09:11 20/01/2020 “Thơ của Ngọc Vương gần gũi với mọi người, như gửi gắm tâm tình với quê hương, gia đình, bè bạn, đạo hữu, thầy trò. Chị viết từ tâm cảm lặn sâu xuống tầng cảm xúc rồi vớt lên những biểu cảm để dẫn dắt người đọc”, những cảm nhận đó của tác giả Nguyễn Phước Giang-Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng cũng là những xúc cảm chung của rất nhiều yêu thơ khi thưởng thức “Nguồn thiêng” của tác giả Nguyễn Ngọc Vương”…
Tập thơ “Nguồn thiêng” của tác giả Nguyễn Ngọc Vương”
“Nguồn thiêng” là tập thơ đầu tay của Ngọc Vương. Bao nhiêu tâm tư, tình cảm của một người đàn bà đa đoan, truân chuyên, bươn chải với cuộc đời dường như chị dồn lắng hết vào từng con chữ, tứ thơ. “Nguồn thiêng” với chị là nơi ngọn nguồn của mọi xúc cảm, mà trước hết là tình cảm với quê hương. Trong “Quê hương tôi!” chị bày tỏ: “Mỗi lần tôi trở về đây/Lòng vui lại thấy trời mây riêng mình/Cầu ao giếng nước sân đình/Nụ cười đằm thắm thân tình xóm thôn…”
Với Ngọc Vương, quê hương đã trở thành một phần máu thịt không thể thiếu, là nỗi nhớ, niềm vui, là động lực, cảm hứng để chị sáng tạo và thăng hoa. Vì thế chị đã dành tặng quê hương những câu thơ không thể chân thành, cảm động hơn thế trong “Bốn mùa hoa Đồng Dụ”: “Khi xa rồi nhớ Đồng Dụ khôn nguôi/Nhớ mái Tam Quan, nhớ vườn trái ngọt/Tiếng chuông chùa buông trong chiều nắng nhạt/Lời kinh ngân cho cuộc sống an lành/Đồng dụ bây giờ vẫn giữ trọn màu xanh/Như thưở cha ông lập làng bên sông Rế/Thương một thời sắn khoai sung khế/Chớp bể mưa giông trên mái rạ u hoài”… Những tình cảm của chị với quê hương đã chạm đến trái tim của bao người vì vậy bài thơ “Bốn mùa hoa Đồng Dụ” của chị đã đoạt giải Xuất sắc trình diễn thơ toàn quốc nhân Ngày Thơ Nguyên tiêu năm 2018 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Với Ngọc Vương, công cha, nghĩa mẹ, tình nghĩa gia đình là tình cảm cao quý, thiêng liêng. Mỗi lần về thăm quê mẹ, chị lại nhớ: “Con về thăm mẹ chiều nay/Ầu ơ trong gió như ngày năm xưa/Mẹ ngồi thức lại bao điều/Hai vai nặng trĩu quê nghèo nắng mưa/Lưng còng gánh cả sớm trưa/Đòn quang gánh cả bến sông một thời…” (Mẹ). Hình ảnh thân thương, lam lũ của mẹ cứ trở đi trở lại trong thơ của Ngọc Vương như một niềm khắc khoải khôn nguôi: “Quá nửa đêm đường còn xa vời vợi/Con sẽ về mẹ hãy đợi chờ con/Lòng thôi thúc không còn thêm được nữa/Mang cả mùa xuân cho mẹ bớt mỏi mòn/Thời xa vắng có ai nghèo hơn mẹ/Con trở về ùa vào lòng mẹ ngày xưa/Như gió xôn xao ngày đầu nắng hạ/Biết bao rưng rưng thương nhớ mấy cho vừa” (Về quê với mẹ lúc nửa đêm).
Bên cạnh những bài thơ da diết dành cho gia đình, mẹ cha, con cái, Ngọc Vương còn có nhiều bài thơ hay viết về tình yêu, tình bạn và những cảnh đời, con người mà chị gặp trong cuộc sống. Những kỷ niệm về mối tình đầu với người lính năm xưa đã ngã xuống trong chiến tranh biên giới giữa mùa hoa dã quỳ nở đã được dệt lên thành câu chuyện tình bằng thơ thật lãng mạn, thi vị biết bao trong “Mùa hoa dã quỳ”: “Anh hẹn em mùa Dã Quỳ năm xưa/Giặc tan rồi ta hứa sẽ đợi nhau…/Thời chinh chiến áo anh màu lính/Em tải đạn trên đường vào chiến tuyến/Hai đầu nhớ thương hai đứa chúng mình… Chiến thắng rồi em đi tìm anh/Khi mùa Dã Quỳ hoa nở đầy cành/Trên trận chiến màu xanh mộ anh nằm đó/Em đến bên đường quỳ nơi vạt cỏ/Rặng Dã Quỳ nở rộ nét vàng chanh” .
Ngọc Vương còn có một số bài thơ lạ, day dứt, nồng nàn mà chị viết thời thanh xuân, thời chinh chiến, về tình yêu của “Một thời mê đắm”, về sự cô đơn và cả những phút xao lòng trong cuộc đời. Nhưng chị đã vượt lên tất cả bằng tình yêu thi ca: “Ta yêu thơ hơn cả yêu mình/Những câu thơ nối duyên tình bất diệt/Những ngọn nguồn đắng cay da diết/Như em yêu anh dẫu biết mấy hững hờ… Bởi em có nàng thơ là điểm tựa/Như con thuyền về cập bến tình yêu” (Nợ với nàng thơ).
Nhà biên kịch, nhà phê bình văn học Nguyễn Long Khánh chia sẻ: Đọc tập “Nguồn thiêng” của Ngọc Vương, điều ta nhận thấy chị làm thơ trước hết vì sự muốn giãi bày cảm xúc, tâm tư của mình với cuộc đời. Đó là những tình cảm chân thực chị muốn sẻ chia tâm tình của một tâm hồn đa cảm, nhân văn, yêu người, yêu đời, luôn mong muốn cho cuộc sống, cho con người này một tốt đẹp hơn. Chính vì thế mà về nghệ thuật chị chưa thật chú trọng. Chị viết nhiều, để cảm xúc dẫn dắt thơ mình… Thơ hay là sự chân thật, giản dị, gửi gắm được suy nghĩ, tình cảm của mình được người đọc đồng cảm, chia sẻ, yêu quý. Điều đó Ngọc Vương đã đạt được.
Xuân Hạ
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh