Thị hàng hóa những ngày cách ly xã hội: Liên tục bình ổn

18:47 13/04/2020

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1-4 đến nay Hải Phòng đã nghiêm túc triển khai các biện pháp cách ly toàn xã hội. Thoạt đầu, có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ bị ảnh hưởng, nhưng sau hai tuần trôi qua, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, thậm chí bình ổn ngoài sức tưởng tượng.

Hàng thiết yếu tại các siêu thị rất dồi dào

          Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định

Những ý kiến bày tỏ sự lo lắng cũng hết sức có lý, bởi lẽ trong tháng 3 vừa qua thị trường hàng thiết yếu Hải Phòng đã trải qua một cơn sóng lớn, khi người dân đổ xô đi mua tích trữ lương thực, thực phẩm, trong tâm trạng có thể nói là hoảng loạn tâm lý vì dịch bệnh Covid-19.

Đỉnh điểm trong ngày 7-3, nhiều kỷ lục về giá và lượng tiêu thụ được thiết lập, chẳng hạn có gia đình mua cả chục thùng mỳ tôm, hàng tạ gạo, trong khi giá thịt lợn có lúc lên tới gần 300 nghìn đồng/kg cũng không có hàng để bán.

          Rất may cho thành phố là biểu hiện trên chỉ mang tính cục bộ, ngoài hoảng loạn tâm lý thì một phần không nhỏ cũng do tính phong trào lan truyền. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời, đặc biệt là sự cam kết của những người lãnh đạo đứng đầu thành phố, với quyết tâm giữ vững an sinh xã hội trong bất cứ cảnh nào, không để người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm.

Vì vậy, trước thời điểm Hải Phòng bước vào cách ly toàn xã hội ngày 1-4, trên địa bàn thành phố cũng diễn ra cảnh mua sắm tích trữ, nhưng hoàn toàn là ý thức dự trù cho sinh hoạt thiết yếu để hạn chế ra khỏi nhà, chứ không còn bị tác động tâm lý.

          Dù những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, thị trường thành phố có một số biểu hiện chuệch choạc, do triển khai chưa thực sự đồng bộ, nhưng chỉ thời gian ngắn tất cả trở lại bình thường. Các đầu mối bán lẻ, nhất là hệ thống các siêu thị đã thực hiện đúng cam kết, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Tại các chợ tự phát, nhiều cửa hàng không thiết yếu linh hoạt chuyển mặt bằng cho các tiểu thương bán hàng thiết yếu thuê lại. Điều này không những đảm bảo giãn cách xã hội, mà còn lấp được lỗ hổng về lưu thông thị trường.

          Điều hết sức quan trọng là, trong suốt hai tuần qua, giá cả thị trường thành phố hết sức ổn định. Cụ thể ở chợ truyền thống, giá một số mặt hàng phổ biến là: gạo tẻ BC 15.000 đồng/kg, tẻ Bắc hương 17.000 đồng/kg, hương lài sữa 19.000 đồng/kg tám thơm 20.000 đồng/kg…; thịt lợn ba chỉ ngon 150.000 đồng/kg, nạc thăn 145.000 đồng/kg, các loại khác bình quân 140.000 đồng/kg; rau xanh có lá như muống 12.000 đồng/bó, cải các loại 10.000 đồng/bó…

Còn tại các siêu thị, giá thịt lợn sạch được bán 215.000 đồng/kg ba chỉ, 200.000 đồng/kg nạc thăn, các loại khác bình quân 180.000 đồng/kg; rau xanh cũng khá rẻ như muống 10.000 đồng/kg, cải bắp 12.000 đồng/kg, ngọn su su 16.000 đồng/kg…

Các gian hàng khô ở chợ Ga hầu như không có khách

          Giảm mạnh lượng mua sắm

          Phân tích về nguyên nhân khiến giá cả thị trường hai tuần cách ly xã hội cơ bản ổn định, nhiều ý kiến cho rằng quan trọng nhất là nguồn hàng được cung ứng dồi dào, trong khi đó mức tiêu thụ rất chậm do người dân hạn chế ra khỏi nhà.

          Theo lãnh đạo siêu thị BigC, doanh thu những ngày qua của BigC chỉ đạt bình quân 1 tỷ đồng/ngày, tuy nhiên điểm khác là lượng khách đến ít nhưng lượng mua tính trên đầu khách tăng nhiều, vì họ mua một lần để sử dụng cho nhiều ngày.

Còn lãnh đạo siêu thị MM Mega Market (MM) thì cho biết, doanh thu bán lẻ của MM cũng chỉ đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ngày, lượng khách mua buôn số lượng lớn sụt giảm rất mạnh.

Đáng lưu ý là, ở hầu hết các siêu thị, kỳ vọng cho dịch vụ bán hàng online theo phương thức “đi chợ hộ” người tiêu dùng đã không được như mong muốn, đơn cử như MM có ngày chỉ nhận được 5 đơn hàng. Ở khu vực chợ truyền thống, ngoại trừ các quầy hàng dọc những tuyến đường thuận tiện giao thương, còn lại trong các chợ khu biệt hầu như không có người đến mua sắm.

Một tiểu thương bán hàng khô ở chợ Ga chia sẻ, thi thoảng mới có người đến mua mấy lạng lạc, vừng để làm muối vừng, còn những loại hàng khô khác không thể bán được.

Một nguyên nhân nữa được đề cập khiến giá cả hàng hóa thiết yếu không tăng, đó là đợt giảm giá kỷ lục của mặt hàng xăng dầu trước đó, với tổng mức bình quân 6.000 đồng/lít. Một tiểu thương đầu mối cho biết, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giá thành hàng hóa, vì vậy với mức hơn 10.000 đồng/lít xăng hoặc dầu diesel như hiện nay, chi phí cước lưu thông hàng hóa đang rất dễ chịu.

          Nhìn từ số liệu thống kê, trong tháng 3 vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố chỉ đạt 10.330 tỷ đồng, giảm 5,39% só với tháng 2. Với những gì đang diễn ra trong hai tuần cách ly xã hội, rất có thể chỉ số này trong tháng 4 sẽ tiếp tục giảm mạnh, bởi cường độ gia tăng của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống.

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Thành cho biết, Chính phủ cũng nhưu thành phố đã có cơ chế tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như những người buôn bán nhỏ bị mất hoặc dụt giảm thu nhập. Đây là nguồn động viên kịp thời, và cũng chính là sự ghi nhận đóng góp hy sinh của họ vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh.  

Theo một góc độ khác, có quan điểm cho rằng nhân đợt này, bên cạnh ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cũng là cơ hội để rà soát, điều tra lại bản chất thị trường hàng tiêu dùng ở Hải Phòng. Trên cơ sở đó cần một quy hoạch lại, không những đảm bảo lưu thông hoàn hảo, môi trường kinh doanh lành mạnh, trật tự giao thông thống thoáng, mà còn dễ kiểm soát và quản lý được nguồn thu. Hy vọng khi dịch bệnh qua đi, thị trường hàng hóa hoạt động bình thường trở lại, sẽ tiếp tục bứt phá.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông