Thị trường thực phẩm sau tết – cần chủ động nguồn tái tạo

08:42 04/03/2021

Thị trường thực phẩm tết Nguyên đán năm nay bao gồm cả thời gian trước, trong và sau tết, dù có thời điểm biến động cục bộ nhưng cơ bản giá ổn định, tình hình cung ứng khá suôn sẻ. Hiện tại, ở Hải Phòng cũng như các địa phương lân cận, nguồn cung thực phẩm thậm chí ùn ứ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến khâu lưu thông, tuy nhiên nếu không có tinh thần chủ động thì rất có thể trong thời gian tới nguồn cung sẽ đi theo chiều ngược lại.

Nguồn hàng dồi dào tại các siêu thị ở Hải Phòng

Điểm rơi của sự ổn định?

Theo thông lệ hàng năm, do dồn lực cho nhu cầu tết nên sau tết nguồn hàng thực phẩm thường gặp bất ổn, đòi hỏi sự tập trung cao để tiếp tục giữ vững yêu cầu vận động của thị trường.

Năm nay tình thế có chiều đổi khác, do tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động lưu thông nói chung bao gồm cả thực phẩm nhiều thời điểm gặp khó khăn. Trong đó có nguồn hàng từ Hải Dương, nơi cung cấp chủ đạo thực phẩm nhập nội cho thị trường Hải Phòng, nhất là các loại  thịt gia súc, gia cầm và rau củ quả.

Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị tốt các kịch bản từ trước, nên thị trường thực phẩm Hải Phòng sau têt Nguyên đán Tân Sửu 2021 tương đối ổn định. Bà Đỗ Thị Y., một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở đường An Đà cho biết, so với cùng kỳ năm trước giá bình quân của thịt lợn rẻ hơn khoảng 20%.

Cụ thể thịt nạc thăn, sườn thăn ở chợ truyền thống đang được bán 160 nghìn đồng/kg; nạc vai 150 nghìn đồng/kg; mông – vai cắt sấn 145 nghìn đồng/kg, các loại thịt nách - sườn tạp chỉ từ 135 nghìn đồng/kg…

Tuy nhiên, mức giá này cũng tiềm ẩn không ít nỗi lo cho các tiểu thương, bởi thời gian qua giá lợn hơi vẫn biến động, trong khi nguồn cung sau tết theo kinh nghiệm của những năm trước luôn ở dạng khan hàng.

          Tính trong nhóm các loại thực phẩm tươi sống, thì giữ mức ổn định nhất có lẽ là gà ta nuôi công nghiệp, với giá bình quân bán sống 80 nghìn đồng/kg và bán dạng thịt 90 nghìn đồng/kg. Nhưng dù ổn định, thì cả người chăn nuôi lẫn kinh doanh gà vẫn kêu khổ, vì đặt kỳ vọng quá nhiều vào dịp tết Nguyên đán, khi mà theo thông lệ những năm trước, giá gà ta thường tăng ít nhất 20%.

Theo bà L. ở xã Khởi Nghĩa (Tiên Lãng), người vừa chăn nuôi vừa tự vận chuyển sản phẩm vào nội thành tiêu thụ, thì giá gà sống dịp cận tết thậm chí có lúc đạt được 90 nghìn đồng/kg. Nhưng vấn đề chính là mức tiêu thụ cũng giảm mạnh trong mấy ngày gần đây, nên giá bán đã trở lại vạch xuất phát, có buổi chợ ế bà L. phải bán đổ cho các nhà hàng mức giá 70 nghìn đồng/kg.

          Cùng với các loại thịt, nhóm rau xanh cũng đang có giá khá thấp, riêng các loại chính vụ như bắp cải đang có giá bình quân 4 nghìn đồng/kg, su hào 2 nghìn đồng/cây, súp lơ xanh 5 nghìn đồng/cây, rau thơm 12 nghìn đồng/kg, cà chua 3 nghìn đồng/kg… giảm hơn ba lần so với dịp trong tết. Dẫn đến nhiều loại rau không chính vụ cũng giảm theo.

          Không chủ quan với nguồn cung

           Đánh giá về thị trường Hải Phòng, một tiểu thương cho biết, thực phẩm tươi sống Hải Phòng được hình thành từ rất nhiều nguồn, về lâu dài nguồn cung tại chỗ chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu.

Dù dịp tết Hải Phòng đã cơ bản tự chủ được phần lớn thực phẩm để cung ứng cho thị trường, nhưng về lâu dài thì tiềm ẩn nhiều vấn đề, đơn giản vì Hải Phòng không phải là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp.

Như đã đề cập, bên cạnh nguồn cung tại chỗ, thị trường Hải Phòng còn nhập một số lượng rất lớn thực phẩm hàng từ các địa phương khác trong nước và cả nước ngoài. Trong đó một trong những nguồn cung chủ yếu thịt gia súc, gia cầm và rau xanh các loại xuất nguồn từ Hải Dương.

Thời gian gần đây, do không thể lưu thông nên nguồn hàng tại Hải Dương gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, giá cả lao dốc. Điều này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư hộ chăn nuôi, trồng trọt hoặc vì tổn thất, hoặc nhụt chí mà không mặn mà tái đầu tư. Chưa kể những yếu tố tiềm ẩn bất thường từ thời tiết hay dịch bệnh khác.

          Trở lại với Hải Phòng, tham khảo ý kiến một số chủ trang trại ở An Lão và Tiên Lãng, hầu hết người được hỏi đều cho rằng, năm nay giá nông sản nói chung không đáp ứng được yêu cầu đầu tư, lợi nhuận chăn nuôi, trồng trọt đạt thấp. Từ nguyên nhân này, nếu thị trường biến động bất thường thì nguồn lực chăn nuôi sẽ bị động, bởi các thời gian tái tạo các loại nông sản không thể trong một sớm một chiều.

Hơn nữa, mỗi dịp sau tết thì nguồn giống cũng sẽ bấp bênh, vì bản thân giống cũng là một kênh đầu tư nuôi trồng, nên nhu cầu tiêu thụ sẽ tác động ngược trở lại nguồn cung. Vấn đề đặt ra là, nếu để tự phát thì nguồn cung sẽ khó cân đối với nguồn cầu, tác động không nhỏ đến bình ổn thị trường.

          Ở thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những dấu hiệu khả quan, lưu thông hàng hóa giữa Hải Phòng và các tỉnh bạn đang trở lại bình thường. Trước mắt, nguồn cung thực phẩm vẫn dồi dào do được tích trữ và ùn ứ chưa thể tiêu thụ được, giá cũng có thể còn tiếp tục giảm.

Nhưng đặc thù của chăn nuôi, trồng trọt là thời vụ, sản phẩm khó bảo quản hoặc bảo quản được thì chất lượng cũng không hấp dẫn bằng tươi sống. Như vậy, sau thời điểm này, rất có thể thị trường thực phẩm sẽ xuất hiện yếu tố mới, không ngoại trừ yếu tố bất lợi.

Thiết nghĩ trong điều kiện hiện nay, các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc, rà soát toàn diện để làm rõ thực trạng nêu trên, kể từ nguồn cung (bao gồm cả khâu sản xuất tại chỗ và nhập từ bên ngoài) cho đến nguồn cầu và diễn biến thị trường.

Từ đó có giải pháp quy hoạch, định  lượng và định hướng, nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 còn tiếp diễn.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông