09:34 11/06/2023 Ngày 10-6, đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Cà Mau, Thừa Thiên- Huế và Lai Châu. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tham gia thảo luận tổ.
Đặc biệt, dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) mở rộng đối tượng áp dụng đối với “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch”, giúp họ bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự.
Đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định bổ sung nhiều lĩnh vực, dịch vụ mới, phù hợp với thực tiễn phát triển. Ngoài ra, một số ĐBQH tham gia đóng góp nhiều ý kiến vào 2 dự án Luật trên như việc làm thẻ căn cước công dân cho dưới 14 tuổi; việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; việc đầu tư hạ tầng công nghệ số khi xây dựng dữ liệu dân cư; rà soát, cân nhắc về quy định dịch vụ viễn thông công ích; quy định về Quỹ viễn thông công ích...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, các vấn đề viễn thông liên quan đến công nghệ, tài chính, công cuộc chuyển đổi số cùng với đó là chủ quyền số quốc gia, an toàn, an ninh phi truyền thống. Điều này mang lại cơ hội những cũng nhiều rủi ro, thách thức. Thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, của định hướng phát triển và dự án luật này cũng nằm trong tổng thể chung đó.
Do đó việc ban hành Luật này cần được nhìn nhận rộng hơn so với trước đây để tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số và hướng tới là Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã xem xét sửa đổi nhiều luật liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử và nay là Luật Viễn thông, dự kiến trong thời gian tới sẽ xem xét Luật về công nghiệp công nghệ thông tin, nghiên cứu để ban hành Luật về Chính phủ số. Đồng thời để tạo nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công cuộc chuyển đổi số thì Quốc hội cũng đang xem xét sửa Luật Căn cước công dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong đó có nội dung về visa điện tử, dữ liệu hay Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nội dung kinh doanh trên nền tảng số…
Từ những phân tích trên có thể thấy rõ việc sửa đổi Luật Viễn thông nằm trong tổng thể của công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, Luật Viễn thông được ban hành từ năm 2009 cần có những sửa đổi bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Do đó việc sửa đổi và ban hành luật là hết sức cần thiết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về phạm vi điều chỉnh dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) được mở rộng hơn so với Luật Viễn thông năm 2009. Luật Viễn thông năm 2009 quy định phạm vi điều chỉnh là kinh doanh viễn thông. Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh là hoạt động viễn thông, bao gồm: đầu tư, kinh doanh hoạt động viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, hàng hóa viễn thông, dịch vụ viễn thông công ích, kết nối và chia sẻ hạ tầng viễn thông, xây dựng công trình viễn thông...
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cơ quan soạn thảo cần phải thuyết minh rõ về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, bởi các quy định trong dự án còn “nặng” về điều chỉnh kinh doanh viễn thông.
Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cần thiết phải bổ sung, thiết kế các quy định về chính sách như quyền tham gia hoạt động viễn thông; quyền được bảo đảm an toàn viễn thông; vấn đề cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông; nghiên cứu, triển khai hoạt động viễn thông...
Cơ quan soạn thảo cũng cần phân tích về bối cảnh xây dựng chính sách, tác động của dự án Luật đối với lợi ích quốc gia, của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và người dân. Bởi chuyển đổi số là vấn đề lớn, liên quan đến chủ quyền số quốc gia, vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Bên cạnh đó, có 5 nhóm cam kết quốc tế cần được cơ quan soạn thảo rà soát kỹ. Đó là cam kết về mở cửa thị trường; về thể chế, môi trường kinh doanh viễn thông; cam kết liên quan đến luật pháp quốc tế nói chung; những quy định, thủ tục tại các diễn đàn, tổ chức chuyên môn; các khái niệm viễn thông đã được định nghĩa trong các điều ước quốc tế.
Từ đó, yêu cầu đặt ra là dự án Luật phải bảo đảm có những quy định bắt buộc để thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm không có những quy định đi ngược với các cam kết quốc tế, đồng thời dự liệu với những vấn đề cần có lộ trình cụ thể để thực hiện cam kết...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, theo rà soát dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) liên quan đến 205 văn bản quy phạm pháp luật còn có hiệu lực và 12 điều ước quốc tế, 64 luật, bộ luật... Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ, phân tích kỹ có chồng chéo, vướng mắc hay không, vướng mắc như thế nào... để từ đó hoàn thiện dự án Luật.
Ngoài ra, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) bổ sung thêm quy định về trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (OTT). Về vấn đề này hiện nay còn đang có 3 quan điểm, ý kiến khác nhau, cần được cơ quan soạn thảo phân tích kỹ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, cần cân nhắc đưa 3 dịch vụ này vào dự thảo luật ở mức độ phù hợp, bảo đảm khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông, không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) nêu ý kiến, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ tính khả thi, bởi dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đều có tác động lớn đến đời sống xã hội, doanh nghiệp, người dân, nhất là liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) điều chỉnh nhiều lĩnh vực mới, với những khái niệm mới mang tính kỹ thuật, song rất cần được giải thích, luật hóa, để áp dụng thống nhất.
Ngoài ra, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) còn thiếu các chế tài xử lý cụ thể, rất cần cơ quan soạn thảo quan tâm, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của chủ thể quản lý; quyền và nghĩa vụ của đối tượng bị điều chỉnh; quyền và nghĩa vụ để điều chỉnh hành vi của chủ thể quản lý, đối tượng bị điều chỉnh...
Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) cho biết, hiện nay, nước ta có khoảng 80 triệu người được cấp căn cước công dân. Với chứng minh nhân dân còn thời hạn thì có hiệu lực đến 31-12-2024. Ngoài ra, thực tế đang song song căn cước công dân có gắn chip và căn cước công dân không gắn chip. Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ để bảo đảm các quyền dân sự của công dân như hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế..., cũng như liên quan đến các quyền chính trị như quyền bầu cử...
Ngoài ra, Điều 43 dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đề cập trách nhiệm của một số bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính..., nhưng lại chưa đề cập đến Bộ Ngoại giao. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý, hỗ trợ đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, đại biểu đề xuất dự thảo Luật cần bổ sung cụ thể./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024