Tháng 5 rợp trời Hoa Phượng Đỏ (Kỳ 1): Dấu ấn Hải Phòng

14:45 11/05/2019

Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012, Hải Phòng đã xây dựng thành công sản phẩm du lịch đặc sắc mang tên “Lễ hội Hoa Phượng Đỏ”, mở ra một không gian tiếp diễn mang tính trường tồn. Điều đặc biệt, đây là sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng, mang hơi thở mặn mòi vùng cửa biển, bừng cháy ngọn lửa thời gian từ những cánh phượng, trở thành thông điệp có sức lan tỏa vượt qua ranh giới của đồng bằng sông Hồng…

Hoa phượng đỏ rực cháy trên bầu trời Hải Phòng

Cách đây hơn 100 năm, loài hoa có cánh giống đuôi phượng vốn xuất nguồn từ quốc đảo Madagascar đã bén duyên với Hải Phòng. Trải qua thăng trầm thời gian, màu hoa “như lửa cháy khát khao” mà nhà thơ Thanh Tùng miêu tả trong bài “Thời hoa đỏ”, đã trở thành biểu tượng thắm đượm chất đất và người Hải Phòng. Giờ đây Hải Phòng cũng là thành phố trồng nhiều phượng nhất, có nhiều tuyến đường tỷ lệ phượng chiếm nhiều nhất cả nước, với trên 10.000 cây có lẻ. Bởi thế, trong văn chương, thơ ca, nghệ thuật, cái tên “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” được nhắc đến như một lẽ đương nhiên thay cho địa danh hành chính Hải Phòng.

Dường như cây phượng càng gắn duyên với thành phố, khi mùa hoa luôn vào tháng 5, tháng có nhiều sự kiện trọng đại, bắt đầu từ ngày hội Thống Nhất 30-4, tiếp đến là Quốc tế lao động 1-5, chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5, sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5… nhưng thân thiết hơn với Hải Phòng chính là kỷ niệm ngày giải phóng 13-5. Để 64 năm qua mỗi tháng 5 về, người Hải Phòng luôn ngẩng cao đầu, thưởng thức không gian phóng khoáng đến chói lòa trên những con đường rực cháy. Nên nỗi nhà thơ Hải Như phải thốt lên: “Tháng 5 rợp trời hoa phượng đỏ”, nỗi lòng ấy đã hòa tan vào người Hải Phòng, thăng hoa trên nền giai điệu ngọt ngào, cháy bỏng trữ tình của nhạc sỹ Lương Vĩnh.

Hải Phòng luôn nổi danh với khí phách kiên trung, bất khuất nơi đầu sóng ngọn gió, xứng đáng là tiền đồn canh giữ cửa biển thiêng liêng của Tổ quốc. Khí phách ấy ngày càng được khẳng định là những bản hùng ca bất hủ, reo vang suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Bước ra từ khói lửa chiến tranh, giữa muôn vàn mất mát đau thương, nhưng với niềm tin và sáng tạo, người Hải Phòng luôn tìm riêng cho mình những cách làm mới để vượt qua. Nhiều mô hình phát nguồn từ Hải Phòng đã lan tỏa ra cả nước, như phong trào “dân vận khéo”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phong trào khoán mới… “Thực tiễn Hải Phòng đã góp phần vào quá trình hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng ta”, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần về thăm và làm việc tại Hải Phòng.

Hình ảnh Lê hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2018

Kể từ mùa lễ hội Hoa Phượng đỏ đầu tiên, Hải Phòng đã trở mình mạnh mẽ. Các công trình hạ tầng trọng điểm như đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đường Tân Vũ-Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi… đã tạo động lực thúc đẩy cho kinh tế thành phố. Các khu công nghiệp Nomura, Tràng Duệ, VSIP, Đình Vũ-Cát Hải… đã trở thành tiêu biểu, đưa Hải Phòng vào nhóm những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư lớn như nhà máy sản xuất lốp ô tô Bridgestone, tổ hợp công nghệ LG… đã khẳng định hướng đi đúng của chủ trương tái cơ cấu ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng đi vào chiều sâu, phát triển bền vững, lấy kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, thắt chặt thiết chế văn hóa, ổn định quốc phòng an ninh, minh chứng rõ nét khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nhìn lại hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Chỉ tính riêng quá trình 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thành phố đã có những bước bứt phá ngoạn mục. Quy mô kinh tế gấp 4,27 lần so với năm 2003, thời điểm Nghị quyết 32-NQ/TW được ban hành, đứng thứ hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tăng trưởng bình quân gấp 1,68 lần mức tăng chung cả nước; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 3.964 USD, gấp 1,54 lần bình quân cả nước. Không gian kinh tế thành phố được mở rộng, thị trường xuất khẩu vươn tới 121 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Giờ đây Hải Phòng – Hoa Phượng Đỏ như một cặp uyên ương không thể tách rời, nên nói đến Hải Phòng cũng có nghĩa nói về Hoa Phượng Đỏ. Chính vì vậy, lễ hội cùng tên được tổ chức lần đầu tiên năm 2012 đã tạo ấn tượng mạnh mẽ, mở màn cho một giai đoạn phát triển mới, khẳng định những giá trị mang tầm lịch sử. Nhìn từ góc độ du lịch, lễ hội Hoa Phượng Đỏ xứng đáng là điểm nhấn quan trọng đối với miền đất biển, với những địa danh nổi tiếng Cát Bà, Đồ Sơn, Bạch Long Vỹ… Có thể nói, kể từ lần đầu tiên, mỗi mùa lễ hội là một lần Hải Phòng tở mình “thay da đổi thịt”, với những dấu ấn đáng nhớ.

Tổ chức thành công các mùa lễ hội Hoa Phượng Đỏ, Hải Phòng đã tạo một tiếng vang lớn trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ và cả nước, khẳng định vị thế đầu tàu vùng duyên hải Bắc Bộ, là cực tăng trưởng trọng điểm của cả khu vực phía Bắc. Để từ đây, Hải Phòng vững tin đi đến những mục tiêu cao hơn, về quy mô, tầm vóc, diện mạo cũng như trình độ, chất lượng tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội… đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước.

                                                                                (còn nữa)

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông