các tệ nạn xã hội và trở thành “con mồi” cho kẻ xấu. Chưa kể, vin vào biểu hiện đó, các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng cố tình quy chụp, đánh đồng hiện tượng thành bản chất, bịa đặt những điều không có thực. 

Một minh chứng đầu tháng 3/2023, khi tổ chức Đoàn các cấp trong cả nước đang thi đua chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2023), đồng thời hưởng ứng Tháng thanh niên năm 2023, lợi dụng sự tập trung theo dõi của giới trẻ đối với các hoạt động truyền thông về Đoàn, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã ngụy tạo gây nhiễu thông tin, nội công ngoại kích, lèo lái dư luận theo ý đồ, kịch bản chống phá được vạch sẵn.

Một sự quy chụp hết sức kệch cỡm khi chúng ngụy biện cho rằng, Đoàn chỉ là cái vỏ bọc hình thức, không còn phù hợp với tuổi trẻ thời hội nhập quốc tế. Từ luận điệu xuyên tạc ấy, trên cơ sở “dẫn chứng” và cổ xúy một vài thanh niên có lối sống lệch lạc, vi phạm pháp luật, chúng lồng ghép thông tin, bình luận, ngụy biện nhằm phủ nhận vai trò của Đoàn đối với thanh niên, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với Đoàn nói riêng và với đất nước nói chung. Bằng các hình thức tọa đàm, phỏng vấn, lấy ý kiến người trẻ, chúng sắp xếp sẵn những đối tượng thanh niên là người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước ta để gieo rắc, truyền tải tư tưởng phản động; đòi xóa bỏ Huy hiệu Đoàn, kêu gọi tuổi trẻ tẩy chay tổ chức Đoàn và các phong trào hành động cách mạng, các chương trình đồng hành cùng thanh niên.

Nguy hiểm hơn, từ việc phủ định thành quả của Đoàn, qua không gian mạng, các đối tượng thù địch còn kêu gọi thanh niên, trí thức trẻ đi theo trào lưu “cấp tiến”, tư tưởng “tự do”, “dân chủ”; tung hô những người trẻ lầm đường lạc lối là những “anh hùng”. Nhiều trang thông tin hải ngoại phát tiếng Việt gọi những đối tượng này bằng những danh xưng ngoa ngôn như “nhà hoạt động dân chủ”, “nhà đấu tranh nhân quyền”, “nhà phản biện xã hội”,... cũng như cổ xúy trào lưu tự do ngôn luận vô lối để “phản biện”, lôi kéo thanh niên rời Đoàn, bỏ Đảng. 

Đón trước những hoạt động, sự kiện chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thời gian qua, một số đối tượng núp bóng tổ chức phi chính phủ, lợi dụng các hoạt động từ thiện để tập hợp, lôi kéo thanh niên Việt Nam tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài nhằm “tẩy não”, gieo rắc tư tưởng cực đoan, chống đối Đảng, Nhà nước. Rất dễ nhận thấy, lợi dụng chiêu thức “té nước theo mưa”, chiến dịch công kích, chống phá của các thế lực thù địch hiện nay đang chĩa mũi nhọn vào thanh niên, vào tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhằm băng hoại lực lượng dự bị hùng hậu này của Cách mạng.

Đoàn Thanh niên CATP triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả

Chiến lược, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm “tẩy não” giới trẻ Việt Nam đã và đang được điều chỉnh, thay đổi ngày càng tinh vi nhằm chuyển hóa tư tưởng, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở những chủ nhân tương lai của đất nước. Thực tế đó đòi hỏi tổ chức đoàn nói chung, mỗi đoàn viên, thanh niên nói riêng phải tỉnh táo để tránh rơi vào “bẫy suy thoái” được giăng sẵn bởi các phần tử cơ hội. Tuy nhiên, thực tiễn đã khẳng định một bộ phận thanh niên phai nhạt lý tưởng, có lối sống lệch lạc chỉ là vết chấm nhỏ trầm mặc trong bức tranh tổng thể rực sáng tinh thần tận hiến của tuổi trẻ đối với non sông, đất nước.

Chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng là nhiệm vụ vô cùng trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay. Ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ cương lĩnh Chính trị, đường lối lãnh đạo của của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch là nhiệm vụ trọng yếu, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Có thể thấy, sau gần 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị và hơn 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trận chiến chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng của toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với những dấu ấn nổi bật; biện pháp, nội dung đấu tranh ngày càng kịp thời, sắc sảo, thuyết phục, có trọng tâm, trọng điểm; gắn kết chặt chẽ giữa “xây”và “chống”. Thành tựu đó có sự đóng góp vô cùng to lớn của tuổi trẻ cả nước, trong đó Đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích, đi đầu.

(Còn tiếp)

Hoàng Đức – Bảo Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông