17:07 10/06/2020 Có thể ví tập thơ “Thao thức” như một bông hoa nở muộn mà tác giả Nam Phụng dâng tặng cho độc giả. Dù nở muộn, nhưng ta vẫn cảm nhận rất rõ cả “hương” lẫn “sắc” của hoa.
Nhà thơ Nam Phụng
Nam Phụng tên thật là Vũ Văn Kề, sinh năm 1931, là một hồn thơ đầy tâm huyết với thơ ca của thành phố Cảng. Ông từng sinh hoạt ở các CLB Thơ Đường Hải Phòng, Thơ Đường nhà giáo, Thơ Chân quê, CLB thơ Ngô Quyền… Ngày còn trẻ, Nam Phụng từng làm ở Cảng Hải Phòng. Chính những năm tháng đó ông đã “chắt chiu” được nhiều vốn sống, chất liệu quý để nuôi dưỡng tâm hồn thơ sau này. Đặc biệt, những giây phút thiêng liêng lần đầu tiên được gặp Bác kính yêu khi Người thăm công nhân Cảng đã trở thành kỷ niệm khắc ghi trong trái tim người cán bộ Công đoàn Cảng trẻ tuổi chuyên kẻ chữ vẽ tranh, làm công tác tuyên truyền cổ động, thi đua lao động sản xuất trong công nhân ngày ấy.
Nam Phụng trải lòng: “Mình vốn yêu thơ từ sớm, nhưng mãi đến lúc cao tuổi, con cái trưởng thành, gia đình đã vơi bớt lo toan thì mới thực sự đến với thơ”. Hơn 10 năm “chọn lối thơ tao nhã thư nhàn”, ông đã lao động cật lực để cho ra 54 bài thơ trong tập “Thao thức” khi đã ở cái tuổi ngoài bát thập. Như tên của tập thơ, mỗi bài thơ, ý thơ, tiếng thơ trong ấy đều là những thao thức, trăn trở, suy tư của Nam Phụng về cuộc đời; là những tình cảm sâu nặng, da diết vô cùng với gia đình, người thân và quê hương, đất nước.
Tập thơ mở đầu bằng những câu thơ mang nặng những suy tư về nhân tình thế thái nhưng lại được chuyên chở bằng những hình tượng hết sức lãng mạn của hoa và trăng. Trong bài “Hoa sen” tác giả viết: “Thân dìm vũng đục lòng không vẩn/Rễ nhấn sâu bùn tâm cứ trong/Hây hẩy nồm nam hương ngát tỏa/Hè sang rộ nở búp son hồng”. Mượn hình ảnh thanh khiết, đầy sức sống của hoa sen để ngẫm ngợi sự đời, thi sĩ một lần nữa lại cho người đọc như được rơi vào cái không gian thinh lặng nhưng lại cồn cào những tâm tư trước vẻ đẹp của nội tâm, của dự dịu dàng, lặng lẽ, cao sang mà khiêm nhường của đóa quỳnh thanh khiết đẹp đến mê hồn trong đêm trăng sáng: “Nở tàn trong một đêm thôi/Ngọc ngà trinh trắng vẻ ngời ngợi xinh/Trăng lên cho vẹn khối tình/Lặng thầm run rẩy đắm mình trong sương”. Hay như trong bài “Nón trăng”, Nam Phụng lại mở ra một không gian thơ vô cùng lãng mạn: “Thuyền khuya chở ánh trăng tà/Gió lung linh nước trăng ngà lả lơi/Giữa dòng ngắm mảnh trăng vơi/Nón trăng em vớt một trời mênh mông”.
Ai cũng có một quê để thương, để nhớ. Thi sĩ Nam Phụng yêu nơi chôn rau cắt rốn theo cách của riêng mình. Trong “Thao thức”, hình ảnh quê hương cứ trở đi trở lại mãi trong nhiều thi phẩm của ông. Có những lúc, tình yêu ấy, ông đã gọi tên bằng nỗi “Nhớ”: “Về thăm thôn Phượng chiều nay/Hàng cau vương trắng chân mây tím hồng/Vườn hoang cỏ dại nao lòng/Gió phiêu du giữa cánh đồng hoang liêu…”. Hay như trong “Làng tôi”, ông thì thầm tâm sự: “Làng tôi xưa tre xanh rợp bóng/Mỗi hè về cò trắng kết thành hoa/Gò lũy xa lũ trẻ nô đùa/Mũi bơm nọ sáo diều ru réo rắt”.
Yêu quê, không chỉ là nỗi nhớ từng góc vườn, hàng cau, lũy tre xanh rợp bóng đến cánh đồng hoang dại, nhà thơ Nam Phụng còn đau đáu bao nỗi niềm khi quê hương đang bị biến hình bởi tốc độ đô thị hóa. Trái tim ông dường như thắt lại khi thốt lên bao nỗi niềm trong “Xin đừng”: “Xin đừng phá bỏ hàng tre/Ân tình gắn kết làng quê bao đời/… Hàng tre xưa mảnh hồn quê/Võng đưa kẽo kẹt trưa hè mẹ ru/Không tre vắng tiếng chim gù/Vắng đàn cò trắng chiều thu dập dìu”. Ngay cả khi sống “Giữa thị thành” ông cũng nhớ quê đến da diết: “Sững sờ ngắm bẹ cau non/Dạt trôi thành thị đâu còn hương êm… Chân quê chung thủy bao đời/Trầu cau vôi vỏ cho đời nồng say”.
Trong “Thao thức”, Nam Phụng còn viết nhiều về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình nghĩa vợ chồng. Viết về tình yêu, nỗi nhớ thương với cố nhân, nhà thơ đã có những câu thơ thật lòng, xúc động đến mức có thể khiến bạn đọc rơi lệ: “Tàn canh thức trắng lắng mưa rơi/Lặng lẽ sầu dâng giá buốt đời/Cuốc lẻ xa bầy da diết vẳng/Gà con lạc mẹ não nề khơi… Quá nửa đời người chung ấm lạnh/Nào ngờ phút chốc bỗng chia phôi”. Trong nỗi đau chia cắt đến xé lòng bởi “Em giờ bạn với trăng sao/Anh cô đơn trước chênh chao cõi người”, nhà thơ chưa khi nào nguôi ngoai thương nhớ người vợ của mình. Đối với ông, khát khao yêu thương dành cho vợ luôn luôn cháy bỏng, cả khi mơ hay còn thức: “Ước gì trong mỗi canh khuya/Anh luôn mơ thấy em về bên anh” (Vẫn cứ là…).
Trong “Thao thức” có nhiều bài thơ đẹp như một bức tranh. “Sắc màu” là một bức họa bằng thơ như thế: “Xanh thẳm trời thu rớm nắng vàng/Hàng phong tím đỏ đợi đông sang/Chợt cơn gió xám rung lùm biếc/Trơ trụi cành nâu tuyết trắng tàn”. Trong “Hoa cúc dại”, Nam Phụng lại đưa người đọc lạc vào với thế giới mênh mang sắc vành của “Dã quỳ cúc dại đồi hoang/Từ ngàn xưa vẫn sắc vàng lunh linh/… Xanh trời xanh nước bao la/Vàng phai lục biếc mặn mà tự nhiên”.
Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố chia sẻ: Với thơ ta ít khi đọc liền mạch từ đầu đến cuối như văn xuôi, nhưng “Thao thức” là một trong những ngoại lệ chăng, khi mà tác giả đã làm cho người đọc cùng thao thức, cùng cảm khái với mình về cõi thơ và cõi đời…
Xuân Hạ
16:26 06/01/2025
15:01 05/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh