08:59 21/09/2018 Tính đến thời điểm này, đã có 6 cơn bão xuất hiện tại Việt Nam. Mặc dù vậy, khu vực Hải Phòng vẫn chưa thực sự có đợt bão nào trực tiếp gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy nhưng trong đợt khủng hoảng nguồn cung rau xanh này, nguyên nhân lại được cho là tác động nhiều bởi thời tiết.
Nguồn cung rau xanh có lá đang gặp khó
Nguồn cung khan hiếm kéo dài
Nhìn lại diễn biến thị trường mấy năm gần đây, giá rau xanh tăng giảm thường phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ, nên yếu tố thời tiết chỉ mang tính cục bộ. Tuy nhiên đợt này thì khác, sau mỗi lần tăng đột biến trong những ngày diễn ra các cơn bão 1, 2, 3 vào tháng 7 và tháng 8 vừa qua, giá rau có giảm nhưng không lùi về vạch xuất phát, mà lũy tiến đến mức giá hiện nay.
Tính trong những tuần đầu tiên của tháng 9, giá rau xanh có lá tăng bình quân 30%/tuần, hiện giá rau gấp 1,5 lần so với cùng thời điểm tháng 8. Cụ thể, một số loại phổ biến nhất có nguồn cung tại Hải Phòng như muống hiện là 12 nghìn đồng/bó, cải xanh-dền-ngót từ 7 nghìn đồng đến 10 nghìn đồng/bó, ngải 15 nghìn đồng/bó…
Vấn đề ở chỗ, giá tăng cao luôn đi đôi với nguồn cung hạn chế, những ngày gần đây từ các chợ đầu mối ở đầu cầu An Dương, chợ Đôn, chợ cầu Rào… cho đến các chợ chính thống, chợ cóc, chợ tạm trong nội thành các loại rau đều được mua vét hết từ rất sớm
Như đã nói ở trên, trong 6 cơn bão đã xảy ra gần như không có cơn bão nào gây hậu quả lớn trực tiếp tới Hải Phòng. Tuy nhiên thành phố đã phải hứng chịu những trận mưa rất lớn, kéo dài có đợt hàng chục ngày không dứt. Theo chia sẻ của những người trồng rau, thì hậu quả mưa lớn để lại quá nặng nề cho ngành nông nghiệp, bởi không chỉ tàn phá các diện tích đã trồng, mà toàn bộ những điều kiện cần thiết cho nghề trồng rau cũng bị tê liệt.
Bà Liên – một nông dân ở ở huyện Kiến Thụy cho biết, trận mưa hồi tháng 7 đã hủy hoại gần như toàn bộ các diện tích rau của gia đình bà, không chỉ là rau mà hệ thống khung giàn dựng thô sơ cũng bị đánh sập.
Muốn tái tạo lại cần phải có giống, phân bón và công sức, những thứ mà không phải người nông dân nào cũng có khả năng tái đầu tư. Như gia đình bà Liên, đã bỏ tiền làm lại từ đầu để trồng lượt rau mới, nhưng lại gặp tiếp đợt mưa lớn hơn hồi đầu tháng 8, đến nay không còn khả năng tái đầu tư nữa. Hơn nữa, kể cả những diện tích được trồng lại cũng phải mất một thời gian nhất định mới có sản phẩm tham gia vào thị trường.
Trong khi tại thời điểm này một số giống rau đã không còn thích hợp canh tác trong vụ thu đông như muống, đay, mùng tơi… Chính vì vậy, trong thời gian ngắn nguồn cung nội địa đối với thành phố chưa thể phục hồi.
Gặp khó vào thời điểm nhạy cảm
Những năm gần đây, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã thu hẹp diện tích rau xanh trên địa bàn thành phố, bù vào đó là các loại cây màu khác như ớt, khoai tây, ngô, thuốc lào, cây cảnh, hoa… Trong khi đó, theo số liệu thống kê thì tháng 8 vừa qua diện tích trồng màu các loại của thành phố đều giảm, cụ thể là 3.625,4 ha, chỉ bằng 85,75% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng diện tích trồng rau có lá phổ biến đều giảm rất mạnh như rau muống đạt khoảng 765,4 ha giảm 16%, cải xanh các loại khoảng 927,6 ha giảm 14,5%. Điều đáng nói là, hiện tại vụ lúa mùa đang sinh trưởng, nên cơ bản không thể tăng diện tích trồng rau mà chỉ có thể tái tạo trên diện tích cũ.
Tình trạng tại Hải Phòng cũng là tình trạng chung của các vùng rau truyền thống như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên… vốn dĩ là vùng “hậu cần” ổn định cung cấp rau có lá cho thành phố lâu nay. Chưa kể diễn biến của cơn bão Mangkhut vừa đổ bộ vào Trung Quốc, kéo theo cả những đợt mưa lớn chạy ngang vùng biên giới tiếp giáp với Việt Nam, rất có thể sẽ gây thiệt hại lớn đến các vùng trồng trọt của Trung Quốc. Nếu như vậy thì ngay cả nguồn cung rau nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng sẽ giảm mạnh, thậm chí hút ngược trở lại nguồn từ Việt Nam.
Rau xanh khan hiếm và giữ giá cao trong thời gian dài đã làm khó cho những người thu nhập thấp. Vì trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày, chi phí rau xanh vốn dĩ chiếm tỷ lệ nhỏ, thì nay đã phải thay đổi, đương nhiên thu nhập không tăng, những phần dinh dưỡng khác phải bị giảm. Ngay tại các cửa hàng ăn bình dân, mỗi suất ăn dành cho người lao động bình quân hiện là 20 nghìn đồng, riêng cơm và rau đã chiếm mất 50%.
Mới thấy, mặt hàng rau xanh tưởng như đơn giản, lại đang tác động lớn đến cuộc sống người dân, đặc biệt là người nghèo. Trong khi đó, từ đầu tháng 8 đến nay phần lớn các mặt hàng thực phẩm đều tăng khá mạnh.
Theo những người có kinh nghiệm, thì từ tháng 9 lượng tiêu thụ rau sẽ gia tăng. Bởi lẽ đây là thời điểm sinh viên các trường đại học trở lại nhà trọ, các công trình xây dựng cũng hút thợ từ ngoại thành, dẫn đến dịch vụ ăn uống bình dân tăng cao.
Như đã nói ở trên, ảnh hưởng của mưa bão đúng vào thời điểm nhạy cảm, nên có cố gắng thì theo chu kỳ sinh trưởng, phải mất một thời gian nữa nguồn cung tại chỗ mới được phục hồi. Nghĩa là trước mắt chưa có giải pháp hữu hiệu cho việc giảm giá rau xanh, trong khi mùa mưa bão chưa kết thúc nên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Từ diễn biến của thị trường cho thấy, sự vận động cung cầu trong thị trường đối với nguồn rau xanh chưa thực sự được coi trọng, nhất là vấn đề quy hoạch vùng trồng, cơ cấu canh tác và các kênh lưu thông.
Điều này phải được điều chỉnh ở tầm quy hoạch vĩ mô, chứ không thể để các hộ nông dân cá thể “tự bơi” bởi tính đặc thù của rau xanh là sinh trưởng nhanh, tuổi thọ kém và bảo quản khó. Nếu công tác này không được quan tâm, thị trường rau xanh sẽ tiếp tục lâm vào tình trạng mất cân đối, lúc lại bị tồn ứ, khi thì nguồn cung khan và giá tăng đột biến như hiện nay.
LMT
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết