Thay đổi hay là chết

08:37 29/10/2020

Di sản của cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee để lại thật quá lớn. Nhờ sự quyết liệt và tầm nhìn xa trông rộng, Samsung đã trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực smartphone, TV và chip nhớ.

Ngày 25-10, Tập đoàn điện tử Samsung vừa thông báo một tin buồn: Chủ tịch của họ - ông Lee Kun-hee đã từ trần, hưởng thọ 78 tuổi.

Trong thông báo, Tập đoàn Samsung khẳng định: "Di sản của Lee Kun-hee sẽ mãi mãi trường tồn". Chính Lee Kun-hee là người đã biến Samsung từ một công ty vô danh, luôn bị gán chất lượng kém thành tên tuổi công nghệ hàng đầu thế giới.

Cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee.

Sinh ngày 9-1-1942 tại làng Uiryeong, miền nam Hàn Quốc, Lee Kun-hee là con trai thứ ba của nhà sáng lập Samsung Lee Byung-chul. Năm 1938, cha ông đã thành lập Samsung với tư cách là nhà xuất khẩu trái cây và cá khô. Ông được gửi đến Nhật Bản vào năm 11 tuổi, ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Cha ông muốn các con trai học cách xây dựng lại Nhật Bản từ đống tro tàn của Chiến tranh thế giới thứ hai.

Việc sớm tiếp xúc với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã giúp ông tạo lập nền tảng cho Samsung Electronics bằng cách thành lập liên minh với những công ty như Sanyo, đồng thời nắm bắt các công nghệ sản xuất chip và TV.

Ông Lee bắt đầu sự nghiệp của mình tại Tongyang Broadcasting Company, một công ty con của Samsung, vào năm 1966. Ông trở thành chủ tịch tập đoàn vào năm 1987, phá vỡ tập tục Nho giáo truyền thống là người con trai cả lên nắm quyền.

Tuy nhiên, những thất vọng về thành tựu và uy tín của tập đoàn sau 5 năm lãnh đạo khiến ông quyết tâm cải tổ bộ máy, phương thức lãnh đạo và làm việc.

Dây chuyền sản xuất điện thoại di động Samsung tại Thái Nguyên (Việt Nam).

Với chiến lược kinh doanh mới do Lee đề ra, ròng rã 4 tháng liền, Lee mang theo 1.800 lãnh đạo và nhân viên, đi khắp thế giới, liên tục tổ chức các cuộc họp, giúp họ mở mang tầm hiểu biết, thích ứng trước sự biến đổi nhanh chóng của thế giới và sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ, cũng như tính cạnh tranh khốc liệt trên thương trường. Cùng với đó là hàng trăm giờ đồng hồ thảo luận (thường bắt đầu từ 8 giờ tối tới tận 2 giờ sáng hôm sau) cùng các lãnh đạo và nhân viên, nhằm đổi mới tư duy, nâng cao tinh thần làm việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Lee Kun-hee đau buồn trước thực trạng đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, bảo thủ dẫn đến trì trệ, yếu kém của tập đoàn. Điều Lee quan tâm không phải thành tích hiện tại, lợi nhuận trước mắt mà là sự phát triển trong tương lai.

Với hoài bão vô cùng lớn lao, những tầng ý thức ông truyền đạt tới nhân viên đa dạng rất nhiều. Đó là ý thức trước khủng hoảng, ý thức làm chủ, ý thức đứng lên sau thất bại, chinh phục mọi khó khăn, ý thức của người đứng đầu, ý thức tiên phong trong thời đại.

Từ thập niên 90, Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển chiến lược nhiều nhất vào lĩnh vực điện tử tiêu dùng, cụ thể là các mảng điện thoại di động, TV, chip điện tử và chất bán dẫn. Kết quả, những lĩnh vực trên dần trở thành mũi nhọn quan trọng bậc nhất, có sự đóng góp ngày càng lớn và chiếm một tỷ lệ cao, đến mức gần như không thể thay thế vào tổng doanh thu chung của cả tập đoàn. Tính cho đến hết năm 2019, Samsung có giá trị thương hiệu toàn cầu lớn nhất tại khu vực châu Á nói riêng và đồng thời xếp hạng 4 trên thế giới. Tháng 7 năm 2020, Samsung một lần nữa vượt qua những đối thủ lớn như Apple, Google, Sony, LG, Panasonic, Philips,... để tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng 1.000 thương hiệu được yêu thích nhất châu Á trong 9 năm liên tiếp. Tháng 10 - 2020, theo công bố của Interbrand (Công ty tư vấn thương hiệu nổi tiếng của Mỹ), Samsung một lần nữa vượt qua nhà sản xuất xe hơi Toyota (Nhật Bản) để trở thành thương hiệu đắt giá nhất châu Á, xếp hạng 5 toàn cầu sau Google, Microsoft, Amazon và Apple (Mỹ).

Với khẩu hiệu của Chủ tịch Lee Kun-hee: Thay đổi hay là chết, Samsung đã và đang có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa, đời sống xã hội ở Hàn Quốc.

Trần Hoàng tổng hợp

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông