18:15 09/01/2022 Năm 2021 đã khép lại, để lại những dấu ấn khó quên đối với thành phố Hải Phòng trên bình diện chung cũng như phát triển kinh tế nói riêng. Giữa những khó khăn vô cùng khốc liệt do đại dịch Covid-19 gây ra, chúng ta đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, cán đích với thành quả ấn tượng. Đó chính là hành trang lý tưởng, để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố tự tin bước tiếp trên lộ trình tiếp diễn.
Kinh tế Hải Phòng tự tin vươn ra biển lớn
Nhìn lại thời gian, có thể nói chúng ta đã bước vào năm 2021 với một tâm thế rất vững vàng. Trước tiên phải kể đến những thành tựu to lớn mà thành phố đạt được trong năm 2020 trước đó, mà điểm nhấn là Hải Phòng trở thành tiêu biểu của cả nước trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch bệnh thành công, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ vững quốc phòng an ninh, an sinh xã hội.
Đồng thời, chúng ta khởi đầu trong hoàn cảnh chính trị rất đặc biệt, đó là những bài học lớn được đúc rút trong cả giai đoạn phát triển, hình thành chiến lược được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, trên nền tảng định hướng tại nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tiếp đó là luồng gió từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chắt lọc kinh nghiệm của cả giai đoạn hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đồng thời tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2022, từ đó chuẩn hóa bộ máy điều hành mới, để vận hành những cơ chế mới.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hết sức thuận lợi đó, chúng ta cũng đã phải đối mặt với những thách thức trong điều kiện rất khó dự báo. Đáng kể nhất là ngay từ đầu năm, Hải Phòng đã xuất hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, sau đúng một năm giữ vững trận tuyến. Quá trình triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Có những thời điểm, kinh tế thành phố dường như bị cô lập giữa vòng vây của dịch bệnh, lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, các chuỗi cung ứng đứt gãy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ngưng trệ, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người dân bị giảm sút. Thách thức này càng rõ nét khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát kể từ ngày 27-4-2021, với quy mô tác động chuỗi giá trị trên phạm vi toàn quốc.
Một trong những khó khăn nữa đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, là chịu sự cạnh tranh quốc tế quyết liệt trong điều kiện hội nhập sâu và rộng, giữa lúc tình hình kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm. Trong khi đó, nhiều vướng mắc tồn đọng từ năm trước vẫn chưa thực sự được cải thiện, như tổng cầu xã hội giảm, sức mua kém, hiệu quả của các chính sách tài khóa, tiền tệ, kích cầu… đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Mặt khác, thành phố phải duy trì các nhiệm vụ khác như ổn định quốc phòng an ninh, phát triển văn hóa xã hội…
Trước những cơ hội và thách thức đan xen, thành phố Hải Phòng đã vận dụng và phát huy hiệu quả tinh thần sáng tạo, dám nghị dám làm, chủ động trong mọi tình huống. Giữa vòng xoáy dịch bệnh, không chỉ là nhiệm vụ kép, mà thành phố đã vận hành bộ máy thực hiện đa nhiệm vụ, triển khai các Nghị quyết của Đảng, cơ chế mới phù hợp với thực tiễn, với phương châm “biến nguy thành cơ”.
Riêng về thành tựu về kinh tế - xã hội, có 13/19 chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Dù chưa được như kỳ vọng, nhưng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế trên diện rộng, kết quả đó thực sự ấn tượng, cũng chính là kết quả của sự kiên định, quyết tâm và quyết liện trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra.
Một góc Nhà máy chế tạo ô tô tại Tổ hợp công nghệ Vinfast Cát Hải
Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố tăng 12,38%, tuy không đạt mục tiêu 13,5% như kế hoạch, nhưng mức tăng trưởng này thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Nổi bật, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 90.421 tỷ đồng, tăng 17,2% so với dự toán Trung ương giao, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 54 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%, thu nội địa khoảng 35 nghìn tỷ đồng, tăng 33,1% so với dự toán Trung ương giao.
Cùng với đó, một số chỉ tiêu chủ yếu khác cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế thành phố, có thể kể: thu hút vốn đầu tư nước ngoài 3,13 tỷ USD, tăng 91,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 23,19%; sản lượng hàng qua cảng tăng 7,36%... so với cùng kỳ năm 2020.
Thành phố cũng đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng đô thị… Cụ thể đã khởi công 10 dự án, khánh thành 11 dự án, hoàn thành và đưa vào khai thác các công trình trọng điểm, đáng kể như: trục đường Hồ Sen – Cầu Rào 2; cầu Dinh; cầu Quang Thanh; đường nối nút giao Nam Cầu Bính đến nút giao đường Tôn Đức Thắng – Quốc lộ 5; đường xuyên đảo Cát Hải; hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tiên Lãng…
Đồng thời, tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược khác như: đường Đông Khê 2, Cầu Rào 1, nút giao khác mức Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng – Máng nước – Quốc lộ 5…
Điều quan trọng hơn, nói theo cách của Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang, thì trong bối cảnh khó khăn càng lớn, thành tựu càng thể hiện rõ tinh thần quyết tâm cao. Đồng thời, những kết quả đó cũng chính là môi trường rèn luyện để đội ngũ cán bộ, công chức thành phố ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Có thể nói, năm 2021 vừa qua, thành phố không những thể hiện rõ tính nhất quán trong chủ trương, đồng thuận trong hành động, mà còn tự khẳng định mình bằng việc rà soát, tạo ra mặt bằng so sánh mới cho định hướng phát triển. Về mặt vĩ mô, đây thực sự là chiến lược trọng yếu, có ảnh hưởng tích cực cho mục tiêu phát triển của thành phố trong những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh chung của cả nước và thế giới, kinh tế thành phố đã đi qua một năm đầy biến động với những nỗ lực vượt bậc. Đây chính là nguồn động viên đầy ý nghĩa để Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố vững tâm bước vào năm 2022, nhận diện đúng những thách thức và cơ hội, tiếp tục phát triển bền vững.
Việc thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2021 đã khẳng định sự khởi đầu tốt đẹp, để thành phố vận hành giai đoạn mới với tư duy cách mạng về kinh tế, mục tiêu to lớn là thoát khỏi sự ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, đẩy mạnh tăng trưởng, bứt phá và tăng tốc.
Trước mắt, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Nhưng với những gì đã đạt được, cùng với những bài học kinh nghiệm quý báu cả thành công và chưa thành công, chúng ta có quyền tin tưởng vào tương lai. Điều đó cũng đã được cụ thể hóa thành 11 chỉ tiêu phát triển kinh tế đã được thành phố đề ra trong năm 2022.
Đáng mừng nữa là, trước thềm năm mới, Hải Phòng đã được Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển. Đây sẽ là tiền đề cơ sở tạo nguồn động lực cơ yếu, để kinh tế Hải Phòng tự tin hơn trên lộ trình bứt phá.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết