20:50 12/09/2023 Bài 2: Rộng mở cơ hội và dư địa phát triển từ Khu Kinh tế ven biển phía Nam Thực tế phát triển rất sinh động và hiệu quả của KKT Đình Vũ- Cát Hải là một trong những yếu tố quan trọng để Hải Phòng nghĩ tới việc phát triển KKT thứ 2, tức là Khu Kinh tế ven biển phía nam. Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẳng định: ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với các định hướng phát triển Hải Phòng về phía nam, để cùng với KKT Đình Vũ- Cát Hải tạo thành thế đứng vững chắc, hội đủ các ưu thế, tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng. Như vậy, KKT ven biển phía Nam có tính khả thi rất cao, là sự phát triển tất yếu của Hải Phòng và đang được lãnh đạo thành phố chỉ đạo gấp rút triển khai thực hiện.
Những căn cứ quan trọng
Đề xuất thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng là sự cụ thể hóa nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quyết định số 323 ngày 30-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050.
Các nghị quyết, quyết định này đều xác định,thành phố Hải Phòng nằm trong vùng động lực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), thuộc hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc)- Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh (TrungQuốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình), có vai trò đặc biệt quan trọng, là đầu tàu, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Theo đó, các nghị quyết cho phép Hải Phòng tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Hải Phòng.
Cùng với đó là hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc ven biển; xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối liên tỉnh Hải Phòng với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương; xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ quốc tế có chức năng trung chuyển container; mở rộng không gian phát triển khu kinh tế ven biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng; xây dựng mới tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội- Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện: tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long) kết nối cảng Nam Đồ Sơn với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng. Sau năm 2025, mở rộng không gian phát triển Khu kinh tế ven biển về hướng Kiến Thụy - Tiên Lãng; ưu tiên phát triển các dự án khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các khu đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường nối với tuyến đường bộ ven biển, tận dụng lợi thế của khu vực Quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng.
Cùng với việc xác định phát triển các vành đai dịch vụ - công nghiệp gồm: khu vực công nghiệp phía Bắc dọc đường vành đai 3, sông Bạch Đằng; khu vực công nghiệp phía Tây dọc quốc lộ 10; khu vực công nghiệp phía Tây Nam dọc quốc lộ 5 thì khu vực công nghiệp phía Đông Nam dọc sông Văn Úc và tuyến cao tốc ven biển được coi là động lực tăng trưởng mới của thành phố.
Đề xuất thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Trung ương. Tại Văn bản số 4356 ngày 13-6-2023, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Về việc thành lập thêm Khu kinh tế ven theo đường cao tốc ven biển, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện tuyến đường cao tốc ven biển Ninh Bình –Hải Phòng đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm khởi công. Sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới kết nối đường bộ cao tốc giữa các tỉnh ven biển Bắc Bộ với cảng biển tại Hải Phòng; rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực hệ thống cảng biển Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực ven biển. Do vậy, việc đề xuất nghiên cứu phát triển thêm một khu kinh tế tại thành phố Hải Phòng là cần thiết, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố đóng góp trong phát triển vùng và cả nước như mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45.
Bộ Xây dựng cũng thống nhất chủ trương để Hải Phòng nghiên cứu thành lập thêm Khu kinh tế ven biển theo đường cao tốc ven biển, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch ngành quốc gia, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và của khu vực.
Dư địa rộng mở để Hải Phòng cất cánh
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, thực hiện nhiệm vụ Thành ủy, UBND thành phố giao, Ban đã rà soát, đề xuất khu vực phát triển khu kinh tế mới tại thành phố Hải Phòng tại khu vực phía Nam cửa sông Văn Úc; khu vực cảng và logistics Nam Đồ Sơn; khu vực dịch vụ logistics, công nghiệp, sân bay Tiên Lãng nhằm kết nối với đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng dự kiến sẽ hình thành trong tương lai.
Dự kiến, tổng diện tích dự kiến của Khu kinh tế mới là khoảng 20.000 ha, bao gồm toàn bộ địa bàn các xã Đoàn Xá, Tân Trào, một phần xã Đại Hợp, Tú Sơn, Kiến Quốc, Ngũ Phúc (Kiến Thụy); một phần xã An Thọ, Chiến Thắng (An Lão); toàn bộ xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng, một phần xã Tiên Thắng, Tiên Minh (Tiên Lãng); toàn bộ xã Trấn Dương, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Cổ Am (Vĩnh Bảo); một phần phường Bàng La (Đồ Sơn).
Tại đây sẽ có các công trình hạ tầng quan trọng như sân bay Tiên Lãng; cảng Nam Đồ Sơn; hệ thống cảng dọc sông Văn Úc; trung tâm logistics Kiến Thụy; trung tâm logistics Tiên Lãng...; các tuyến giao thông chính gồm đường cao tốc ven biển; quốc lộ 37 và các tuyến đường giao thông khác...
Đáng chú ý, trong khu vực dự kiến thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có một số KCN đã có trong quy hoạch. Cụ thể là KCN Tân Trào 500-550 ha (chỉ tiêu sử dụng đất 2021-2030: 350 ha); KCN Ngũ Phúc 450-500 ha (chỉ tiêu sử dụng đất 2021-2030: 270 ha); KCN Tiên Lãng 1 diện tích 600-700 ha (chỉ tiêu sử dụng đất 2021-2030: 216 ha); KCN Tiên Lãng 2diện tích 500-550 ha (chỉ tiêu sử dụng đất 2021-2030: 312 ha); KCN Sân bay Tiên Lãng 450-550 ha (chưa có chỉ tiêu sử dụng đất). Ngoài ra còn có khu vực phát triển công nghiệp Trấn Dương – Hòa Bình 800-900 ha (chưa có chỉ tiêu sử dụng đất).
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, KKT ven biển phía Nam dự kiến thành lập hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện cả về cơ sở pháp lý cũng như quy mô, diện tích, tính chất, chức năng. Việc thành lập một khu kinh tế mới tại Hải Phòng sẽ tận dụng được dư địa phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải, tiếp tục trở thành một khu kinh tế thành công với khả năng thu hút đầu tư các dự án, công trình quy mô lớn, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả vùng.
Việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẩn trương xây dựng và hoàn thành bước đầu đề án thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng thể hiện tâm huyết, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ Thành ủy, UBND thành phố giao; tất cả vì sự phát triển bứt phá của thành phố. Đề án sẽ được tiếp tục lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý; được bổ sung, hoàn thiện trình xin ý kiến Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; báo cáo các Bộ, ngành Trung ương; trình Chính phủ phê duyệt...
Sẽ còn rất nhiều việc phải làm, nhiều nội dung cần điều chỉnh nhưng về cơ bản, diện mạo của KKT thứ 2 của Hải Phòng đã được dựng lên. Từ đây, người dân Hải Phòng hoàn toàn có thể mường tượng được sự phát triển nhanh chóng, sầm uất, sôi động của khu vực phía nam thành phố; các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm, tìm hiểu, hoạch định, hình thành các ý tưởng đầu tư, xây dựng. Từ đây, Hải Phòng có thêm các cơ hội, dư địa rộng lớn để phát triển bứt phá, thực hiện thành công nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, xứng đáng với vai trò động lực phát triển của cả vùng, cả nước./.
Hồng Thanh
10:28 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết