Tái khởi động, khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 (Kỳ 2): Tin tưởng, lạc quan chiến thắng trên trận tuyến mới

16:20 21/05/2020

Sau những tháng đầu năm đầy khó khăn, thách thức, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam thêm một lần ngẩng cao đầu với thế giới khi bước đầu cơ bản khống chế dịch Covid-19 thành công.

Sản xuất đồ chơi xuất khẩu tại Công ty Vĩnh Chân (Hải Phòng)

Tuy nhiên như đã nói ở kỳ trước, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến tổng thể nền kinh tế, đòi hỏi chúng ta phải có những điều chỉnh lớn cả về chính sách vĩ mô và kiến trúc vi mô. Chính vì vậy, như cách nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là lúc chúng ta cần mở mặt trận thứ hai, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.

Trở lại với Hội nghị của Thủ tướng với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp trong nước, có thể nói đây chính là sự kiện mang tính phát lệnh, khai hỏa cho trận chiến mới, quyết tâm đẩy lùi khó khăn để tái thiết nền kinh tế, với khát vọng chiến thắng như chúng ta đã thắng khi đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Nền kinh tế đất nước thời gian qua do đại dịch nên bị nén lại, giờ là lúc phải bung ra mạnh mẽ, nhanh chóng phục hồi và phát triển. Và với tinh thần cởi mở, Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất, hiến kế vì mục tiêu to lớn này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như đối với công cuộc phòng, chống dịch bệnh thời gian qua.

Theo đó, sẽ rà soát, cắt giảm và không tạo thêm các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho doanh nghiệp; loại bỏ triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; đổi mới mạnh mẽ quan điểm, phương pháp tiếp cận khi xây dựng các chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp biến khó khăn thành cơ hội phát triển…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thời gian tới gồm: phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy; xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới; kích cầu, phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư, khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới; hỗ trợ phục hồi, đổi mới sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực, khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Đại diện cho quan điểm của cộng đồng các doanh nghiệp trong cả nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết. Thời gian qua VCCI đã triển khai lấy ý kiến  của doanh nghiệp, đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức kinh tế cũng đề xuất những việc làm hết sức cụ thể, như Hiệp hội Dệt may đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035; Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản đề xuất triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân tái sản xuất ngay trong tháng 5 để kịp thời “bắt” cơ hội xuất khẩu ngay trong thời gian tới; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, cần khẩn trương giải ngân số vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia linh hoạt vào các dự án.

Cùng với các kế sách chiến lược, đại diện các tổ chức kinh tế và đặc biệt là nhiều doanh nghiệp lớn bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài, đã phân tích khá rõ về thực trạng hiện tại của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những ý kiến đề xuất, tất cả đều có chung niềm tin tưởng, lạc quan về sự phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

Hệ thống sản xuất bằng Robot tại Tổ hợp Vinfast (Hải Phòng)

Đánh giá cho thấy, mặc dù trong quý 1 Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng GDP 3,82%, thấp nhất trong hàng chục năm qua, nhưng vẫn là nền kinh tế có mức tăng trưởng tốt nhất khối ASEAN. Nhiều thành phố lớn vẫn tăng trưởng GRDP như thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,03%; Hà Nội tăng hơn 3,5%... đặc biệt thành phố Hải Phòng tăng tới 14,9%. Giờ đây dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, là tín hiệu tốt để Việt Nam giữ nguyên các chỉ tiêu tăng trưởng, mà trước đó đã có nhiều ý kiến đề xuất phải điều chỉnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quyết tâm năm 2020 Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng GDP 5% trở lên, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Muốn thế, phải thực hiện đồng thời 5 mũi tiến công bao gồm: thu hút đầu tư, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút nguồn vốn FDI; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh xuất khẩu; khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Hơn tất cả, toàn thể đất nước Việt Nam phải thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải hành động. “Chúng ta nhận định hiện còn nhiều nút thắt, khó khăn, không phải là lúc bàn lùi, than nghèo kể khổ mà phải mạnh mẽ một tinh thần tiến công, vượt qua mọi thách thức, đi tới thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng “xắn tay áo” hiến kế, đề xuất với Chính phủ, tháo gỡ mọi nút thắt ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Đây không phải là lúc “quyền anh, quyền tôi”, mà phải mạnh mẽ hơn nữa tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, huy động sức mạnh của hơn 100 triệu dân, vì sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Việt Nam đã tạo ấn tượng rất mạnh mẽ bằng “gói đùm bọc” trị giá 62.000 tỷ đồng, giờ là lúc phải có các chính sách tăng tốc, chính sách đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông