Thị trường vật liệu xây dựng thắc thỏm đợi hết tháng mưa Ngâu

18:08 16/08/2022

Theo lệ tục, sự kiêng kỵ trong tháng Bảy âm lịch cũng như điều kiện thời tiết xấu với những đợt mưa Ngâu kéo dài bị coi là “kẻ thù không đội trời chung” của ngành xay dựng nói chung và thị trường bán lẻ vật liệu xây dựng nói riêng, khiến cho phân khúc hàng hóa liên quan vốn đã khó lại càng gặp khó.
Sắt thép tăng giá mạnh kể từ đầu năm 2022

Bước sang năm 2022, có thể nói tình hình thị trường diễn biến hết sức phức tạp, từ tác động của nền kinh tế suy giảm do dịch bệnh Covid-19, cho đến biến động của giá xăng dầu, vàng, ngoại tệ. Riêng đối với ngành xây dựng, tại thời điểm này đang phải đứng trước những thách thức khác, như việc thị trường bất động sản đang theo chiều đi xuống, giá vật liệu tăng cao, lại thêm thời tiết xấu và những tập tục liên quan đến tháng “cô hồn”.

          Theo ông Nguyễn Văn Phương, một chủ thầu xây dựng ở quận Ngô Quyền, so với mọi năm thì thời tiết năm nay xấu hơn nhiều, liên tục là những đợt nắng, mưa kéo dài, khi nắng thì rất nóng và khi mưa thì dai dẳng. Hơn nữa, hiện các công trình lớn thực hiện thi công theo chính sách đấu thầu, đấu giá, nguồn vật liệu cũng quy vào một mối, nên thị trường bán lẻ vật liệu Hải Phòng hiện cơ bản chỉ trông chờ vào các công trình dân sinh và sửa chữa nhỏ.

          Cũng theo ông Phương, từ đầu năm đến nay thị trường thành phố đã nhiều lần xuất hiện cơn sốt vật liệu, trong đó tăng giá mạnh nhất là sắt thép và vật liệu thô như gạch, cát, đá… mà nguyên nhân được cho là ảnh hưởng từ biến động giá xăng dầu, dẫn đến cước vận chuyển gia tăng. Tại thời điểm này, dù tháng Ngâu đã khiến nhịp độ tăng chững lại phần nào, nhưng mặt bằng giá vật liệu vẫn đang ở mức rất cao. Ông Phương cho biết thêm, trong các đợt biến động, những mặt hàng chính như xi măng đã có lúc lên tới trên 17 triệu đồng/tấn, sắt thép cũng dao động trong khoảng từ 17 triệu đồng đến 18 triệu đồng/tấn.

Nguồn cát trên thị trường Hải Phòng khan hàng và tăng giá khiến nhiều công trình xây dựng gặp khó.

Còn khi được hỏi về dự báo nhu cầu mùa xây dựng năm nay (bắt đầu từ sau tháng Ngâu), ông Tiến, chủ một bãi vật liệu ở quận Dương Kinh lắc đầu ngao ngán: “Chưa thấy gì sáng sủa, giá xăng giảm nhưng lại bắt đầu vào mùa lũ, vận chuyển vật liệu thô khó khăn dẫn đến cước khó giảm…”. Ông Tiến cho biết, mùa lũ sẽ khiến vận chuyển các loại vật liệu thô như cát, đá, cọc tre… khó khăn hơn, trong khi tiêu thụ nếu không chuyển biến tích cực thì việc kinh doanh vật liệu thô chắc chắn sẽ không được cải thiện.

Ở một diễn biến khác, trong khi nhóm vật liệu thô còn tiềm ẩn phức tạp như đã nêu trên, thì phân khúc các sản phẩm phục vụ xây dựng khác cũng vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Nghĩa là vật liệu xây dựng không đơn thuần chỉ là sắt thép, gạch cát đá, xi măng… mà bao gồm cả chuỗi hàng hóa khác như sơn, gốm sứ, gỗ, kính, nhựa, cáp và thiết bị điện… và những vật liệu trang trí nội, ngoại thất, phong thủy khác.

Tại một đại lý bán sơn tường ở đường Ngô Gia Tự, nhân viên bán hàng cho biết, giá sơn so với năm trước tăng khoảng 15% nhưng tăng hay giảm đều khó bán tại thời điểm này. Bởi lẽ việc thi công sơn trên tường đòi hỏi thời tiết phải hoàn hảo, nếu gặp mưa thì hoặc không thể thi công, hoặc thi công được cũng không đảm bảo chất lượng.

Trên các tuyến đường Tô Hiệu, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Gia Tự… nơi tập trung cung cấp nội thất xây dựng lớn của thành phố, giá một số mặt hàng cũng đang ở mức cao. Nhưng theo ông Ngọc, Giám đốc một Cty kinh doanh nội thất, bên cạnh chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu, còn có nguyên nhân một số mặt hàng nhập khẩu tăng do tỷ giá ngoại tệ, nên khi giá bán ra, lợi nhuận của những nhà phân phối chẳng tăng được bao nhiêu.

Cũng theo ông Ngọc thì thời điểm này việc kinh doanh chẳng qua cũng chỉ cần đạt được mấy tiêu chí: lãi suất ngân hàng, chi phí bán hàng và vận chuyển… Tương tự, tâm trạng chung của nhiều chủ hàng bán đồ gỗ, đồ phong thủy, đồ điện cũng như vậy.

Ngành xây dựng sẽ khởi động mùa làm ăn mới sau khi kết thúc tháng Ngâu.

Tuy nhiên, đánh giá về thị trường vật liệu xây dựng thành phố hiện nay, một số người có kinh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan, cho rằng tác động tiêu cực trước mắt cơ bản do yếu tố thời tiết.

Còn gần đây những tác động khác đang diễn biến tích cực, đáng kể như giá xăng dầu đã giảm rát sâu,  vì vậy qua hết đợt mưa Ngâu, nhiều công trình dang dở sẽ tái khởi động, cùng với đó mùa cưới cũng phát sinh nhà ở cho các gia đình mới kết hôn, xu thế mua nhà xây sẵn giảm thì nhu cầu xây dựng nhà riêng sẽ tăng. Nói như vậy, nghĩa là thị trường vật liệu xây dựng chỉ còn phải chờ đợi vày ngày nữa, chứ không đến mức ảm đạm trong “thì tương lai”?

Cũng theo ông Đoàn Văn Dương, người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, dù tình trạng thị trường tiêu thụ cũng như ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang khốn khổ như đã nói trên, nhưng về cơ bản các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu rất khó bỏ nghề.

Trong đó có hai nguyên nhân chính đều liên quan đến vốn, một là nguồn đầu tư cho ngành kinh doanh này rất lớn nên không dễ thanh lý, hai là nợ đọng các công trình nhiều và gối theo thời gian, nếu bỏ kinh doanh sẽ khó thu hồi nợ.

          “Tính theo thời gian thì sau tháng Ngâu là bắt đầu mùa khô, cũng là mùa xây dựng sắp bắt đầu, theo thông lệ thì thị trường vật liệu cũng khởi sắc…” – ông Dương khẳng định.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông