Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố

17:21 07/05/2023

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay có 29 người tử vong do bệnh Dại tại 12 tỉnh, tăng 10 ca so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh Dại ở động vật xảy ra tại 21 tỉnh, hiện còn 11 tỉnh dịch chưa qua 21 ngày; nguy cơ dịch bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người khi thời tiết chuyển sang mùa hè nắng nóng.

Tại Hải Phòng, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) - Sở Y tế, trong 3 tháng đầu năm 2023 đã có 1.533 trường hợp người bị chó cắn đi tiêm vắc xin dự phòng bệnh Dại; tăng 634 người so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn thành phố tính đến ngày 26-4-2023 được trên 1.000 con (đạt 1,5% so với kế hoạch), chưa đảm bảo tỷ lệ miễn dịch quần thể theo quy định, luôn tiềm ẩn nguy cơ người bị tử vong vì bệnh Dại do chó, mèo mắc Dại gây ra.

Để tăng cường các biện pháp chủ động  phòng, chống bệnh Dại ở động vật; giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, ngăn chặn nguy cơ người tử vong do chó cắn; Chủ tịch UBND TP vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố. Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận; các sở, ngành thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số nội dung sau:

Chủ động tiên phòng bệnh Dại cho đàn chó nuôi

Chủ tịch UBND các huyện, quận chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật trên địa bàn; chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Bố trí nguồn lực, kinh phí tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh Dại tại địa phương.

Mặt khác, tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, số lượng chó nuôi ở từng khu dân cư; lập sổ theo dõi hộ nuôi chó, số chó nuôi trong từng hộ gia đình; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng Dại cho chó nuôi theo quy định. Báo cáo kết quả thống kê, rà soát đàn chó, mèo nuôi về Sở NN&PTNT. Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn, đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023 - 2025; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho chó mèo nuôi mới, chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm chính, hết thời gian miễn dịch bảo hộ.

Chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng dân phố phối hợp nhân viên thú y xã trực tiếp kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp chó, mèo mắc bệnh Dại, báo cáo ngay về Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, quận và áp dụng các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thành lập Đội bắt chó thả rông, tăng cường tổ chức tuần tra, bắt giữ và xử lý chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị trên địa bàn quản lý theo quy định. Phối hợp cùng ngành y tế áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người…

Sở NN&PTNT có trách nhiệm hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định; tổ chức triển khai giám sát bệnh Dại; cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó mèo; chỉ đạo tổ chức xây dựng vùng an toàn bệnh Dại, đặc biệt tại các khu du lịch, khu vực nội thành, nội thị... trên địa bàn thành phố.

Chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kiểm soát việc lưu thông vận chuyển chó, mèo từ các địa phương khác nhập vào địa bàn thành phố; các điểm mua bán, giết mổ chó, mèo; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa tiêm phòng vắc xin Dại, tịch thu tiêu hủy chó, mèo nghi mắc bệnh; chó, mèo không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển khi trong nước có địa phương công bố bệnh Dại.

Chủ động tiên phòng bệnh Dại cho đàn chó nuôi

Sở Y tế thì có trách nhiệm phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, quận triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại truyền lây từ động vật sang người. Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh Dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư, theo hướng tiếp cận “Một sức khỏe”, có sự phối hợp chặt chẽ của ngành Thú y và Y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đảm bảo việc tiếp cận vắc xin phòng bệnh Dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh Dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Mặt khác, kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân, thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Y tế tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch truyền thông học đường về công tác phòng chống bệnh Dại.

Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng chống bệnh Dại; phối hợp hướng dẫn Chi cục Chăn nuôi & Thú y, các địa phương thực hiện thanh quyết toán thu, chi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại theo đúng quy định hiện hành.

Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Y tế, UBND các huyện, quận đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại đối với sức khỏe cộng đồng; các dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng bệnh hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh Dại. Mặt khác, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và “cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Dại”…

Chủ tịch UBND TP giao Sở NN&PTNT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh Dại và quản lý chó, mèo nuôi; tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND TP.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông