09:19 11/04/2022 Trước kỳ nghỉ dài ngày dịp giỗ tổ Hùng Vương, nhiều dự báo cho thấy thị trường hàng hóa sẽ có biến động, nhất là những mặt hàng thực phẩm tươi sống, do nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường Hải Phòng đã trải qua những ngày nghỉ lễ một cách suôn sẻ, khi cả nguồn cung và nguồn cầu đều rất ổn định.
Nguồn cung hàng hóa tại khu vực chờ đầu mối cầu Rào khá đầy đủ
Nỗi lo trước kỳ nghỉ
Trước kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, thị trường hàng hóa tương đối khó dự báo, khi những tác động kép như diễn biến dịch bệnh, giá xăng dầu, nhu cầu xã hội… đều trong trạng thái khó lường.
Biểu hiện có thể thấy rõ khi thị trường hàng hóa nói chung và thị trường thực phẩm nói riêng đã có nhiều biến động. Đáng lưu ý là nguồn cung, khi một số sản phẩm khan hiếm do ảnh hưởng của thời tiết và tác động lưu thông biên mậu Việt - Trung.
Vì vậy, từ thực phẩm chế biến, tiếp đến là các loại thực phẩm tươi sống đều tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Đơn cử, tính trong một tuần trước kỳ nghỉ lễ, giá rau xanh có lá tăng bình quân 50%, các loại rau chính vụ như dền, cải, ngót… đều từ 15.000 đồng trở lên/bỏ, rau muống cũng tăng từ 12.000 đồng lên quãng từ 15.000 đồng đến 18.000 đồng/bó; ngọn bí và ngọn su su đều tăng từ mức 22.000 đồng lên mức 27.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các loại rau dạng củ quả như khoai tây, cà rót, dưa chuột, bí đao đều tăng bình quân 12%.
Ở một diễn biến khác, giá các loại thịt gia cầm cũng tăng khoảng 8% so với giá bình quân của tháng 3, như gà ta nuôi công nghiệp bán lẻ từ 90.000 đồng tăng lên 95.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng từ 55.000 đồng lên 65.000 đồng/kg, ngan ta từ 90.000 đồng tăng lên 100.000 đồng/kg… cá biệt trứng gia cầm các loại tăng tới 15%.
Nhưng cường độ tăng mạnh hơn phải nói đến các loại thủy sản dạng đặc sản, với mức tăng bình quân 20%, đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng một tuần của thị trường thực phẩm tính từ đầu năm 2022.
Lượng khách đến mua sắm trong các siêu thị không được như kỳ vọng.
Bình ổn đến bất ngờ
Cũng đúng như dự báo trước đó, dịp nghỉ lễ dài ngày cùng với sự khởi động trở lại liên quan đến du lịch, dịch vụ thực sự đã tạo ra yếu tố kích cầu thị trường. Khảo sát cho thấy mọi nhu cầu đều gia tăng trong những ngày nghỉ vừa qua, từ tiêu thụ thực phẩm đến sử dụng các dịch vụ như ăn uống nhà hàng, hợp đồng xe chở khách, lưu trú… đều đem đến những tín hiệu tích cực.
Nhưng cùng với đó, nhìn ở chiều ngược lại, do dự báo tốt tình hình nên tại các chợ truyền thống cũng như các siêu thị bách hóa, nguồn cung đã chủ động tích trữ, có thể nói vừa đủ hài hòa với nguồn cầu.
Đây chính là lý do khiến thị trường dịp nghỉ giỗ tổ Hùng Vương không có biến động, khi cân đối cung – cầu được đảm bảo. Khảo sát cũng cho thấy, tiêu thụ thực phẩm tươi sống tại các khu vực chợ truyền thống tốt hơn các siêu thị, vì sự linh hoạt về giá, đa dạng về sản phẩm, trong điều kiện thời tiết khá phù hợp.
Tuy nhiên, dù lượng khách đến chưa đủ gọi là nhộn nhịp, nhưng các siêu thị cũng thu hút một bộ phận không nhỏ khách hàng, nhờ các chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Cụ thể trong dịp này, nhiều nhà sản xuất đã kết hợp với các nhà phân phối, đưa ra nhiều chương trình giảm giá, tặng quà, đối với những nhóm hàng trọng điểm như thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, hoa quả… khiến việc mua sắm tại hệ thống siêu thị chủ đạo trên địa bàn thành phố như Go (BigC cũ), MM Mega Market (Metro cũ), Co-opMart, WinMart… đều dễ chịu.
Không thể chủ quan
Nhìn chung, dù hoạt động theo sóng hình “sin” nhưng do nhiều nguyên nhân tác động nên thị trường hàng hóa thời điểm này cơ bản không có sự đột biến đến mức tiêu cực. Chỉ có điều sau kỳ nghỉ lễ này, tính chất giao mùa giữa Xuân – Hạ sẽ rõ nét hơn, đối với thị trường thực phẩm tươi sống sẽ có sự điều chỉnh tự nhiên nhất định vì tính mùa vụ.
Mặt khác, dù kỳ nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương kéo dài tới 3 ngày, nhưng cũng chưa đủ phản ánh rõ nét diễn biến của thị trường. Khi thời điểm sắp tới, nếu thời tiết chuyển nóng, hoạt động của các trung tâm du lịch được tăng cường, dung lượng du khách đi và đến Hải Phòng tăng cao… sẽ là những yếu tố tác động chủ yếu đến nhu cầu tiệu thụ.
Vấn đề đặt ra là hiện thị trường Hải Phòng vẫn chịu nhiều áp lực, chẳng hạn như giá xăng dầu đang ở mức cao sẽ khiến cước vận chuyển tăng cao, dẫn đến chi phí đầu vào của các sản phẩm nhập về thị trường thành phố tăng theo.
Trong khi đó, các số liệu tổng hợp cho thấy nguồn cung tại chỗ của Hải Phòng ngày càng giảm, nhất là đối với các loại thực phẩm, từ rau củ quả đến các loại gia súc, gia cầm… ngoại trừ nguồn thủy sản cả nuôi trồng và khai thác đều ổn định. Chưa kể trên thực tế, thị trường Hải Phòng cũng như cả nước vẫn phụ thuộc không nhỏ vào các loại sản phẩm nhập khẩu, nhất là từ thị trường Trung Quốc.
Điều này có thể thấy rất rõ, khi thời gian qua Trung Quốc thực hiện phong tỏa trong nước vfa kiểm soát nghiêm ngặt đường biên để phòng chống dịch bệnh Covid-19, hoạt động biên mậu bị ngưng trệ, đã tác động trực tiếp đến giá cả cũng như cung - cầu nhiều nhóm hàng hóa Việt Nam, từ thực phẩm, hàng gia dụng cho đến sản phẩm điện máy.
Nên có thể nói, thị trường dịp nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương chỉ là tập dượt, những biểu hiện biến động cục bộ chỉ mang tính dự báo sớm cho thị trường thời gian tới. Thiết nghĩ điều quan trọng nhất lúc này là cần chủ động cân đối cung cầu, để giữ độ dao động trong tầm kiểm soát, bởi nếu không có dự báo tốt thì cung tăng khi cầu giảm và ngược lại đều đem đến những hệ lụy tiêu cực.
Đây chính là nỗi lo cho thị trường trong thời gian tới, nếu không có giải pháp hiệu quả, thì việc bình ổn giá vẫn còn nhiều việc phải làm.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết