21:17 21/02/2019 Theo ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích nhà Trần thị xã Đông Triều: Từ ngày 22 đến 24-2 (tức từ ngày 18 đến hết ngày 20 tháng Giêng, năm Kỷ Hợi), thị xã Đông Triều sẽ long trọng tổ chức Lễ hội Thái Miếu nhà Trần.
Ngôi Miếu được nhân dân làng Trại Lốc, An Sinh xây dựng từ những năm 1993 trên nền Thái miếu cũ
Thái Miếu (Tổ miếu-Tiên miếu) của nhà Trần tại Đông Triều là nơi thờ tổ tiên của nhà Trần và các vị vua Trần, là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013.
Thái miếu tọa lạc trên ngọn đồi thấp có tên là Đồi Đình, với mặt bằng hình ông cá thiêng (linh ngư), nằm dài theo chiều Bắc Nam, mặt quay chính Nam.
Đền Thái Miếu trước ngày khánh thành (ngày 14-2-2018)
Sau khi lên ngôi vua, năm 1237 vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) đã ban cho anh trai mình là Trần Liễu vùng đất Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Bang và Yên Hưng làm đất thang mộc và phong cho Trần Liễu là An Sinh vương.
Tại vùng đất An Sinh, An Sinh vương Trần Liễu đã cho xây dựng Điện An Sinh (nay là Đền An Sinh) và nhiều công trình phủ đệ, đồng thời xây dựng Tiên Miếu (tức Thái miếu) để thờ cúng tổ tiên và cha của mình là Thái Tổ Trần Thừa.
Hậu cung Thái Miếu nhà Trần
Sau khi An Sinh vương Trần Liễu qua đời, nhà Trần tiếp tục sử dụng và mở rộng Tiên miếu trở thành Thái miếu của hoàng gia. Tức là nếu trước đó Tiên Miếu-Tổ Miếu chỉ là nơi thờ phụng tổ tiên của nhà Trần và Thái Tổ Trần Thừa thì khi trở thành Thái miếu của hoàng gia, quy mô Thái miếu được mở rộng hơn, các vị vua Trần sau khi mất đều được thờ tự tại đây.
Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, Thái miếu xưa chỉ còn lại dấu vết các công trình kiến trúc và các di vật dưới lòng đất.
Cổng Thái miếu nhà Trần
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hoá truyền thống, phát huy giá trị của di sản văn hoá nhà Trần tại Đông Triều, thị xã Đông Triều đã tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn tiến hành, khai quật khảo cổ học, tổ chức hội thảo khoa học đánh giá về vai trò, công năng của di tích và lập hồ sơ báo cáo các cấp, các ngành chức năng để tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích Thái miếu.
Năm 2014 được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân đã tổ chức tu bổ, tôn tạo Thái miếu trên diện tích hơn 16.000m2, từ nguồn vốn xã hội hóa. Sau hơn 3 năm thi công, Thái miếu chính thức được khánh thành vào ngày 4-2-2018.
Khuôn viên phía trước khu vực Thái miếu
Trong khuôn khổ của lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian; Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa xã An Sinh; Hội Cờ xuân (cờ tướng), giao lưu cờ cây và các trò chơi dân gian, như: kéo co, tung còn, đi cầu Kiều, đu quay, đập niêu, bịt mắt bắt vịt, bắt trạch trong chum…
Lễ hội Thái Miếu nhà Trần, nhằm từng bước khôi phục và phục dựng lại lễ hội truyền thống và các nghi lễ được tổ chức tại Thái miếu dưới thời Trần; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần nói chung, Thái miếu nhà Trần tại Đông Triều nói riêng đến nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Khắc Đoàn
15:05 08/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh