Tăng trưởng xanh xu hướng mang tính thời đại

19:32 21/02/2018

Màu xanh được coi là biểu tượng của sức sống, biểu trưng cho quá trình luân chuyển, kết nối trong không gian thông thoáng, đã vượt qua quan niệm ngôn ngữ thuần túy, trở thành khái niệm mở, gắn với sự phát triển bền vững. Một mô hình kinh tế với bản chất như vậy, không chỉ đáp ứng các yêu cầu thời đại, mà còn đảm bảo sự an toàn cho các thế hệ mai sau.

Sự lựa chọn tất yếu

Tháng 6-2010, Thượng tướng PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, lúc đó với tư cách Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, tham dự hội thảo về Eco2Cities (thành phố kinh tế - thành phố sinh thái) tại TP Hồ Chí Minh do Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Hội thảo quốc tế về tăng trưởng xanh được tổ chức tại Hải Phòng

Đây là cơ sở quan trọng để sau đó, trên nền tảng những bài học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị, PGS.TS Nguyễn Văn Thành với cương vị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đã cùng tập thể lãnh đạo thành phố, dự thảo chiến lược phát triển Hải Phòng trong giai đoạn tiếp theo. Và tại Kết luận 72-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện NQ32, Bộ Chính trị đã xác định “Hải Phòng cần phát triển theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, để xây dựng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại…”.

Như vậy có thể nói, Hải Phòng là một trong những địa phương sớm nhất ở Việt Nam, tiếp cận và định hướng phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh.

Theo định nghĩa của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP): “Kinh tế xanh (Green Economy) là nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh...”. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển Hải Phòng, khái niệm “Thành phố Cảng xanh” đã được mở rộng nội hàm, không đơn thuần chỉ là “Eco2Cities” hay “Green Economy”, cũng không chỉ hạn hẹp trong yếu tố ngôn ngữ, mà bao gồm nhiều lĩnh vực có tính chất toàn diện, gắn với vị thế rất cụ thể của một thành phố cảng, lấy kinh tế biển làm mũi nhọn tăng trưởng.

Vốn dĩ là địa phương có vị thế địa kinh tế - chính trị nổi bật, nên không phải ngẫu nhiên mà Hải Phòng được chọn là đối tượng nghiên cứu học tập và tổ chức Hội nghị lần thứ 57 của Hiệp hội khoa học hệ thống thế giới. Cũng không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia từ các nước xa xôi như Đức, Mỹ đến sinh sống nhiều năm ở Cát Bà để bảo tồn hệ sinh quyển, bởi đó là những vấn đề mang tính toàn cầu.

Nghĩa là, những bài học từ Hải Phòng đã định hình khá đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng cho chiến lược tăng trưởng xanh.

Hướng đi từ những thách thức

Nhìn lại sau hơn 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức.

Trên lĩnh vực công nghiệp, việc xóa bỏ những thành quả cũ cũng như tiếp nhận những cái mới có phần hơi vội vã, đã dẫn tới hệ lụy như là nơi tiêu thụ “rác thải công nghệ”. Nhiều mô hình sản xuất chỉ nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề trước mắt, không những sức lao động bị sử dụng hoang phí, mà kết cấu tài nguyên đất đai cũng bị phá vỡ. Về nông nghiệp, bên cạnh việc mất cân đối về thu nhập, lực lượng lao động, kết cấu tam nông, còn bị tác động mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh khác.

Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các mô hình mang nặng tính phong trào, chưa thực sự tạo sự chuyển biến. Đối với lĩnh vực thủy sản, Hải Phòng là khu vực có mật độ phân bố các loài hải sản, đa dạng sinh học tỷ lệ cao. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn tái sinh không được quan tâm, biến đổi khí hậu cùng với việc khai thác bừa bãi đã làm tiêu hủy môi trường sinh sản của các sinh vật thủy tự nhiên.

Một trong những khía cạnh phát triển mạnh nhất của Hải Phòng là dịch vụ cảng, cũng để lại nhiều vấn đề. Khu vực cảng biển Hải Phòng hiện có gần 40 doanh nghiệp, trong 15 năm qua tổng chiều dài cầu cảng tăng lên gấp bốn lần, lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng bình quân 14%/năm, riêng năm 2017 đã đạt 92 triệu tấn, tăng 10 lần so với 15 năm trước.

Mặc dù vậy, do tính chắp vá khi phát triển hệ thống, hạ tầng sau cảng đã bộc lộ nhiều bất cập, dịch vụ logistic và việc vận chuyển kết nối sau cảng phụ thuộc chủ yếu bằng đường bộ, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Sự manh mún này dẫn tới quy mô, năng lực cung cấp dịch vụ hạn chế, chất lượng không cao, chưa kể rất lãng phí về đầu tư.

Du lịch cũng là một ngành mũi nhọn được quan tâm, trong mấy năm gần đây do Hải Phòng là điểm đến được ưa chuộng đối với nhiều khách cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, lượng khách tăng dẫn đến rác thải, nước thải gia tăng tỷ lệ thuận, trong khi du lịch Hải Phòng chưa có điều kiện sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ ô nhiễm và sự cố môi trường sẽ xảy ra.

 Ngoài những lĩnh vực trên, thách thức mà thành phố phải đối mặt còn đến từ nhiều lĩnh vực khác, như giáo dục, y tế, văn hóa đến quy hoạch, phát triển hạ tầng, khai thác tài nguyên khoáng sản, nguy cơ ô nhiễm các nguồn nước ngọt… Tóm lại, những vấn đề trên đã được thành phố nhìn đánh giá và rút kinh nghiệm sâu sắc, điều đó cũng được chỉ rõ tại Kết luận 72 của Bộ Chính trị.

Quyết tâm để phát triển bền vững

Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đã cụ thể hóa nội dung Kết luận 72 của Bộ Chính trị, quyết tâm “xây dựng Hải Phòng thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại…”. Để đạt được mục tiêu này, quyết tâm của thành phố là chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu.

Quá trình tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng kinh tế dựa trên những lợi thế của thành phố cảng biển, đồng thời với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, giảm dần bất bình đẳng trong phân phối thu nhập…

Trong các năm 2016 và 2017, hai năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố, với những kết quả mang tính đột phá, có thể nói Hải Phòng đang cụ thể hóa chiến lược phát triển, định hình theo hướng tăng trưởng xanh.

Chỉ trong một thời gian ngắn, kết cấu hạ tầng kinh tế, giao thông, đô thị được đầu tư lớn chưa từng có từ trước đến nay. Nhiều công trình trọng điểm đã được đưa vào khai thác như đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Khu nghỉ dưỡng sinh thái và nhà ở cao cấp đảo Vũ Yên, cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện…

Cũng chỉ trong thời gian ngắn, thành phố đã thu hút một nguồn lực lớn từ các nước tiên tiến vào lĩnh vực công nghệ cao, thu hút đầu tư từ những tập đoàn lớn nhất Việt Nam vào lĩnh vực phát triển sinh thái như VinGroup, SunGroup, Him Lam, FLC… Mới đây nhất, một hội thảo khoa học do Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND TP đã được tổ chức, với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hải Phòng”.

Điều này cho thấy tính cầu thị cao của Hải Phòng trong sự vận động tất yếu mang tính thời đại. Như vậy, hướng tới mô hình tăng trưởng xanh là mục tiêu đã được Hải Phòng đề ra rất cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên để thành công, chúng ta không thể không thiết lập trong kết cấu bệ phóng một nền văn hóa làm căn bản. Mà ở đó bộ quy tắc ứng xử là cốt lõi bao gồm: ứng xử giữa con người với con người, với thiên nhiên, với xã hội, với sản phẩm của chính mình…

Nói theo cách nói của PGS.TS Nguyễn Văn Thành: “Điều quan trọng nhất là nguồn lực con người, nghĩa là cần phải bồi dưỡng, rèn luyện để có một đội ngũ thực hiện với tư duy xanh, ý thức xanh…”.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông