09:33 08/12/2023 Từ tháng 1/2020, theo quyết định của UBND thành phố Hải Phòng, nhân viên y tế trong các trường học công lập trên địa bàn phải bàn giao về các trạm y tế xã, phường, khiến các nhà trường phải lúng túng xoay sở ứng phó, thậm chí “hô biến” một số giáo viên, tổng phụ trách, nhân viên văn thư, thư viện…thành các thầy thuốc “bất đắc dĩ”.
Cùng lúc đóng cả hai vai
“Thầy thuốc” và “thầy giáo” là hai nghề cao quý trong xã hội, có chuyên môn, nghiệp vụ khác hẳn nhau, nhưng khi nhà giáo bất đắc dĩ phải gánh vác thêm trọng trách của y, bác sĩ thì quả thật, không chỉ gây thêm áp lực khi đến lớp mà chính các thầy cô cũng khó lòng hoàn thành nhiệm vụ với kiểu gỡ rối “2 trong 1” tạm bợ này.
Và tất lẽ, rơi vào bài toán không có nhân viên y tế chuyên trách, các nhà trường bắt đầu loay hoay xoay sở, tính đến phương án gỡ rối mang tên “kiêm nhiệm”.
Cô Nguyễn Nhung, giáo viên trường mầm non thuộc huyện An Dương, chia sẻ, do từ lâu đã không còn nhân viên y tế nên nhà trường thường cử Tổ trưởng tổ chuyên môn hoặc các giáo viên lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm để phụ trách phần việc này. Thành ra, các cô ngoài tất bật với công việc chuyên môn còn phải gánh vác thêm chuỗi nhiệm vụ không tên như kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) bữa ăn cho trẻ, từ kiểm nghiệm 3 bước, lưu mẫu thức ăn đến bổ sung tủ thuốc, vào sổ theo dõi sức khoẻ…rồi tự tìm hiểu, tự đi học thêm các bước sơ cấp cứu khi trẻ gặp sự cố ngộ độc, tai nạn. Thời gian đầu, mỗi khi xảy ra tình huống thực tế, các cô vừa làm vừa lo nơm nớp, đến thuốc thông thường cũng không dám cho trẻ uống ngay vì sợ chưa chuẩn, sợ rằng kinh nghiệm, kiến thức chưa đủ lại ảnh hưởng tới các con, rồi nhà trường, phụ huynh quở trách…
Tương tự đối với cấp tiểu học, do thiếu nhân lực nên nhiều trường hiện nay cũng cử Tổng phụ trách, giáo viên, nhân viên thư viện, văn thư…chia nhau ra trực tại phòng y tế, thậm chí có lúc thiếu người, trường nhờ cả cô lao công trực giúp khiến các cô bỗng rơi vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan, buộc phải “hành nghề bốc thuốc kê đơn” trong khi chưa được trang bị chuyên môn, nghiệp vụ y học mà chỉ dựa vào một vài kinh nghiệm tích luỹ đâu đó trong cuộc sống.
Cô Thu H., nhân viên thư viện tại một trường tiểu học quận Ngô Quyền được giao kiêm thêm phụ trách công tác y tế trong trường. Hàng ngày, ngoài các công việc ở thư viện, cô còn chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát bảo đảm VSATTP, chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh; xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh trường học; vừa phải xử trí, sơ cứu tại chỗ cho học sinh bị ngộ độc hay gặp tai nạn thương tích trước khi chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, do không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ nên việc sơ cứu này chủ yếu là sát trùng, vệ sinh vết thương hay băng bó đơn giản. Chưa kể, có những cô còn sợ máu, khi vấp vào thực tế hết sức run rẩy, hoang mang, dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười.
Bên cạnh đó, việc phối kết hợp giữa các trung tâm y tế quận, phường, xã với trường học cũng chưa thực sự hiệu quả, đôi khi còn mang tính hình thức. Thử hỏi, các trường có hàng nghìn học sinh nhưng chỉ có duy nhất một nhân viên y tế của trạm được cắt cử sang trực 1 ngày/ tuần thì liệu có đáp ứng được nhu cầu thực tế hay không. Chưa kể, thương tích, tai nạn không chờ đợi một ai, bất kỳ lúc nào cũng có thể xảy ra còn các em học sinh thì luôn cần được sơ cấp cứu nhanh nhất có thể.
Được biết, việc tuyển dụng nhân viên y tế trong các nhà trường hiện nay chỉ mang tính cầm chừng do không có chỉ tiêu biên chế cho vị trí này. Có trường mời được nhân viên y tế nghỉ hưu về làm thì lại nhùng nhằng không có nguồn chi trả, chỉ một số ít các trường đông học sinh hoặc coi trọng công tác y tế học đường thực hiện tuyển nhân viên y tế hợp đồng thời vụ trong thời gian 9 tháng học hoặc 3 tháng một. Tuy nhiên, đồng lương thấp, chế độ đãi ngộ không có, tương lai lại bấp bênh nên rất nhiều cán bộ y tế trường học không trụ nổi.
Đó là tiếng lòng không chỉ của nhà trường, thầy cô, học sinh mà còn từ chính các bậc phụ huynh luôn mong muốn con em được theo học trong môi trường học đường an toàn, lành mạnh, hạnh phúc.
Đông đảo dư luận xã hội cho rằng, hai cấp mầm non, tiểu học càng cần được quan tâm tới công tác y tế học đường vì các em còn nhỏ, chưa kiểm soát được hành vi hay nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh nên rất dễ bị tai nạn, thương tích hay ngộ độc thực phẩm. Việc có những cán bộ y tế chuyên trách được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ bên cạnh việc sơ cấp cứu chính xác còn có thể dự báo, lường trước các tình huống bệnh lý nguy hiểm cho học sinh, để từ đó phối hợp với gia đình, nhà trường xử lý kịp thời.
Mà đâu chỉ riêng các em nhỏ, lứa tuổi mới lớn giờ đây cũng rất cần được sát sao hơn trong công tác y tế học đường. Anh Tuyến, có con đang học tại trường THPT Hải An cho rằng, các em học sinh cấp 3 đang trong độ tuổi trưởng thành nên cần được tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, tâm sinh lý lứa tuổi dậy và trang bị kỹ năng cần thiết khác khi tiếp cận người khác giới. Lịch học dày đặc, các con ở trường, ở lớp còn nhiều hơn ở nhà nên anh mong rằng, nhà trường sẽ quan tâm hơn nữa tới vị trí nhân viên y tế chuyên trách, qua đó cùng đồng hành với gia đình trong việc đảm bảo sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần cho con em.
Tuy vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải đáp, nhưng theo đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (GD&ĐT), các nhà trường trong bối cảnh này cần tăng cường liên kết với cơ sở y tế địa phương để nắm bắt, triển khai kịp thời công tác chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho học sinh. Sở sẽ tiếp tục đưa ra đề xuất, kiến nghị Bộ GD&ĐT và UBND thành phố bổ sung vào danh mục vị trí việc làm với chỉ tiêu biên chế rõ ràng đối với nhân viên y tế, dốc sức, đồng lòng thay đổi diện mạo ngành y tế học đường trong tương lai./.
Kim Anh
09:15 15/01/2025
22:44 09/01/2025
08:23 09/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh