Thử bàn về “phát minh, sáng chế” trong chế tạo

21:03 07/09/2018

Thời gian gần đây, một vài thử nghiệm tự phát về kỹ thuật, thực chất là sao chép thành quả của khoa học kỹ thuật thế giới, được tung hô là “phát minh, sáng chế” của người Việt, khiến dư luận xuất hiện nhiều ý khiến trái chiều..

Một mô hình máy bay thời “ý tưởng” (ảnh sưu tầm)

Những công trình “Hai Lúa” được tung hô

Cách đây hơn chục năm, các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên chuyện một anh “Hai Lúa” ở phía Nam chế tạo được máy bay trực thăng.

Không ít tác giả coi đây như là một “phát minh, sáng chế”, thậm chí còn dẫn lời mô tả, rằng sau khi thử nghiệm thành công thì hàng loạt chiếc trực thăng “Made in Hai Lua” sẽ được sản xuất để phục vụ bà con đồng bằng sông Cửu Long phun thuốc trừ sâu, tưới phân hóa học cho lúa?

Lại có bài viết có phần chỉ trích các cơ quan chức năng, rằng không quan tâm đến sáng tạo của người dân, như thế là thiếu trách nhiệm đối với công cuộc phát triển của đất nước?

Có lẽ để rộng đường dư luận, sau đó một số cơ quan chức năng đã vào cuộc. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, đây là mô hình máy bay mô phỏng theo nguyên lý hoạt động mà kỹ thuật thế giới đã đi trước hơn nửa thế kỷ. Được dựng bằng khung théo tự chế, lắp động cơ xe “Zin” cũ của Liên Xô, kèm theo các hệ thống hỗ trợ cũng lấy từ đồ cũ phế liệu, cánh quạt kiếm từ phế loại phẩm chiến tranh…? Tất nhiên tại thời điểm đó, khi báo chí và dư luận đã mặc nhiên đây là phát minh, sáng chế, thì rất khó cho người nào đó dám nói thẳng đây chỉ là một dạng hàng nhái chưa hoàn thiện.

Rồi theo chiều hướng tuyên truyền này, thời gian sau xuất hiện nhiều nhà “phát minh khác”. Chẳng hạn như một kỹ sư chuyên về hóa nhựa cũng ở phía Nam cho ra đời mẫu “tàu ngầm” có vỏ làm từ  nhựa composite. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như tác giả của những mô hình này không tuyên bố, chỉ cần vài trăm nghìn USD thì ông sẽ chế tạo cho Việt Nam cả hạm đội tàu ngầm mạnh hơn hạm đội 7 của Hải quân Mỹ?

Tương tự cùng thời điểm này, một kỹ thuật gia ở phía Bắc cũng cho ra đời một mô hình “tàu ngầm” khác, sau vài năm say mê, sản phẩm cũng có một đôi lần “trồi lên, chìm xuống” rất đình đám. Nhưng rốt cuộc, những ai quan tâm chỉ cần gõ vài từ khóa trên “Google”, sẽ thấy ngay đích đến của những sản phẩm này, nếu cho rằng chúng ta có thể phát triển theo hướng đó để đuổi kịp các nước như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Nhật hay Trung Quốc.

Sản phẩm “tàu ngầm” được coi là “sáng chế” của Việt Nam (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Ở một góc độ khác, cho đến tận thời điểm này, vẫn thấy xuất hiện những bài viết, mô tả giãi bày của một doanh nhân ở phía Bắc, khi muốn cho ra đời những chiếc ô tô “Made in Việt Nam” thực thụ. Đi sâu vào tìm hiểu, thì doanh nhân này vốn là chủ sở hữu một doanh nghiệp lắp ráp ô tô, trên cơ sở hệ thống tổng thành và linh kiện nhập từ Trung Quốc, đăng ký thương hiệu Việt Nam. Và ngay cả khi doanh nhân này tuyên bố chế tạo thành công mẫu xe thuần Việt, thì cũng khó tìm được chi tiết nào trên sản phẩm thuộc diện “phát minh, sáng chế” nội địa.

Vậy nhưng trong các bài viết phân tích về thất bại, rất ít khi thấy được “lỗi” của vị doanh nhân, mà hầu như hàm ý của các tác giả quy kết về trách nhiệm nhà nước, rằng giả như nhà nước đầu tư vốn cho công trình hoặc ít nhất cũng “mua” lại chất xám, thì rất có thể những chiếc ô tô thuần Việt sẽ có dịp tung hoành?

Cần một sự rạch ròi

Cần phải khẳng định rằng, niềm say mê phát triển ý tưởng là hết sức đáng trân trọng, sẽ không có gì để bàn nếu như nó chỉ thuộc về ý thức tự phát của người trong cuộc. Tài năng của họ cũng chẳng phải bàn, nhưng việc sao chép lại thành quả mà thế giới đã vươn quá cao để mưu cầu phục vụ cuộc sống là thiếu thực tế. Mặt khác, việc đòi hỏi sự đầu tư từ ngân sách, nghĩa là sự đóng góp của toàn xã hội thì quả là điều cũng khó chấp nhận.

Hạm đội tàu ngầm tiên tiến của các nước phát triển (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Theo một kỹ sư (xin được giấu tên), nếu hiểu đơn giản khoa học là quá trình nghiên cứu, kỹ thuật là quá trình ứng dụng, thì những sản phẩm kể trên chẳng qua là một dạng hàng nhái, trên nền tảng nguyên lý khoa học kỹ thuật có sẵn hàng trăm năm của nhân loại.

Ông này chứng minh, ngay tại Hải Phòng, người ta vẫn thấy những chiếc xích lô gắn động cơ xe máy, hay xe ba bánh cho thương bệnh binh – người khuyết tật, mà tác giả của nó đôi khi chỉ là một thợ cơ khí thông thường. Còn nếu chỉ nghĩ đơn giản ô tô là một cỗ xe gắn động cơ chạy trên đường, “Tôi chỉ mất vài ngày hàn lắp bằng nguyên vật liễu có sẵn trên thị trường là sẽ có ngay một chiếc xe chạy băng băng trên đường Hải Phòng”, ông này quả quyết nói.

Vấn đề đặt ra là phải xác định rõ mục đích phát triển, trên cơ sở đánh giá toàn diện từ nghiên cứu đến ứng dụng, từ thí nghiệm, thực nghiệm đến thị trường để, chứ không chỉ là sự ngộ nhận cục bộ. Bởi lẽ xét về góc độ kinh tế, sản phẩm khi được thương mại hóa thì quyết định thuộc về người tiêu thụ, trong khi đó đơn cử như mua một chiếc xe máy, người có nhu cầu đã phải cân nhắc nên mua xe Tàu, xe Nhật hay xe Ý, thậm chí ngay như mua xe Nhật, cũng phải lăn tăn giữa các thương hiệu Honda, Yamaha hay Suzuki để quyết định, chứ đâu cứ gọi là xe là mua được. Trong khi đó, việc thương mại hóa sản phẩm cơ học như xe đạp ở Việt Nam còn khó khăn, nói gì đến ô tô, máy bay hay tàu ngầm tự phát triển.

Ông Vũ Hồng Khánh với công trình máy điều chế Hydro (ảnh sưu tầm)

Thực tế ở Hải Phòng, những công trình phát triển từ ý tưởng tự phát đã đi vào cuộc sống không phải là chuyện lạ. Như thương hiệu ô tô Hoa Mai, Chiến Thắng, vốn dĩ là kết quả mấy chục năm đam mê của những người trong cuộc, kể từ những chiếc “công nông đầu ngang” từng dọc ngang khắp các nẻo đường miền Bắc mấy chục năm trước.

Hay như những công trình nghiên cứu của ông Vũ Hồng Khánh (Giám đốc xí nghiệp tư doanh Khánh Hòa Hải Phòng), đều hướng tới mục tiêu thiết thực như máy sản xuất vành xe đạp Inox, máy nghiền thức ăn gia súc, máy ép gỗ o-kan… mà sự dày công nghiên cứu chưa chắc các nhà được cho là “phát minh, sáng chế” ở địa phương khác đã bì kịp.

Nhìn ra thế giới, trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, thấy rõ những phát minh đương nhiên phải là những sản phẩm chưa từng xuất hiện trước đó. Vậy nhưng để thương mại hóa được sản phẩm, phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thế hệ, thậm chí là nhiều quốc gia khác nhau mới đạt được sự hoàn thiện. Chẳng hạn chứng nhận tác giả chiếc ô tô hơi nước đầu tiên ở Hoa Kỳ được trao cho Oliver Evans năm 1789, nhưng để có được một nền công nghiệp ô tô như hiện nay, là cả một công trình khoa học kỹ thuật khổng lồ.

Theo quan điểm của nhiều người, cần phải rạch ròi bằng cách nhìn thực tiễn để chọn hướng phát triển ngành chế tạo của Việt Nam hiện nay. Điều quan trọng nhất là bài toán thực tiễn, rõ ràng việc đầu tư cho những công trình kiểu như “máy bay”, “tàu ngầm” kể trên sẽ rất tốn kém và tỷ lệ thành công là vô cùng nhỏ, nếu so sánh về tiêu chuẩn kỹ thuật, độ an toàn và tính năng tích hợp của thành quả nhân loại sẵn có. Chính vì vậy, việc VinGroup mới đây đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng được cho là một hướng tiếp cận phù hợp.

Không cần quá ồn ào về “phát minh, sáng chế”, không đòi hỏi quá nhiều từ sự quan tâm của Nhà nước, mà Vinfast đi thẳng vào công nghiệp 4.0. Việc cam kết cho ra những mẫu xe hiện đại thời gian tới, có lẽ sẽ làm thay đổi quan điểm của nhiều người về “sản phẩm Việt”, “sáng chế Việt” hay những khái niệm tương tự.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông