10:55 03/08/2018 Theo báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội 7 tháng, tính từ đầu năm đến nay chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 24,17% so với cùng kỳ năm 2017. Có thể nói đây là một con số rất ấn tượng, phản ánh hiệu quả của 3 năm liên tiếp Hải Phòng thực hiện chủ đề hành động “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.
Các thương hiệu LG tiếp tục dẫn đầu về nhịp độ tăng trưởng
Rõ nét từ những con số
Khẳng định là ấn tượng, bởi lẽ trước thời điểm diễn ra Đại hội 15 Đảng bộ thành phố (2015), công nghiệp Hải Phòng có một khoảng thời gian khá dài phát triển trì trệ, nhiều năm không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt trong giai đoạn sụp đổ của “đế chế” Vinashin (Tập đoàn công nghiệp tàu thủy), khiến phân ngành công nghiệp chủ đạo là đóng tàu của thành phố được phen chao đảo.
Sau Đại hội 15, thành phố triển khai thực hiện hàng loạt chương trình nhằm tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng, phục hồi kinh tế, công nghiệp thành phố đã có sự trở lại ngoạn mục. Ngay như năm 2017 vừa qua, với dự báo thận trọng, thành phố chỉ xây dựng chỉ tiêu tăng IIP từ 17,5% đến 18,5%, nhưng kết thúc 2017, chỉ số IIP đã được ấn định với mức 21,6%.
Bước sang năm 2018, năm thứ ba liên tiếp Hải Phòng triển khai thực hiện chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. Trong đó, vế “2” của chủ đề thực sự là chất xúc tác quan trọng, để thúc đẩy phát triển công nghiệp thành phố, điều này đã được khẳng định từ kết quả hai năm 2016, 2017 trước đó.
Trở lại với kết quả 7 tháng, theo số liệu báo cáo, trong 51 nhóm ngành kinh tế cấp 4 thuộc lĩnh vực công nghiệp, 31 ngành có chỉ số IIP tăng cao. Một số ngành có mức tăng trưởng cao từ đầu năm tiếp tục giữ được vị trí như: sản xuất thiết bị truyền thông tăng 128,56%, sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng tăng 96,87%; may trang phục tăng 80,19%...
Cho thấy nhiều doanh nghiệp đã vượt qua tình hình khó khăn, không chỉ phục hồi sản xuất mà còn tăng trưởng mạnh mẽ.
Đáng chú ý, sự cải thiện tăng trưởng diễn ra ở cả hai khu vực đầu tư cả vốn nước ngoài (FDI) và vốn trong nước. Nếu như khu vực vốn FDI tiếp tục khẳng định sự gia tăng của phân ngành sản xuất thiết bị truyền thông, sản xuất điện tử dân dụng mang các thương hiệu của LG tại khu công nghiệp Tràng Duệ, lần lượt với mức 128,56% và 59,67%.
Thì tại khu công nghiệp Vsip, ngành sản xuất trang phục lại ghi công của Công ty TNHH may Regina Miracle, với 7,6 triệu sản phẩm , góp phần chủ yếu vào mức tăng trưởng 80,19%. Còn tại khu vực đầu tư trong nước, ghi dấu sự trở lại của ngành sản xuất phân bón, bản chất là sự đóng góp chủ yếu của Nhà máy DAP-Vinachem ở khu công nghiệp Đình Vũ.
Bởi mấy năm trước đây, do tác động thị trường, sản phẩm của nhà máy khó tiêu thụ, sản xuất đình trệ, doanh thu giảm sút dẫn đến thua lỗ và DAP-Vinachem bị đưa vào danh sách 12 dự án yếu kém của ngành công thương từ cuối năm 2016.
Trước thềm năm 2017, nhà máy rà soát lại tổng thể tình hình sản xuất và thị trường, chỉ sau hơn hai năm, đến thời điểm này có thể nói chiến lược táo bạo đã đưa DAP-Vinachem bứt phá, góp phần đa số trong sản lượng 155,7 nghìn tấn tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 7, chỉ số tiêu thụ tăng 21,5% và chỉ số tồn kho giảm tới 12,6%.
Sản xuất đồ chơi trẻ em có dấu hiệu chững lại
Cùng với những ví dụ kể trên, nhiều phân ngành sản xuất mũi nhọn tiếp tục khẳng định sự ổn định của các doanh nghiệp, làm sáng bản đồ công nghiệp thành phố. Có thể kể như Công ty TNHH bê tông và xây dựng Minh Đức doanh thu tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ do cung cấp khối lượng lớn sản phẩm xây dựng tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast; Ngành sản xuất giày dép tăng trưởng 11,26% với sự duy trì sản xuất ổn định của các Công ty lớn như Đỉnh Vàng, Sao Vàng…
Nỗ lực vượt khó về đích
Tính theo thời gian thì kế hoạch năm 2018 chỉ còn 5 tháng, mặc dù đã đạt kết quả ấn tượng nhưng công nghiệp thành phố vẫn còn thách thức hiện hữu. Như đã đề cập, một số phân ngành tăng trưởng đóng góp lớn vào chỉ tiêu IIP kể trên nằm chủ yếu ở một bộ phận doanh nghiệp, tạo ra sự mất cân bằng không nhỏ trong hành chục nghìn doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Nghĩa là còn không ít doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục khó khăn, chưa thực sự ổn định sản xuất và phát triển. Bằng chứng là trong khi 31 phân ngành tăng trưởng tốt, cũng còn tới 20 phân ngành có chỉ số IIP giảm. Trong đó một số ngành có tỷ trọng lớn tiếp tục giảm như: đóng tàu và cấu kiện nổi giảm 50,26%; chế biến thức ăn gia súc giảm 31,89%; sản xuất đồ chơi giảm 24,59%...
Ngành đóng tàu chưa thể phục hồi trọn vẹn
Không nói nguyên nhân chủ quan đến từ chiến lược sản xuất kinh doanh, trên thực tế mỗi ngành sản xuất giảm đều liên quan đến tác động của những nguyên nhân khác. Đơn cử như phân ngành sản xuất bia, từ năm 2017 nhiều thương hiệu bia trong nước đã phát triển mạnh mẽ ở thị trường Hải Phòng, đáng kể là sản phẩm của thương hiệu bia Sài Gòn, cùng với bia Hà Nội, Halida… và sự gia tăng của bia nhập khẩu đã tạo áp lực về cạnh tranh cho ngành bia Hải Phòng.
Tương tự nhiều phân ngành khác cũng gặp khó vì áp lực cạnh tranh, dẫn đến chỉ số tồn kho tăng, đáng kể như: sản xuất plastic và cao su dạng nguyên sinh tăng 39,3%; sản xuất trang phục tăng 31,1%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tăng 23,8%. Trong khi đó, thời tiết xấu gây cản trở lớn vào lĩnh vực thi công xây dựng, kết hợp giá phôi tăng dẫn đến ngành sản xuất sắt, thép xây dựng khó tiêu thụ sản phẩm, chỉ số tồn kho tăng 55,6%.
Tuy nhiên, theo phân tích chuyên môn, thì càng về cuối năm thời tiết càng được cải thiện, thị trường hàng tiêu dùng sôi động theo thông lệ, thì những phân ngành sản xuất kể trên có cơ hội phục hồi trở lại và tăng trưởng tốt.
Tại kỳ họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, UBND TP đã đánh giá rất cao kết quả tăng trưởng của ngành công nghiệp thành phố, khẳng định đó là thành quả bước đầu của chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách cơ chế đầu tư.
Nhưng điều quan trọng như đã nói ở trên, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp thành phố thực hiện chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”.
Như vậy, “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” dù đã được tập trung, nhưng cần tiếp tục đây mạnh để tạo sân chơi bình đẳng cho một mục tiêu phát triển đồng bộ.
Hoàng Minh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết